Đầu tư xử lý chất thải nguy hại: Thiếu kinh phí, bí công nghệ

05/06/2014 00:00

(TN&MT) - Nhìn tổng thể hoạt động xử lý chất thải nguy hại (CTNH) cho thấy, hiện chưa có nhiều những doanh nghiệp đủ lớn để thu gom và xử lý loại chất thải này.

(TN&MT) - Nhìn tổng thể hoạt động xử lý chất thải nguy hại (CTNH) cho thấy, hiện chưa có nhiều những doanh nghiệp đủ lớn để thu gom và xử lý loại chất thải này, chính vì vậy, CTNH đã và đang để lại những hậu quả nặng nề về môi trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng.
   
Không ít doanh nghiệp gặp khó trong xử lý CTNH.
Thải nhiều xử lý ít
   
  Ngược lại với tốc độ gia tăng nhanh chóng của lượng chất thải, nội lực đầu tư cho ngành xử lý chất thải đang hết sức “èo uột”. Chỉ có sự tham gia của vài cơ sở sản xuất nhỏ. Hơn nữa, với tư duy đầu tư kinh doanh theo kiểu “ăn xổi, ở thì” đã khiến cho thị trường xử lý, tái chế chất thải đang bị cạnh tranh một cách “méo mó”. Số ít doanh nghiệp đầu tư bài bản, làm ăn chân chính trong lĩnh vực xử lý chất thải đang điêu đứng vì không thể ký được các hợp đồng thu gom chất thải. Còn các cơ sở nhỏ lẻ, không đủ năng lực thì lại sống ung dung.
   
  Theo số liệu của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49), hàng năm, lượng CTNH của cả nước ước tới 156.000 tấn. Trong khi đó, mới chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải. Vì vậy, tổng lượng CTNH được xử lý đạt khoảng 30%, số còn lại bị chôn lấp, đổ thải hoặc tái sử dụng một cách trái phép. Các hoạt động thanh kiểm tra và xử lý vi phạm chỉ khoảng 10% so với tình hình thực tế.
   
  Từ các hoạt động thanh, kiểm tra cộng đồng mới vỡ lẽ và không khỏi bức xúc khi chính các đơn vị được giao trách nhiệm xử lý loại chất thải này lại chính là thủ phạm  gây ô nhiễm nhiều nhất. Các kết quả thanh tra cho thấy, các doanh nghiệp này đã chôn lấp cả chất thải thông thường lẫn CTNH dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe người dân.
   
  Đơn cử như ở TP. HCM có khoảng 15 doanh nghiệp chuyên về xử lý chất thải nguy hại. Ngoài ra, còn có 49 đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại nhưng chỉ có 19 đơn vị có khả năng xử lý với năng lực xử lý đạt khoảng 10% lượng chất thải nguy hại, 30 đơn vị còn lại (đa phần là doanh nghiệp nhỏ) chỉ thu gom, vận chuyển và phát tán chất thải nguy hại khắp nơi. Hiện nay, nhiều chất thải nguy hại được thu gom chung với rác thải công nghiệp. Một lượng lớn chất thải nguy hại đi vào các bãi chôn lấp rác. Nguy hiểm là, khi vào bãi rác, chất thải nguy hại phá hủy quá trình phân hủy rác hữu cơ, gây ô nhiễm nước ngầm.
   
  Theo các chuyên gia về môi trường, một số chất thải nguy hại như chất phóng xạ, dầu nhờn, phốt pho, thuốc trừ sâu hay cả chất thải y tế… nếu đem chôn lấp sẽ rất nguy hiểm cho con người.
   
Vướng công nghệ
   
  Sau khi có sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản dưới Luật như Thông tư số 12 của Bộ TN&MT về hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại và Quyết định số 23 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Danh mục chất thải nguy hại công nghệ xử lý CTNH của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể.
   
  Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để thực sự đảm bảo công tác quản lý CTNH đạt yêu cầu, cần phát triển công nghệ xử lý CTNH tại Việt Nam cả về chất và lượng. Nghiên cứu chuyên biệt hoá các công nghệ để xử lý các loại CTNH đặc thù. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo các công nghệ đã được cấp phép hoạt động tuân thủ đúng quy định, đạt các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
   
  Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý CTNH vẫn là vấn đề đau đầu của các nhà quản lý và nhà khoa học về môi trường. Đối với các loại CTNH đặc thù, nên xây dựng quy trình xử lý chuyên biệt để đảm bảo an toàn cho môi trường xung quanh. Nhưng để lựa chọn công nghệ xử lý chất thải phù hợp điều kiện của Việt Nam không phải dễ, do đó cần thiết phải xây dựng và ban hành các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật... làm cơ sở khoa học cho công nghệ xử lý chất thải.
   
  Ngoài ra, để công tác bảo vệ môi trường thực hiện hiệu quả, Nhà nước không chỉ quan tâm đến vấn đề quản lý, thanh tra, xử phạt mà cần thiết phải chú trọng đến vấn đề quản lý thị trường và quy hoạch công nghệ xử lý CTNH. Có như vậy mới có thể tránh cho doanh nghiệp những rủi ro không đáng có, đồng thời nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường của các đơn vị sản xuất.
   
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư xử lý chất thải nguy hại: Thiếu kinh phí, bí công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO