Đất rừng vẫn bị lấn chiếm trái phép

01/08/2017 00:00

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện toàn vùng có đến 282.896 ha đất đang bị người dân tranh chấp, chiếm 8,43% tổng diện tích đất lâm nghiệp (ĐLN). Trong đó, tranh chấp trong diện tích đã giao quyền sử dụng đất 197.365 ha, chiếm 70%; tranh chấp phần chưa giao quyền sử dụng đất 85.261 ha, chiếm 30%.

Nhiều diện tích rừng bị phá, lấn chiếm.
Nhiều diện tích rừng bị phá, lấn chiếm

Việc tranh chấp tập trung chủ yếu trong diện tích rừng, ĐLN do UBND xã quản lý là 164.920 ha; các Ban quản lý rừng (BQLR) phòng hộ 56.456 ha; các doanh nghiệp nhà nước 51.750 ha và còn lại thuộc các chủ rừng khác. Các đơn vị để mất rừng nhiều nhất là UBND các cấp và BQLR phòng hộ.

Cụ thể, UBND các cấp để mất 209.993 ha; các BQLR để mất 112.130 ha; doanh nghiệp nhà nước để mất 87.192 ha; hộ gia đình để mất 25.553 ha; các tổ chức kinh tế để mất 23.446 ha; các đơn vị vũ trang để mất 21.436 ha; cộng đồng dân cư để mất 5.167 ha và các tổ chức khác để mất 2.179 ha... 

Đắk Nông là điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Chỉ tính trong Quý II năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 335 vụ phá rừng, thiệt hại hơn 210 ha rừng tự nhiên và rừng sản xuất. Hiện nay đang có 24 trong số 44 dự án phát triển nông-lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh xảy ra tranh chấp đất giữa người dân với doanh nghiệp, dẫn đến một số trường hợp khiếu kiện đông người.

Tại khu vực Dự án quản lý, bảo vệ rừng của Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ, thuộc xã Quảng Sơn (Đắk Glong), tình trạng hủy hoại rừng, lấn chiếm đất trái phép diễn ra rất phức tạp.

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định 1041/QĐ-UBND ngày 23/6/2017 chỉ đạo thu hồi gần 2.000 ha đất rừng của các dự án sản xuất nông, lâm nghiệp và quản lý bảo vệ rừng và công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Tuy Đức đang bị người dân lấn chiếm, giao về địa phương quản lý. Có 4 đơn vị bị thu hồi đất gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Kiến Trúc Mới (679,3 ha); Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Long Sơn (751,9 ha), Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 59 (434,7 ha) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (130 ha). T

rong số 4 công ty này, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 59 bị thu hồi toàn bộ diện tích; Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Long Sơn đang bị điều tra do xảy ra tranh chấp đất với người dân dẫn đến vụ nổ súng vào cuối tháng 10-2016 khiến 19 người thương vong. Diện tích đất bị thu hồi là một phần diện tích được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho các đơn vị này thuê để thực hiện các dự án sản xuất nông, lâm nghiệp và quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, diện tích này đang bị người dân lấn chiếm canh tác và các công ty không có khả năng xử lý nên tự nguyện trả về địa phương để bố trí sử dụng.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2008 trở lại đây, tỉnh này có trên 26.500 ha rừng, đất rừng bị các hộ dân, lấn chiếm trái phép để sản xuất nông nghiệp. Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, từ cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã có 13/15 huyện, thành phố phê duyệt phương án thực hiện thu hồi rừng, đất rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép, trước mắt cần giải tỏa, thu hồi ngay 15.415 ha để trồng lại rừng. Thế nhưng, thực tế từ ngày đó đến nay, các địa phương, doanh nghiệp có diện tích rừng, đất rừng bị người dân lấn chiếm trái phép cũng chỉ mới triển khai dẹp lán trại, phá bỏ cây trồng trái pháp luật trên diện tích đất rừng lấn chiếm trái phép, còn thực tế thu hồi đất rừng để trồng lại rừng còn nhiều hạn chế. Theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk có diện tích rừng và đất rừng trên 721.788 ha; trong đó, diện tích có rừng 526.354 ha, độ che phủ rừng chỉ còn 37,9%, là một trong những địa phương có tỷ lệ độ che phủ rừng thấp nhất so với các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.

Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 và đến 2025. Theo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng hiện Lâm Đồng có 596.476 ha đất rừng, bao gồm rừng đặc dụng, rừng tự nhiên và rừng sản xuất, tuy nhiên trong số này có đến gần 53.000 ha đất sản xuất nông nghiệp lâu năm của người dân nằm trong diện được quy hoạch vào ĐLN.

Các địa phương đề nghị UBND tỉnh có giải pháp đưa diện tích đất này ra khỏi quy hoạch ĐLN để đảm bảo hài hòa giữa phát triển rừng với việc nâng cao lợi ích cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là những hộ dân sống gần rừng. Tỉnh này đặt mục tiêu sẽ tăng độ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 55% vào năm 2020. Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm 2017 các ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định thu hồi 14 dự án liên quan đến rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký gần 2.000 tỷ đồng nhưng chậm tiến độ, không có đủ năng lực tài chính triển khai thực hiện dự án.

Nguyên nhân dẫn đến phá rừng, lấn chiếm ĐLN là do dân di cư tự do lấy đất sản xuất gia tăng; một số đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được giao quản lý bảo vệ  rừng và ĐLN với diện tích lớn nhưng thiếu năng lực, buông lỏng quản lý... Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp còn chậm, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phê duyệt phương án sử dụng đất.

Theo Báo Đại đoàn kết

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất rừng vẫn bị lấn chiếm trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO