Đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô: Xứng đáng với vị thế vùng lãnh thổ đặc biệt quan trọng của quốc gia

06/09/2013 00:00

, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội.

Sáng 6/9, tại Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi và đại diện các tỉnh trong vùng, các Bộ ngành liên quan…
   
Công tác QH và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô đạt được nhiều kết quả quan trọng
   
  Ngày 05/5/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, Vùng Thủ đô Hà Nội gồm có 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hoà Bình, có tổng diện tích 13.428 km2, dân số gần 13 triệu người, với đô thị trung tâm là Thủ đô Hà Nội. Ngày 29/5/2008 Quốc hội khóa XII thông qua Nghị quyết mở rộng Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.444 km2.
   
  Để đảm bảo sự phát triển tương xứng trong vùng sau khi đô thị trung tâm Hà Nội được mở rộng, Vùng Thủ đô được mở rộng thêm 3 tỉnh mới là Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang, với tổng diện tích toàn Vùng là 24.315 km2, quy mô dân số xấp xỉ 17,5 triệu người (năm 2012), chiếm 19,1% dân số cả nước. Với tính chất là một Vùng lãnh thổ đặc biệt quan trọng của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội (BCĐ), theo Quyết định số 118/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003) để chỉ đạo công tác QH và đầu tư xây dựng trong Vùng.
   
  Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng – Phó Trưởng Ban BCĐ nhận định: Sau 10 năm hoạt động của BCĐ và 5 năm thực hiện quy hoạch xây dựng (QHXD) Vùng Thủ đô, mặc dù trong điều kiện nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng công tác QH và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
   
  Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Vùng luôn duy trì ở mức cao và tương đối ổn định với tổng sản phẩm GDP toàn Vùng năm 2012 đạt khoảng 646.730 tỷ đồng, chiếm 21,72% so với cả nước; GPD bình quân đầu người đạt 1.748USD (bình quân cả nước 1.379,5USD). Cơ cấu kinh tế trong Vùng dịch chuyển nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
  Trong công tác QH và phát triển đô thị, Vùng thủ đô đã đạt được nhiều kết quả tích cực với tỷ lệ phủ kín QH tăng nhanh và cao hơn so với bình quân chung cả nước, chất lượng đồ án QH từng bước được nâng cao… Hệ thống đô thị phát triển nhanh về quy mô với 136 đô thị, trong đó có 01 đô thị đặc biệt và 02 đô thị loại II. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội có bước phát triển nhanh, nhất là hạ tầng giao thông.
   
  Lĩnh vực nhà ở Vùng cũng có bước phát triển vượt bậc với hàng loạt dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ. Cùng với phát triển nhà ở thương mại, công tác phát triển nhà ở xã hội được các địa phương triển khai tương đối tích cực, góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp đô thị, người nghèo nông thôn theo Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia...
   
   
  Hệ thống khu công nghiệp trong Vùng thủ đô trong 10 năm qua đã phát triển nhanh, phân bố tương đối hợp lý, với hiệu suất sử dụng tương đối cao: Toàn vùng có 119 khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy trung bình khá cao từ 50-75% đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động trong Vùng.
   
  Bộ trưởng cho biết: Mô hình tổ chức quản lý phát triển Vùng đã đạt được những kết quả bước đầu thông qua hoạt động của BCĐ QH và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô, sự tham gia của các địa phương, Bộ ngành. Ban Chỉ đạo đã tích cực chỉ đạo công tác QH xây dựng trong Vùng, đảm bảo tính kết nối trong và ngoài vùng, nâng cao chất lượng các đồ án, trọng tâm là các đồ án lớn, quan trọng như: Đồ án QH Vùng Thủ đô; Đề án mở rộng Thủ đô Hà Nội (năm 2008); Đồ án QH chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh QH vùng Thủ đô…
   
  Các địa phương trong Vùng cũng thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của BCĐ; nghiên cứu, phát huy lợi thế của Vùng trong quá trình QH và đầu tư xây dựng tại địa phương; đồng thời có nhiều hoạt động phối hợp trong triển khai các dự án cấp Vùng, cũng như chủ động trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong quản lý QH và đầu tư xây dựng. Các Bộ ngành, cũng đã có nhiều nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ theo QH Vùng Thủ đô, nhất là triển khai các dự án cấp Vùng; tăng cường phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong Vùng triển khai các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
   
Sớm hoàn thiện đồ án Điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô
   
  Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác QH và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, như việc cụ thể hóa QH xây dựng Vùng Thủ đô còn chậm, còn thiếu nhiều QH chuyên ngành, QH phân khu, QH chi tiết; chất lượng một số đồ án QH còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ với QH tổng thể phát triển kinh tế - xã hội…; công tác quản lý phát triển đô thị, khu công nghiệp còn nhiều bất cập; mô hình phát triển đô thị, khu công nghiệp còn thiếu tính bền vững, chưa đề cao tính kết nối; công tác phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn nhiều hạn chế; công tác phát triển nhà ở tuy đã đạt được nhiều kết quả, nhưng ở nhiều địa phương mới chỉ chú trọng phát triển nhà ở thương mại, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội; hoạt động của BCĐ chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
   
  Phó Trưởng BCĐ Trịnh Đình Dũng nhận định: Nguyên nhân của những hạn chế trên là do hệ thống thể chế chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng (trong đó có QHXD) còn thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, thậm chí còn có những điểm chồng chéo; thiếu cơ chế để đảm bảo quản lý thống nhất về công tác QH và đầu tư xây dựng cấp Vùng; Một số địa phương chưa thực sự đề cao và phát huy hiệu quả các yếu tố lợi thế của toàn Vùng cũng như các địa phương khác trong Vùng; còn thiếu cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương; việc cân đối các nguồn lực đầu tư chưa hợp lý; mô hình tổ chức và hoạt động của BCĐ QH và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô hiện nay còn bất cập, chưa xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo thực hiện công tác QH và đầu tư xây dựng trọng Vùng nên hiệu quả hoạt động chưa cao.
   
  Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Trước thực trạng trên, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện việc lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô; Cụ thể hóa Quy hoạch vùng Thủ đô, khẩn trương nghiên cứu lập, điều chỉnh, bổ sung để sớm phủ kín các QH chuyên ngành, QHXD vùng tỉnh, QH chung, QH phân khu, QH chi tiết, QHXD nông thôn tại tất cả các địa phương trong Vùng; tổ chức thực hiện QH vùng Thủ đô; đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở xã hội cho 8 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia; nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng Vùng…
   
PV
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô: Xứng đáng với vị thế vùng lãnh thổ đặc biệt quan trọng của quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO