Đầu tư xử lý môi trường nước: Chưa tương xứng

29/08/2017 00:00

(TN&MT) - Đối với khu vực đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, những khu vực trọng tâm, việc đầu tư nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) nhận được nhiều sự quan tâm bằng chiến lược và các dự án cụ thể. Tuy vậy, khi triển khai thực hiện vẫn chưa đáp ứng được thực tiễn đặt ra.

Huy động các nguồn vốn còn nhiều hạn chế

Theo Báo cáo Môi trường đô thị (MTĐT) năm 2016 cho thấy: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015, với tổng mức vốn 5.863 tỷ đồng. Một trong 3 nội dung chính của Chương trình là thu gom, xử lý nước thải (XLNT) từ các đô thị loại II trở lên, xả trực tiếp ra 3 lưu vực sông (LVS) Cầu, Nhuệ - sông Đáy và Đồng Nai.

Tuy vậy, kế hoạch và tiến độ triển khai thực hiện các dự án trên còn chậm và chưa đóa ứng được mục tiêu đặt ra. Phần lớn các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, việc huy động nguồn lực từ phía địa phương còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, có đến 80 - 90% nguồn chi sự nghiệp môi trường hàng năm sử dụng cho hoạt động quản lý chất thải rắn còn lại rất ít chi cho việc xử lý nước thải và các vấn đề khác. Chưa kể, nhiều địa phương chưa bố trí đủ 1% chi ngân sách cho BVMT khiến xử lý nước thiếu càng thêm thiếu.

Nhà máy xử lý nước thải thành phố Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Minh
Nhà máy xử lý nước thải thành phố Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Minh

Theo nhận định của một số chuyên gia, những năm qua, đầu tư của toàn xã hội nói chung và đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực môi trường còn hạn chế, đầu tư cho việc xử lý nước thải, ô nhiễm nguồn nước còn quá ít so với việc đầu tư xây dựng cơ bản và các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội khác.

Mặt khác, việc lựa chọn các dự án đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường chưa dựa trên các tiêu chí cụ thể; còn mang nặng cảm tính khi xác định thứ tự ưu tiên các dự án; việc phân bổ vốn đầu tư cho các dự án còn dàn trải; đầu tư không đồng bộ, không theo quy hoạch, dự án đầu tư thường kéo dài nhiều năm, gây lãng phí và giảm hiệu quả vốn đầu tư.

Đa dạng hóa nguồn lực BVMT

Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Theo phân công, Bộ TN&MT đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020. Một trong những dự án của chương trình là đầu tư xây dựng xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn từ các đô thị loại IV trở lên, xả trực tiếp ra lưu vực sông (LVS) Cầu (với tổng kinh phí dự kiến là 919 tỷ đồng). Theo Ủy ban BVMT LVS Cầu, hiện nay, dự án đã được triển khai tại 4 tỉnh - thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.

Số liệu thống kê của Báo cáo MTĐT năm 2016 cũng cho thấy, có 42/787 đô thị có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định, chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn so với tổng công xuất xử lý đạt 10 - 11%. Mặc dù, so với yêu cầu thực tế, đây chỉ là con số rất nhỏ, nhưng với giai đoạn trước đã tăng 4 - 5%.

Tuy vậy, theo một số chuyên gia, nguồn đầu tư cho quản lý môi trường nước chưa thể duy trì lâu dài cũng như huy động vai trò và trách nhiệm của các bên tham gia. Đồng thời, vẫn còn nhiều hạn chế từ giai đoạn trước chưa có nhiều chuyển biến. Hoạt động điều tra, thống kê nguồn thải, kiểm kê nguồn thải mới chỉ triển khai ở phạm vi hẹp, ở một số ngành, khu vực. Do nguồn nhân lực quá mỏng, công tác thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở hàng năm vẫn còn rất thấp so với yêu cầu thực tế. Đối với hoạt động quan trắc giám sát chất lượng nước thải, theo quy định tại Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, các cơ sở sản xuất nằm ngoài KCN có quy mô xả nước thải từ 1000 m3/ngày đêm trở lên phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục. Tuy vậy, thực tế hiện nay, mới chỉ có một số cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai thực hiện.

Hiện nay, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa BVMT, thực hiện đúng nguyên tắc “người được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho BVMT; người gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại”.

Phương Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư xử lý môi trường nước: Chưa tương xứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO