Đầu tư tài chính cho bảo vệ môi trường nông thôn: Cần tương xứng với quá trình phát triển

26/06/2017 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế, nông thôn Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Song môi trường nông thôn cũng đang phải chịu nhiều hệ lụy từ ô nhiễm. Tuy nhiên, việc đầu tư các nguồn lực trong đó có tài chính cho xử lý môi trường dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Đầu tư có tăng nhưng vẫn không đủ

Theo báo cáo từ số liệu của Bộ NN&PTNT thì nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường chi cho Bộ này mỗi năm được cấp từ 14 – 42 tỷ đồng. Nhưng với số tiền này thì phải chia đều cho 7 lĩnh vực mà Bộ quản lý khiến việc đầu tư cho mỗi ngành đều dàn trải và chưa phát huy được hiệu quả chỉ như là “muối bỏ bể”. Không những thế, nguồn kinh phí này đã ít lại đang phải giảm dần đi theo từng năm. Nếu như năm 2011 nguồn kinh phí được cấp lên tới 42,43 tỷ đồng đầu tư cho bảo vệ môi trường nông thôn thì tới năm 2014 chỉ còn 14 tỷ đồng khiến công tác này càng rơi vào tình cảnh khó khăn.

So với các bộ ngành khác, Bộ NN&PTNT là một trong các bộ được giao kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường khá lớn. Tuy nhiên, thực tế chi phí cho hoạt động quản lý môi trường của ngành lại rất thấp (khoảng 7 – 10 tỷ đồng/năm) vì phần lớn kinh phí (khoảng 10 – 13 tỷ/năm) dùng cho các dự án điều tra nguồn lợi thủy sản. Theo thống kê, trong các nội dung chi về môi trường thì phần chi thường xuyên đã chiếm tỷ lệ trên 60% (năm 2014 chi cho hoạt động quan trắc khoảng 3,5 tỷ đồng, hoạt động kiểm tra và tuyên truyền, hội thảo, tập huấn khoảng 1 tỷ đồng/ năm nên kinh phí đầu tư cho các hoạt động khác của ngành còn lại rất ít (khoảng 2 – 3 tỷ đồng/ năm).

Với nguồn chi ít ỏi còn lại đã dẫn tới tình trạng nhiều dự án, nhiệm vụ về môi trường đã được phê duyệt nhưng không có kinh phí triển khai, thậm chí có những lĩnh vực không còn kinh phí để triển khai. Tình trạng này không chỉ ở riêng Bộ NN&PTNT mà ngay Bộ TN&MT cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi kinh phí chi sự nghiệp môi trường có tính chất là nguồn chi thường xuyên nên kinh phí từ nguồn này không thể bố trí để đầu tư giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc đang ngày càng gia tăng.

Đối với các địa phương thì công tác đầu tư tài chính trong hoạt động BVMT nông thôn cũng chưa được đầu tư thích đáng cũng như chưa có sự cân đối. Hầu hết, nguồn kinh phí mới chỉ tập trung chủ yếu chi cho Chương trình nước sạch và Vệ sinh môi trường nhằm cải thiện chất lượng đời sống của người dân. Trong khi đó, những phần chi cho hoạt động đầu tư hạ tầng, hệ thống xử lý chất thải lại...chiếm rất nhỏ khiến chất lượng cuộc sống không được cải thiện mà còn gây ra nhiều bức xúc, xáo trộn.

Rác thải tại nhiều vùng nông thôn Việt Nam vẫn chưa được thu gom, xử lý
Rác thải tại nhiều vùng nông thôn Việt Nam vẫn chưa được thu gom, xử lý

Đơn cử tại Vĩnh Phúc, theo số liệu của Chi cục Bảo vệ môi trường, kinh phí sự nghiệp môi trường của tỉnh năm 2007 đạt trên 45,5 tỷ đồng, tới năm 2010 là gần 110 tỷ đồng và năm 2015 tăng lên trên 186 tỷ đồng. Đánh giá về những con số này, ông Phạm Mạnh Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT cho biết: “Về cơ bản, ngân sách cho SNMT có tăng nhưng mức tăng còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay, đặc biệt là ngân sách cho cấp xã để đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt”. Mặt khác, đầu tư vào lĩnh vực BVMT đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi đó thời gian hoàn vốn dài, các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Do đó, lĩnh vực này chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Một tồn tại nữa cho việc thiếu hụt kinh phí BVMT là tại các làng nghề, việc áp dụng các khoản phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và chất thải rắn chưa được thực hiện. Điều này dẫn tới tình trạng các hộ sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thiệt hại về môi trường chưa phải đóng góp tài chính để khắc phục hậu quả hoặc chịu xử phạt hành chính. Trong khi đó, kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường lại do chính quyền xã tự trang trải lấy từ nguồn được phép chi 10% nguồn thu thuế của các hộ sản xuất. Vì vậy, các làng nghề đều không đủ kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, áp dụng công nghệ sạch hơn.

Đa dạng hóa các nguồn đầu tư

Có một thực tế là hiện ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam đặc biệt là tại các làng nghề đã hình thành và phát triển dịch vụ thu gom rác thải và xử lý chất thải rắn. Kinh phí chi trả cho dịch vụ này được thu trực tiếp từ các hộ sản xuất hoặc hộ dân cư với mức thu trung bình là 10.000 đồng/tháng/hộ sản xuất và 3- 5000 đồng/tháng/hộ gia đình. Thực tế cho thấy, với mức thu này chưa đủ để chi cho công tổ dịch vụ và trang bị các dụng cụ thu gom. Chính vì vậy, tại nhiều địa phương đã có khuyến nghị nên tăng mức phí này lên để khuyến khích cũng như tạo nguồn vốn nhất định cho xử lý chất thải. Với các làng nghề thì nên tính phí theo lượng chất thải rắn thải ra của từng hộ sản xuất. Đây là yếu tố góp phần thúc đẩy dịch vụ thu gom xử lý chất thải làng nghề được tốt hơn thông qua đó cũng là yếu tố để các hộ giảm lượng phát thải.

Nhiều lò xử lý rác thải đã được đầu tư tại Thái Bình
Nhiều lò xử lý rác thải đã được đầu tư tại Thái Bình

Một giải pháp được nhiều chuyên gia môi trường cho là hết sức cần thiết đó là việc cần phải đa dạng hóa các nguồn đầu tư như việc kêu gọi sự giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế. Đối với trong nước cần phân cấp rõ ràng cho các nhiệm vụ chi ở cấp ngân sách địa phương. Cần có cơ chế quản lý chặt chẽ nguồn chi từ các cấp cơ sở để đồng vốn sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất. Không những thế cần có kế hoạch và dự trù kinh phí thỏa đáng cho hoạt động thu gom xử lý rác thải.

 Bên cạnh đó, tổ chức diễn đàn kêu gọi đầu tư vào các dự án, hoạt động bảo vệ môi trường. Quan trọng hơn cả là việc từng bước hình thành cơ chế để huy động nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường theo hướng kết hợp tăng chi từ ngân sách với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường bao gồm cả ưu tiên vay vốn ưu đãi, huy động tài trợ không hoàn lại và các nguồn lực trong xã hội.

Thái Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư tài chính cho bảo vệ môi trường nông thôn: Cần tương xứng với quá trình phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO