Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đất đai

Hoàng Ngân| 25/05/2022 23:55

(TN&MT) - Chiều 25/5, tại Hà Nội, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Tổng cục quản lý đất đai tổ chức Hội thảo Tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2021, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực đất đai. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân dự và chỉ đạo tại Hội thảo.

thu-truong-ngan.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Nhiều kết quả đạt được

Đại diện đơn vị xây dựng báo cáo tổng kết hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc lĩnh vực đất đai giai đoạn 2011-2021, ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý đất đai, thuộc Tổng cục Quản lý đất đai cho biết: Từ năm 2011 đến nay, các đơn vị của Tổng cục Quản lý đất đai đã triển khai thực hiện 85 đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ, bao gồm 3 đề tài cấp Quốc gia, 41 đề tài cấp Bộ và 41 đề tài cấp cơ sở. Đến nay đã có 79/85 đề tài đã hoàn thành và đạt được kết quả nghiên cứu theo đúng mục tiêu đề ra, sản phẩm đề tài đã được nghiệm thu, thanh lý; 6/85 đề tài đang tổ chức thực hiện thể hiện theo đúng tiến độ và sẽ hoàn thành trong
năm 2022.

Về cơ bản, kết quả đạt được của các đề tài đã và đang triển khai đáp ứng đủ các tiêu chí về mục tiêu, nội dung và sản phẩm đầu ra. Nhiều công trình nghiên cứu đã và đang cung cấp những cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Một số kết quả nghiên cứu của các đề tài thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ đã tạo cơ sở khoa học cho các dự án sự nghiệp của Tổng cục, đáp ứng các yêu cầu của quản lý nhà nước về đất đai và đóng góp cho nhiều lĩnh vực khác.

1(5).jpg
Ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ thực hiện đã được chuyển giao, có khả năng ứng dụng, từng bước được đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc xây dựng chính sách, pháp luật đất đai. Kết quả nổi bật của các công trình nghiên cứu là đóng góp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc sửa đổi, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003 và phục vụ sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra, nhiều đề tài đã góp phần tạo môi trường nghiên cứu, phát triển đào tạo đại học và sau đại học, thực hiện tốt việc gắn kết giữa sản xuất và đào tạo, giữa lý luận và thực tiễn, góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực của ngành tài nguyên và môi trường.

quang-canh(1).jpg
Quang cảnh buổi Hội thảo

Định hướng nghiên cứu KH&CN đến năm 2030

Chia sẻ về định hướng nghiên cứu KH&CN lĩnh vực đất đai giai đoạn 2021 - 2030, ông Nguyễn Đắc Nhẫn cho biết sẽ tập trung vào các nội dung chính, bao gồm nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn dựa trên tiếp cận thị trường trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai đảm bảo hiệu quả, bền vững; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về cơ chế, công cụ chính sách mới trong quản lý tài nguyên nguyên đất đai.

Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong công tác điều tra cơ bản, lập quy hoạch, quan trắc tài nguyên đất; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai chuyển đổi số ngành quản lý đất đai trong bối cảnh chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, xây dựng phát triển Chính phủ số; nghiên cứu ứng dụng, phát triển các giải pháp công nghệ phục vụ cung cấp, chia sẻ, khai thác dữ liệu ngành quản lý đất đai; nghiên cứu kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý đất đai theo hướng tinh gọn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tại Hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận về định hướng hoạt động KHCN trong lĩnh vực đất đai giai đoạn 2021-2030; định hướng, lộ trình trong nghiên cứu, xây dựng chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống định giá đất quốc gia tại Việt Nam; các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực đất đai.

2(6).jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Đánh giá cao về các kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, kết quả KH&CN các cấp đã góp phần quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn góp phần đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, cụ thể là xây dựng và ban hành Luật đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; cung cấp luận cứ khoa học để đổi mới, hoàn thiện các công cụ quản lý đất đai như quy hoạch sử dụng đất, tài chính đất đai,… góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.

Đồng thời, cung cấp nền tảng cơ bản cho công tác quản lý đất đai, như nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu, đánh giá tài nguyên đất, hệ thống thông tin đất đai; đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm kê đất đai, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận về “Định hướng, lộ trình trong nghiên cứu, xây dựng chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống định giá đất quốc gia tại Việt Nam”; “Ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới công tác quản lý đất đai tại Việt Nam”; “Nghiên cứu khoa học công nghệ đo đạc bản đồ phục vụ quản lý, sử dụng đất đai”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO