Đầu tư vào BĐKH và tăng trưởng xanh: Nhiều ưu đãi cho nguồn lực tư nhân

29/06/2016 00:00

(TN&MT) - Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có cơ hội tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi khi thực hiện các dự án biến đổi khí hậu (BĐKH) và tăng trưởng xanh (TTX). Các chính sách tài chính hiện nay đang khuyến khích khối tư nhân bù đắp khoảng trống đầu tư trong lĩnh vực này.

Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, Việt Nam cần khoảng 55,85 tỷ USD để thực hiện Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ có thể đáp ứng khoảng 24 tỷ USD, số còn lại phải huy động từ khu vực tư nhân. Việc thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và dòng tài chính thực tế đang đặt ra những yêu cầu về cải thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân – khu vực được đánh giá là chưa phát huy hết tiềm năng tương xứng.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, khu vực tư nhân chiếm khoảng 60% đầu tư toàn cầu liên quan đến khí hậu. Chính vì thế, khi hỗ trợ Việt Nam xây dựng khung huy động nguồn lực cho BĐKH và TTX, các đối tác quốc tế nhấn mạnh đến việc cung cấp các công cụ tài chính và trợ cấp đầu tư xanh cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực giảm phát thải, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH. Đặc biệt, hình thức đầu tư công - tư kết hợp (PPP) đang được khuyến khích để phát huy hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước và tư nhân cùng lúc.

DN nhỏ và vừa tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện các dự án BĐKH
DN nhỏ và vừa tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện các dự án BĐKH

Theo ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ KH&ĐT, ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương, vốn ODA, vốn tư nhân đều đóng vai trò quan trọng trong đầu tư cho BĐKH và TTX. Trong đó, vốn của Nhà nước và ODA sẽ được dùng như “chất xúc tác” để thúc đẩy đầu tư.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Chương trình Tín dụng xanh nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cung cấp thêm các khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh. Hiện, có 4 ngân hàng đang tham gia thực hiện thí điểm chương trình là: Agribank, BIDV, Sacombank và VCB. Theo đó, các ngân hàng sẽ hỗ trợ khoảng 20 - 25  phương án, dự án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng mới/năng lượng tái tạo, xử lý/tái chế rác thải và nông nghiệp hữu cơ. Doanh nghiệp có thể vay vốn với lãi suất thấp hơn thông thường từ 1 - 3%. Ông Cát Quang Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự kiến tổng số tiền hỗ trợ lãi suất tối đa từ ngân sách trong 3 năm là 270 tỷ đồng. Với cơ chế cho vay dài hạn, đây là cơ hội cho các dự án xanh có chi phí đầu tư lớn, giá thành sản phẩm cao và thời gian thu hồi vốn dài. Ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh chính sách vĩ mô, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhiều quỹ hỗ trợ đối với lĩnh vực BĐKH và TTX. Ví dụ, Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) khuyến khích đầu tư tư nhân vào các hệ thống sản xuất sạch hơn và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cùng một khoản trợ cấp dựa trên hiệu quả hoạt động. Khi dự án thực hiện thành công, doanh nghiệp có thể nhận được tiền thưởng về thanh toán nợ: Nếu các công nghệ mới giúp giảm phát thải ít nhất là 30%, người vay sẽ được hưởng 15% số nợ dịch vụ được tài trợ từ Quỹ. Nếu giảm phát thải từ 30 - 50%, tỷ lệ trợ cấp sẽ là 25%. Cho đến nay, Quỹ đã hỗ trợ cho hơn 100 doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ngoài ra, Quỹ Đầu tư xanh (GIF) cũng dành một khoản bảo lãnh ngân hàng cho các khoản đầu tư vào tiết kiệm năng lượng hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và giải thưởng tiết kiệm năng lượng. Chương trình Tín dụng tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả đã hỗ trợ các ngân hàng địa phương cho vay đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp muốn mua và đầu tư vào nhà ở và các tòa nhà tiết kiệm năng lượng. Còn nhiều quỹ khác như Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với BĐKH (VCIC), Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu KFW, Chương trình Tiết kiệm năng lượng cho các dự án của các doanh nghiệp công nghiệp (VEEIEs)... đều dành những ưu đãi nhất định cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Ông Phạm Hoàng Mai cho biết, Bộ KH&ĐT hiện, đang cùng với UNDP đánh giá việc sử dụng nguồn vốn cho mục tiêu khí hậu tại khu vực tư nhân. Các thông tin thu thập được cũng sẽ góp phần cải thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện  thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư vào BĐKH vàTTX tại Việt Nam trong thời gian tới.

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư vào BĐKH và tăng trưởng xanh: Nhiều ưu đãi cho nguồn lực tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO