Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ngày càng hiệu quả

Phạm Thu Hà| 24/12/2019 10:57

(TN&MT) - Hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. Thời gian đầu thực hiện đã vấp phải một số khó khăn, tuy vậy, đến nay, hoạt động này được đánh giá là tiến triển tốt, nhất là tại các địa phương.

Khó khăn ban đầu

Thời gian đầu, đấu giá khai thác khoáng sản gặp khó do trong quá trình đấu giá đã không thu hút đủ số doanh nghiệp (hồ sơ) tham gia đấu giá, theo quy định, ít nhất là 3 tổ chức. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính theo quy định (vốn chủ sở hữu ít nhất 50 tỷ đồng); đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp cần có chuyên môn về thăm dò, khai thác khoáng sản và phải cam kết chế biến sâu...

Trước thực tế này, Bộ TN&MT đã đề nghị, Thủ tướng cho sửa lại số doanh nghiệp tối thiểu và được chấp thuận trong Nghị định 58. Hiện nay, theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, sửa đổi Nghị định 22, cho phép giảm số doanh nghiệp tham gia đấu giá xuống còn 2, theo đúng tinh thần Nghị định 77 là đấu giá tài sản chung của Chính phủ trước đây.

Hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản được đánh giá là tiến triển tốt. Ảnh: Hoàng Minh

Sau khi có Quyết định số 1170/QĐ-BTNMT ngày 21/7/2017, vào tháng 10/2018, Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản Bộ TN&MT đã tổ chức thành công buổi đấu giá đầu tiên quyền khai thác quặng sắt khu vực Nam Phia Đăm, xã Bằng Thành và xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn).

Nỗ lực ở địa phương

Ở Trung ương, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) đã tổ chức thành công 4 cuộc đấu giá với 4/12 khu vực khoáng sản (đạt 33,3% so với kế hoạch phê duyệt) với tổng số tiền dự tính đạt được là 194,7 tỷ đồng. Ở địa phương, có 33/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch đấu giá với 570 khu vực, trong đó, có 20/33 tỉnh, thành phố tổ chức đấu giá thành công 300 khu vực khoáng sản (đạt 66,22% so với kế hoạch phê duyệt).

Riêng Hà Nội là địa bàn trọng điểm và phức tạp về tình trạng khai thác cát, sỏi, cũng là nơi có nhu cầu sử dụng cát, sỏi cao nhất cả nước. Để khắc phục tình trạng này, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành, quận, huyện tăng cường quản lý các mỏ khoáng sản trên địa bàn, trong đó, chú trọng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Việc đấu giá này cũng nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần hạn chế tối đa hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép, gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường, cũng như gây mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

Năm điểm mỏ cát được đưa ra đấu giá có tổng diện tích đất 3 triệu m2, trữ lượng cấp 12,3 triệu m3 với tổng số tiền dự kiến thu được từ đấu giá gần 51,6 tỷ đồng. Theo quy định, thời gian khai thác trong năm của các mỏ cát này chỉ được khai thác vào mùa cạn từ ngày 16/10 - 14/6 năm sau, không khai thác vào mùa lũ từ ngày 15/6 - 15/10 hàng năm. Thành phố yêu cầu Sở TN&MT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho đơn vị trúng đấu giá theo quy định của pháp luật.

Quảng Bình - địa phương có nhiều mỏ khoáng sản, do đó, việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản được lãnh đạo tỉnh rất chú trọng. Trung tuần tháng 12/2019, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 2079/KH-UBND về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 2 năm 2019. Theo đó, dự kiến trong quý IV/2019 đến đầu quý I/2020, phiên đấu giá sẽ được tổ chức theo quy định đối với 2 khu vực mỏ có diện tích 24,55 ha, trong đó, cát làm vật liệu xây dựng thông thường 1 khu vực mỏ, diện tích 4,55 ha và đất làm vật liệu san lấp 1 khu vực mỏ, diện tích 20,0 ha.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 22/2012/NĐ-CP, từ năm 2014 đến 2019, Bộ TN&MT và các địa phương đã phê duyệt kế hoạch đấu giá với 582 khu vực khoáng sản, trong đó đã đấu giá thành công trên 304 mỏ khoáng sản (tổng giá trị ước đạt khoảng 858 tỷ đồng) ở cả Trung ương và địa phương, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tăng từ 10 - 135% so với giá khởi điểm góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT lập hồ sơ cụ thể cho từng khu vực mỏ, bao gồm: Đo đạc xác định vị trí, diện tích, đánh giá tiềm năng khoáng sản, xây dựng phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước cho từng khu vực mỏ khoáng sản đưa ra đấu giá; lập, phê duyệt dự toán kinh phí liên quan để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực mỏ, cho phép ứng vốn để thực hiện và thanh toán theo thực tế từ nguồn cân đối tài chính năm 2019 của đơn vị; tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản cũng như pháp luật khác có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ngày càng hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO