Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Minh bạch cả người bán và người mua

19/03/2015 00:00

(TN&MT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ra Quyết định đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1 dự kiến sẽ tổ chức vào Quý II/2015. Phương thức mới này được kỳ vọng sẽ xiết chặt việc cấp quyền khai thác khoáng sản trong thời gian tới. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thuấn (ảnh) – Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

PV: Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Quyết định số 411 phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1 năm 2015 và giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản VN chuẩn bị hồ sơ, tài liệu. Công tác chuẩn bị cho đợt đấu giá lần này đến đâu rồi, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Thực hiện chỉ đạo của Bộ, chúng tôi đang triển khai kiểm tra thực địa khu vực mỏ được đấu giá và làm việc với chính quyền địa phương nơi có khu vực được đấu giá. Song song với đó, chúng tôi đang hoàn tất công việc lập hồ sơ để tiến hành đấu giá. 

 PV: Thưa ông, trong quá trình kiểm tra thực địa khu vực đấu giá nếu phát hiện một phần diện tích của khu vực mỏ nằm trong khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản, Tổng cục sẽ có phương án xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Theo quy định của Luật Khoáng sản, diện tích đã nằm trong khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản chắc chắn phải loại bỏ. Nếu trước đây không thuộc khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; khi chưa bị đấu giá mà có bổ sung các khu vực này vào khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản thì cũng phải loại bỏ. Việc khoanh định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Do vậy, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra thực địa và làm việc với chính quyền địa phương xung quanh khu vực mỏ được đưa ra đấu giá, việc chọn người trúng đấu giá để cấp phép khai thác khoáng sản là công khai minh bạch.

PV: Phương thức thực hiện đấu giá có rút ngắn được thủ tục hành chính so với phương thức xin cấp phép khai thác khoáng sản như trước giờ vẫn tiến hành không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thuấn:  Việc rút ngắn thì chúng tôi chưa khẳng định, thế nhưng minh bạch thì chắc chắn có. Đấu giá sẽ công khai thông tin tài sản được đem đấu giá và năng lực của người tham gia đấu giá.

KLLLL
 

Các bước đấu giá gồm: Lập hồ sơ mời đấu giá; xét chọn DN đủ điều kiện tham gia đấu giá; công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách doanh nghiệp tham gia đấu giá; cơ quan Nhà nước sẽ mời DN đến để giải đáp mọi thắc mắc của DN (nếu có) và đưa DN đi thực địa xem xét khu vực mỏ nếu có yêu cầu; DN đóng tiền đặt cọc; cuối cùng, tổ chức đấu giá công khai.

Hội đồng đấu giá là các thành viên thuộc các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương nơi có mỏ đấu giá tham gia.

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản, kể cả đấu giá ở khu vực đã có kết quả thăm dò hay chưa có kết quả thăm dò thì mục đích chính là chọn ra được tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản thông qua hình thức đấu giá công khai. Còn về trình tự, thủ tục sau khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân trúng đầu giá vẫn phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản như trước.

PV: Đấu giá khoáng sản có khác với đấu giá khác không khi mà khoáng sản là một hàng hóa rất đặc biệt? Đối với mặt hàng khác thì giá cả đặt lên hàng đầu còn khoáng sản thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Bản chất đấu giá là ai trả giá cao nhất thì sẽ được lựa chọn, yếu tố năng lực, tài chính, năng lực kỹ thuật cũng được xem xét đầu tiên để lựa chọn tổ chức, cá nhân được tham gia đấu giá. Còn khi đã vào phiên đấu giá thì yếu tố giá cả vẫn được đặt lên hàng đầu.

Những mặt hàng thông thường được đem ra đấu giá thì người mua nhìn thấy rõ giá trị sử dụng và giá trị vật chất của tài sản đó còn những mỏ khoáng sản muốn nhìn được giá trị của nó đòi hỏi người mua (cụ thể là DN tham gia đấu giá) phải có trình độ chuyên môn sâu về khoáng sản dựa trên các thông tin điều tra cơ bản về khu vực mỏ đấu giá.

 PV: Đây là những khu vực chưa được thăm dò đánh giá trữ lượng. Vậy ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp có ý định tham gia đấu giá?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Thực tế khai thác khoáng sản là hoạt động chịu nhiều rủi ro vì tài nguyên nằm dưới lòng đất, nếu DN không có chuyên môn sẽ không thể biết quặng phân bố như thế nào. Khai thác khoáng sản đòi hỏi các DN phải có năng lực tài chính để đầu tư dài hơi.

Trong hồ sơ mời đấu giá chúng tôi sẽ thông báo rõ các tiêu chí. Thứ nhất, DN phải chứng minh được năng lực tài chính để thực hiện dự án đó; thứ 2, DN có chuyên môn về thăm dò, khai thác khoáng sản; thứ 3, DN phải cam kết chế biến sâu khoáng sản. Các tiêu chí này được ghi ngay trong hồ sơ mời đấu giá. Đáp ứng được các tiêu chí trên DN đủ điều kiện vào vòng trong dự đấu giá. Phiên đấu giá, DN nào trả cho Nhà nước số tiền nhiều hơn sẽ trúng đấu giá.

PV: Ông nghĩ là sẽ có nhiều DN tham gia đấu giá đợt 1 này không?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Theo thông tin mà chúng tôi có được đây là những khu vực khoáng sản có kết quả điều tra có độ tin cậy cao. Nhiều doanh nghiệp có nguyện vọng làm hồ sơ đề nghị được cấp phép thăm dò, khai thác khu mỏ này nên chúng tôi mới đưa ra đấu giá. Còn thực tế tham gia như thế nào thì thông tin còn nằm ở phía trước.

 PV: Địa phương có khu vực được đấu giá đợt này có vai trò gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Việc đấu giá các khu vực mỏ này thuộc thẩm quyền Trung ương theo quy định của Luật. Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐC-KS Việt Nam được giao là Chủ tịch Hội đồng  thực hiện công việc này, do đó mọi quy trình, thủ tục và cách thức đấu giá là do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Địa phương đóng vai trò sẽ là thành viên tham gia trong Hội đồng đấu giá.

 PV: Trân trọng cám ơn ông!

Quảng Minh (thực hiện)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Minh bạch cả người bán và người mua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO