Dấu ấn chuyến tác nghiệp đầu tiên trên đảo

21/06/2017 00:00

(TN&MT) – Đến thăm quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng) vào những ngày đông của hai năm về trước, chúng tôi được đắm chìm trong phong cảnh tuyệt đẹp của một trong những vịnh đẹp nhất cả nước. Đối với cánh phóng viên chúng tôi, có lẽ mỗi chuyến đi công tác ngoài đảo luôn mang lại cảm hứng khó tả.

Một buổi sáng mùa đông năm 2015, chúng tôi có mặt tại bến Bính, lúc này trời mới tang tảng sáng, nhưng thành phố vẫn rực rỡ dưới ánh đèn tung hoa từ những tàu biển khổng lồ. Con tàu cánh ngầm rời bến, chúng tôi vừa nhai bánh mì vừa thưởng ngoạn cái khoảnh khắc mà không phải ai, không phải lúc nào trong đời người, muốn là có được.

Ra khỏi cửa sông, con tàu lượn một đường cua rồi tăng tốc lao về phía biển. Trời đột nhiên xuất hiện những đám mây đen, tàu chạy ngang chiều gió, biển càng lúc càng rộng hơn, sóng đánh vào mạn tàu tung lên trắng xóa. Cô bạn tôi đang mải chụp ảnh, vội vàng chùm cả người ấp vào bảo vệ máy ảnh.

Môi trường Vịnh Cát Bà đã có nhiều đổi thay
Môi trường Vịnh Cát Bà đã có nhiều đổi thay

Sau hơn 30 phút ngồi tàu, chúng tôi đặt chân lên đảo Cát Bà. Chiếc ô-tô lăn bánh đưa chúng tôi đi trên đường xuyên đảo, một khung cảnh thiên nhiên biển trời tuyệt đẹp hiện ra trong tầm mắt, một bên là biển biếc, dạt dào sóng vỗ chân núi và một bên là vách đá, rừng cây nguyên sinh trùng điệp, xen kẽ là các thung lũng, thấp thoáng mái nhà thôn quê trong những vườn cây xanh tươi, thoáng đãng.

Xe chúng tôi dừng chân ở Vườn quốc gia Cát Bà – khu rừng nguyên sinh với thảm rừng nhiệt đới đặc trưng. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ thực vật, động vật phong phú và nguyên sơ, trong đó vẫn còn lưu giữ một số loài thú quý hiếm: khỉ đầu đỏ, voọc đầu trắng, sóc bụng đỏ, chích chòe lửa...

Vườn quốc gia Cát Bà khu rừng nguyên sinh với hàng trăm héc-ta cây gỗ quý như Kim Giao
Vườn quốc gia Cát Bà khu rừng nguyên sinh với hàng trăm héc-ta cây gỗ quý như Kim Giao

Trên đường đi, chúng tôi thấy rất nhiều du khách nước ngoài, có người đi bộ, người đạp xe trên con đường dẫn vào rừng, vẻ mặt rạng ngời được khám phá và hòa mình vào thiên nhiên. Rời rừng, chúng tôi tiếp tục sang đảo biển Cát Dứa. Bãi tắm khá đẹp, bờ cát trắng mịn, sạch, mặt biển phẳng như gương, nước trong xanh biếc, được bao bọc chung quanh bởi núi non hùng vĩ, phong cảnh kỳ thú như một "vịnh Hạ Long" thu nhỏ.

Có ai đó từng nói, “Chưa ra Châu Long nghĩa là chưa hết Cát Bà đâu…”. Trí tò mò và máu nghề nghiệp nổi lên, chúng tôi quyết định thực hiện một chuyến khám phá biển đảo Hải Phòng cho thỏa chí tang bồng. Buổi sáng mùa đông năm ấy, trời rất lạnh, tàu chúng tôi luồn lách qua các đảo đá nhấp nhô của vịnh Lan Hạ, ra khỏi vịnh cũng là lúc cơn mưa rào đổ xuống. Phía xa tháp đèn Long Châu hiện ra chập chờn, nhưng sóng càng lúc càng dữ dằn.

Loài Voọc đầu trắng nổi tiếng được ghi trong sách đỏ thế giới và chỉ có ở Cát Bà.
Loài Voọc đầu trắng nổi tiếng được ghi trong sách đỏ thế giới và chỉ có ở Cát Bà.

Vượt muôn trùng sóng dữ, từng nhóm được xuồng tăng - bo vào bờ. Đảo hiện ra trước mắt chúng tôi là không gian của đá tai mèo lởm chởm, hai con đường nhỏ dẫn về hai phía, viền trên triền núi ngăn ngắt nhìn xa tựa như chiếc khăn lụa quàng vào cổ đảo. Anh em cán bộ công nhân trạm đèn đã túc trực sẵn, đỡ từng vị khách lên cầu. Trước mắt chúng tôi, đài quan sát là một căn nhà nhỏ, nằm giữa điểm cao của hai ngọn núi, phóng tầm khống chế một vùng biển mênh mông.

Chia tay đài quan sát, chúng tôi di chuyển sang trạm đèn. Vừa đi, cô bạn vừa tranh thủ đọc lại những thông tin vừa ghi chép: “Long Châu cách Cát Bà 15km về phía đông nam, diện tích đảo đèn rộng hơn 1km2, có ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng từ năm 1894, cao 111,5m so với mực nước biển…”.

Hàng năm VQG đón hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá thiên nhiên
Hàng năm VQG đón hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá thiên nhiên

Chúng tôi lên đến trạm đèn, nằm trên ngọn núi cao nhất, ngược một quãng đường khá dài so với đài quan sát, kỳ vĩ phóng lên giữa đại dương. Anh em trong trạm giới thiệu, hải đăng Long Châu có hiệu lực chiếu sáng 27 hải lý, dẫn đường cho những con tàu đi trong đêm của vịnh Bắc Bộ.

Trời đã quang, mây đã tạnh, sóng gió cũng lặng đến bất ngờ, chúng tôi từ biệt anh em đảo Long Châu mà lòng dạ bùi ngùi, vài câu chuyện dở dang quả thực chưa đủ để “thấm” hết cái thần của đảo. Tàu rời bến, những cánh tay vẫy chào ở lại, trong bóng hải đăng lẫn dần vào mây mù giờ đây vẫn còn in đậm trong ký ức.

Tuyết Chinh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn chuyến tác nghiệp đầu tiên trên đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO