Đầu tư dự án môi trường tại Việt Nam: Cánh cửa rộng mở

07/11/2014 00:00

(TN&MT) - Việt Nam xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, ngành công nghiệp môi trường luôn có nhiều chính sách ưu...

(TN&MT) - Việt Nam xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, ngành công nghiệp môi trường luôn có nhiều chính sách ưu đãi như vốn, đất đai, miễn giảm thuế, phí đối với các chi phí môi trường, trợ giá để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án môi trường.
   
Năng lc x lý còn... yếu
   
  Với sự nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, các Bộ ngành, địa phương và sự vào cuộc của đông đảo cộng đồng, trong thời gian qua, việc xử lý và cải thiện ô nhiễm môi trường của Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu. Mặc dù vậy, tại Diễn đàn doanh nghiệp môi trường Việt - Hàn 2014 vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, Việt Nam vẫn còn trên 20% khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
   
  Các khu xử lý chất thải công nghiệp, đặc biệt xử lý chất thải nguy hại tập trung còn thiếu và chỉ được thực hiện ở các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ. 85% đô thị đang sử dụng các bãi chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh và chỉ khoảng 9% đô thị có nhà máy xử lý rác thải, kết hợp chế biến phân hữu cơ; tỉ lệ thất thoát thất thu nước sạch là 26%, thu gom, xử lý chất thải rắn đạt 84%. Bên cạnh đó, có tới 70% làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu, dẫn tới phát sinh nhiều chất thải, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.
   
Hệ thống xử lý chất thải phát điện tại Sóc Sơn là nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện đầu tiên tại Việt Nam.
    
   
  Còn theo Bộ Y tế, mỗi ngày có gần 1.200 bệnh viện (BV) và hơn 200 cơ sở y tế, viện, trung tâm y tế dự phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh dược trên cả nước thải ra khoảng 350 tấn chất thải rắn y tế và trên 150 ngàn mét khối nước thải. Tuy nhiên, 63% số BV hiện chưa có hệ thống xử lý nước thải và 70% số hệ thống xử lý nước thải hiện có không đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, ô nhiễm nước thải bao gồm nước thải công nghiệp, y tế, làng nghề cũng đang là vấn đề nhức nhối hiện nay.
   
  Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Công Thương Việt Nam, năm 2012, cả nước hiện có 3.982 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ về môi trường. Ngoài ra, trong các doanh nghiệp DVMT chưa có doanh nghiệp nào có khả năng cung cấp tất cả các loại hình dịch vụ. Đây là hạn chế của các doanh nghiệp môi trường Việt Nam nhưng cũng là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư, chuyển giao KHCN tới Việt Nam .
   
Tiềm năng lớn cho các nhà đầu tư
   
  Ở Việt Nam, theo điều tra khảo sát đánh giá về nhu cầu và năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường tại 20 tỉnh, thành trên cả nước của Bộ Công Thương, kết quả đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy thị trường cho ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam có tiềm năng tương đối lớn. Lượng chất thải rắn phát thải hiện nay khoảng 30 triệu tấn và mức tăng hàng năm khoảng 7%.
   
  Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng tái chế chất thải rắn công nghiệp cũng rất cao, ở nhiều ngành tỷ lệ chất thải có khả năng tái chế đạt hơn 80%. Những tiềm năng khác về các lĩnh vực như phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, dịch vụ hỗ trợ kĩ thuật, tư vấn chuyển giao công nghệ; sản xuất thiết bị, vật tư, nguyên liệu và sản phẩm thân thiện môi trường cũng rất lớn.
   
  Trong khi đó, theo Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng, đến năm 2015, Việt Nam vẫn chưa đạt được nhiều chỉ tiêu về cấp - thoát nước, xử lý chất thải rắn, vì thế cần nỗ lực hơn nữa trong thực hiện mục tiêu dài hơi đến năm 2020.
   
  Cụ thể, tỉ lệ cấp nước đô thị đạt từ 70%-90%, tỉ lệ thất thoát nước sạch giảm còn dưới 25%. Các đô thị loại 3 trở lên phải có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, nâng tỉ lệ nước thải qua xử lý lên 60%, các đô thị còn lại và làng nghề bảo đảm 40% lượng nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn quy định.
  Ngoài ra, theo Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đã được Chính phủ phê duyệt, từ năm 2016 đến 2020, 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải công nghiệp và 100% lượng chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom, xử lý...
   
  Để hiện thực hóa được những vấn đề này cần một khoản chi phí vô cùng lớn đối với Việt Nam, trong khi “bầu sữa” ngân sách đang ngày càng eo hẹp do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.
   
  Từ nay đến năm 2020, để có thể đạt những mục tiêu như 100% người dân được cấp nước sạch, 100% chất thải rắn được thu gom và xử lý (trong đó có 40% chất thải rắn tái chế) và đặc biệt là giảm hiệu quả tình trạng ngập úng thường xuyên thì tổng nhu cầu vốn đầu tư cho cấp nước là 98.500 tỷ đồng, thoát nước 155.000 tỷ đồng, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị 60.100 tỷ đồng. Nhu cầu đầu tư vào hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường của Việt Nam khá lớn, đây chính là tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý môi trường.
   
  Những điều này có thể khẳng định, cơ hội đầu tư trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam còn rất lớn và Nhà nước đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng đầu tư tại Việt Nam.
   
Thụy Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư dự án môi trường tại Việt Nam: Cánh cửa rộng mở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO