Dấu mốc của khát vọng chinh phục sông Đà

30/01/2017 00:00

Sự kiện Nhà máy thủy điện Lai Châu về đích sớm 1 năm so với kế hoạch đã ghi thêm dấu ấn trong bản trường ca chinh phục sông Đà của những người thợ điện Việt...

 

Trở lại Nhà máy thủy điện Lai Châu vào những ngày cuối năm, thời điểm mà công trình vừa được khánh thành về đích sớm 1 năm so với tiến độ kế hoạch chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự kỳ vỹ của công trình này. Càng không khỏi thán phục, tự hào về sức sáng tạo, bàn tay khối óc thể hiện bản lính, trí tuệ của những người thợ thủy điện Việt Nam trong công cuộc trị thủy sông Đà.

Dòng sông huyền thoại giờ đây đã có thêm một nhà máy thủy điện lớn hòa vào lưới điện quốc gia đưa dòng điện sáng đến muôn nơi phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhà máy Thủy điện Lai Châu về đích sớm 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Nhà máy Thủy điện Lai Châu về đích sớm 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Công trình của những dấu mốc lớn

Công trình thủy điện Lai Châu là công trình thủy điện lớn thứ 3 của Việt Nam được xây dựng trên dòng chính sông Đà, là bậc trên của Thủy điện Sơn La, Hòa Bình.

Dự án có nhiệm vụ cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và cùng với các nhà máy thuỷ điện Sơn La, Hòa Bình ở hạ lưu sông Đà phục vụ chống lũ về mùa mưa, điều tiết nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng tỉnh Lai Châu, Điện Biên và cả vùng Tây Bắc.

Khó có thể kể hết những khó khăn, vất vả của các đơn vị tham gia xây dựng công trình thủy điện Lai Châu: Địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng tại khu vực xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè thời điểm đó gần như chưa có gì, đường xá xa xôi, giao thông hết sức khó khăn,… Nhưng những khó khăn ấy đã không thể làm chùn bước những người thợ thủy điện. Hàng loạt các hạng mục nhằm chuẩn bị cơ sở hạ tầng, mặt bằng công trình đã được hoàn thành trong 2 năm gồm: 40 km đường giao thông từ cầu Lai Hà qua sông Nậm Na đến cầu cứng qua sông Đà ở hạ lưu tuyến đập; hơn 100 km đường dây tải điện 110 kV từ Tuần Giáo đến Nậm Hàng và trạm hạ áp 110kV/35 kV tại mặt bằng công trường; Giải phóng mặt bằng công trường, bàn giao cho các đơn vị thi công triển khai xây dựng lán trại, phụ trợ; hoàn thành xây dựng cống dẫn dòng.

Đặc biêt,Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển toàn bộ lực lượng đã tham gia xây dựng thủy điện Sơn La bao gồm Ban Quản dự án, tư vấn thiết kế, tổ hợp nhà thầu xây lắp lên thực hiện xây dựng thủy điện Lai Châu để phát huy tốt nhất những kinh nghiệm thế mạnh của các đơn vị quản lý, tư vấn, thi công hàng đầu Việt Nam.

Ngày 5/1/2011, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phát lệnh khởi công thủy điện Lai Châu, đồng thời cũng là ngày hội ngăn sông lần thứ nhất, mở đầu cho chiến dịch hơn 2.000 ngày đêm thi công cao điểm của công trình này.

Một công trường không nghỉ với tiếng máy âm vang rừng núi, ánh điện lung linh sông Đà và hàng ngàn người thợ đã không quản ngại ngày hay đêm, mưa nắng hay bão lũ, hăng say lao động sản xuất, bám máy, bám công trường, thi công 3 ca liên tục để xây dựng nên một nhà máy thủy điện lớn, viết tiếp khát vọng chinh phục và trị thủy sông Đà.

Có thể nói, những phẩm chất tốt đẹp của những người làm thủy điện đã một lần nữa được khẳng định tại công trường thủy điện Lai Châu với thành tích về đích sớm 1 năm,với một khối lượng công việc khổng lồ, bao gồm: đào 14,8 triệu m3, đắp 2,57 triệu m3 đất đá các loại, đổ 3,6 triệu m3 bê tông, lắp đặt 49.000 tấn cốt thép, khoan phụt xi măng 82.000 m dài, lắp đặt 34.000 tấn thiết bị công nghệ.

Công trình thủy điện Lai Châu ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành điện, lắp máy Việt Nam; được các kỹ sư, công nhân Việt Nam tự chủ từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công xây lắp, đồng bộ thiết bị, giám sát, quản lý vận hành.

Công trình về đích sớm 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đồng nghĩa với việc cung cấp sớm hơn cho hệ thống điện quốc gia gần 4,7 tỷ kW/h điện, làm lợi cho ngân sách Nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Lai Châu nói riêng và cả nước nói chung...

Tại lễ khánh thành công trình này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh “Có thể nói, công trình thủy điện Lai Châu là điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực và tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của chủ đầu tư và các đơn vị trên công trường. Công trình thực sự trở thành biểu tượng sinh động cho sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước”.

Một góc khu tái định cư Mường Mô, huyện Nậm Nhùn. Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Một góc khu tái định cư Mường Mô, huyện Nậm Nhùn. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Cuộc sống mới nơi tái định cư

Tại lễ khánh thành Nhà máy thủy điện Lai Châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tỉnh Lai Châu đều ghi nhận và đánh giá cao sự hy sinh, chia sẻ, những khó khăn của người dân tái định cư trong việc góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu.

Vì lợi ích quốc gia và dòng điện sáng  để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước người dân tái định cư khu vực lòng hồ đã sẵn sàng nhượng lại đất đai, tài sản, những giá trị văn hóa truyền thống và kỷ niệm của mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư đến nới ở mới, xây dựng quê hương mới.

Ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết tỉnh Lai Châu đã thu hồi hơn 2.300 ha đất phục vụ cho việc xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu, đến nay đã hoàn thành xây dựng 8 khu, 17 điểm tái định cư cho 1.833 hộ/7.819 khẩu”.

Tỉnh ủy Lai Châu đã sớm ra Nghị quyết chuyên đề về di dân tái định cư thủy điện Lai Châu gắn với thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới. Các chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư được thực hiện đầy đủ; cuộc sống của người dân tái định cư tại nơi ở mới được chính người dân và các đoàn giám sát của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương đánh giá tốt hơn nơi ở cũ. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân của người dân tái định cư trên địa bàn tỉnh đạt 18,2 triệu đồng/người thì đến năm 2016 ước đạt 22,5 triệu đồng/người. Đến nay, đã có 2 xã tái định cư được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trước đây, người dân các xã vùng tái định cư thủy điện  Lai Châu chủ yếu làm nương rẫy và sinh nhai trong khu vực lòng hồ. Giờ đây chuyển về nơi ở mới, bà con được nhà nước quan tâm đầu tư đầy đủ về cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, cấp nước sạch sinh hoạt, trường học, trạm y tế.

Một cuộc mới ổn định hơn đang dần hiện hữu với các khu dân cư tập trung được quy hoạch khang trang, sạch đẹp. Niềm vui ấy như đong đầy trong ánh mắt của những thiếu nữ dân tộc Thái, đọng lại trên nụ cười rạng rỡ của những người già và trẻ nhỏ.

Trưởng bản Mường Mô Hồ Văn Ninh cho biết bản Mường Mô có 246 hộ với 936 nhân khẩu. Trước đây bà con quen canh tác ruộng, nay về nơi ở mới được chính quyền xã, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu hướng dẫn giúp đỡ chuyển đổi sản xuất, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi. Ngoài diện tích 360 m2 đất ở, người dân khu tái định cư Mường Mô đang được quy hoạch 70 ha đất sản xuất để  trồng trên 40 ha nhãn và một số loại cây trồng mới trên diện tích rừng thay thế như quế, lát,  vải, xoài.

“ Mặc dù còn nhớ nơi ở cũ nhưng được sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp chính quyền chuyển đến  khu tái định cư mới đời sống sinh hoạt của bà con đã ổn định và tốt hơn trước nhiều rồi. Người dân tái định cư thủy điện Lai Châu mong được nhà nước tập trung tháo gỡ khó khăn  về diện tích đất ở, đất sản xuất để người dân yên tâm với cuộc sống mới”, ông Hồ Văn Ninh nói.

Huyện Nậm Nhùn là địa phương có 3 xã, 8 điểm tái định cư với hơn 800 hộ và trên 3.000 nhân khẩu, trong những năm qua huyện luôn xác định công tác tái định cư, bảo đảm đời sống và sinh kế cho người dân khu vực lòng hồ thủy điện là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Theo ông Phạm Đức Minh, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, cùng với việc huy động các nguồn lực tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho người dân tái định cư tại nơi ở mới, huyện Nậm Nhùn đã tổ chức lại sản xuất cho nhân dân cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi trong đó chú trọng xây dựng các mô hình cây trồng có chất lượng, năng suất cao vào sản xuất. Đồng thời hướng dẫn người dân khai thác hiệu quả tài nguyên rừng như cây măng tre ở xã Mường Mô và Nậm Hàng. Khai thác tiềm năng vùng lòng hồ để nuôi cá, thủy cầm.

Để góp phần giải bài toán khó khăn về đất sản xuất huyện Nậm Nhùn cũng đang từng bước tiến hành thanh lý diện tích rừng nghèo để người dân khai hoang trồng lúa nước, đồng thời phân bổ nguồn kinh phí khai hoang ruộng nước 15 triệu đồng/ha.

Hiện nay, huyện Nậm Nhùn cũng đã đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt cho tất cả các khu tái định cư, rà soát lại và thành lập các tổ quản lý trực tiếp ở từng thôn bản đồng thời tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để người dân vừa có nước sản xuất và sinh hoạt...

Một mùa xuân mới đang về, dòng điện sáng của thủy điện Lai Châu trở nên lung linh, huyền ảo giữa sự giao hòa của đất trời và lòng người. Nguồn năng lượng quý giá đó sẽ tiếp thêm xung lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Bắc đặc biệt là người dân  tái định cư khu vực lòng hồ thủy điện Lai Châu để cuộc sống của bà con ngày càng ổn định, ấm no và hạnh phúc hơn trong sự phát triển chung của quê hương, đất nước.

Theo Chinhphu.vn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu mốc của khát vọng chinh phục sông Đà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO