Đất rừng - dễ mất khó đòi

21/03/2017 00:00

(TN&MT) - Rừng là tài nguyên có giá trị lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, tuy vậy, thời gian qua, các công ty nông lâm trường (NLT) sử dụng tài nguyên này còn nhiều hạn chế, tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai còn phổ biến ở nhiều nơi.

Thời gian qua, các công ty nông lâm trường sử dụng tài nguyên này còn nhiều hạn chế. Ảnh: MH
Thời gian qua, các công ty nông lâm trường sử dụng tài nguyên này còn nhiều hạn chế. Ảnh: MH

Mâu thuẫn gay gắt

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, thời gian qua, với những chính sách của Đảng và Nhà nước diện tích đất trồng rừng có tăng thêm. Cụ thể, năm 1983, độ che phủ rừng ở nước ta là 22%, đến năm 2015 là gần 41%. Tuy vậy, diện tích và chất lượng rừng bị giảm sút. Nguyên nhân là  do nhu cầu đầu tư phát triển, phá rừng, cháy rừng còn diễn ra phổ biến. Đặc biệt, đất đai do các NLT quốc doanh trước đây đang sử dụng chưa được quy hoạch lại cho phù hợp; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa đồng bào ở địa phương với các công ty lâm nghiệp đang xảy ra khắp nơi. Trong khi chúng ta chưa giải quyết được vấn đề mâu thuẫn phát sinh đất đai giữa người dân với các NLT, hơn chục năm trở lại đây, tình trạng di canh, di cư ở nhiều khu vực miền núi diễn ra khá lớn. Dẫn tới nhiều khu vực như cầu đất sản xuất của người dân tăng đột biến, tình trạng lấn chiếm đất của các NLT khó ngăn chặn.

Đồng quan điểm với GS Võ, TS. Phạm Quang Tú – Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, trong khi người dân sở tại đang thiếu đất sản xuất, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến đói nghèo, các công ty NLT lại quản lý quá nhiều đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Ví dụ như tại xã Minh Sơn (Hữu Lũng - Lạng Sơn), nơi định cư của nhiều đồng bào Dao, Nùng, ở đây bình quân mỗi hộ chỉ có 0,18ha đất ruộng, đất rừng mới giao 0,12ha/hộ, diện tích rừng còn lại đều thuộc quyền quản lý của Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc.

Còn tại xã Lộc Bảo (Bảo An, Lâm Đồng) có diện tích là 28.840 ha, trong đó chủ yếu rừng SX, chiếm hơn 91% diện tích là do có lâm trường quản lý, do đó xã chỉ quản lý được gần 9%. Do nhu cầu của thực tế các lâm trường dự kiến giao trả 5.000 ha cho địa phương và người dân, nhưng giai đoạn 2006 – 2011 đã chuyển đổi phần diện tích này cho 19 công ty trồng cao su. Từ đó, dẫn tới xung đột đất đai phổ biến, thậm chí, nhiều hộ ngăn cản không cho công ty trồng cao su, người dân đập phá văn phòng công ty cao su…

Trước sự yếu kém của các công ty NLT, Quốc hội đã có Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty NLT, trong đó ưu tiên rà soát, thu hồi, chuyển giao và phân bổ đất rừng đang được sử dụng không hiệu quả cho chính quyền địa phương, ưu tiên phân bổ đất rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số đang không có đất hoặc thiếu đất sản xuất trong khu vực. Tuy vậy, theo Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), việc giao đất rừng cho chính quyền địa phương còn chậm. Sau khi chuyển đổi, tổng diện tích của công ty NLT giảm 1.868 nghìn hecta nhưng chỉ có 415.000ha đất rừng được chuyển giao cho chính quyền địa phương và chủ yếu trên giấy tờ. Công ty và chính quyền địa phương áp dụng các tiêu chí đánh giá lên đất hoang hóa, đất của lâm trường giải thể hoặc các khu đất mà các công ty NLN không có đủ nguồn lực để quản lý và bảo vệ để giao; còn các tiêu chí khác như đất phân tán và có diện tích nhỏ, gần khu dân cư, đất sử dụng không hiệu quả... lại ít được chú ý tới.

Bên cạnh đó, phần lớn đất chuyển giao từ công ty NLT cho địa phương chưa được giao lại cho các hộ gia đình và cộng đồng. Ở một số vùng, đất rừng được các công ty NLT bàn giao cho chính quyền địa phương không phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất của người dân địa phương hoặc khó tiếp cận. Do đất được chuyển giao đơn thuần trên giấy tờ mà không tiến hành đo đạc và cắm mốc phân giới trên thực địa nên trường hợp vừa thuộc sở hữu của công ty NLNT, vừa thuộc chủ sở hữu khác diễn ra khá thường xuyên.

Giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Để tháo gỡ các vướng mắc trên, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) đang được xây dựng cần xác định rõ phương pháp tiếp cận về tài nguyên rừng hay về nghề rừng hay chỉ về bảo vệ và phát triển rừng. Bởi, hiện nay, chúng ta để tên là “bảo vệ và phát triển rừng” nhưng nội dung đã chuyển sang điều chỉnh nhiều hơn về nghề rừng, có biểu hiện chưa kỳ vọng được vào đổi mới chính sách để giải quyết những bức xúc hiện hữu. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc tiếp tục đổi mới chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với chế độ được hưởng lợi của các chủ rừng, của cộng đồng dân cư địa phương nơi có rừng để khắc phục các tồn tại nói trên và đảm bảo không xuất hiện trong tương lai. Do vậy, cần bổ sung việc ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại chỗ, bảo đảm cho đồng bào dân tộc miền núi có thể sống bằng nghề rừng, có thu nhập bảo đảm từ rừng.

Ngoài ra, phải quy định cụ thể việc đẩy mạnh quản trị tốt về rừng, trong đó, bao gồm 3 nội dung cơ bản: Công khai, minh bạch thông tin quản lý; sự tham gia của người dân vào quản lý và giám sát; trách nhiệm giải trình của cơ quan và cán bộ quản lý. Đối với lĩnh vực tài nguyên rừng, các yếu tố quản trị tốt cần có quy định rõ trong: quy hoạch; giao, cho thuê, công nhận, cho phép chuyển mục đích, gia hạn sử dụng đối với đất rừng; giao, cho thuê, công nhận, cho phép chuyển mục đích, gia hạn sử dụng đối với rừng.

Mới đây, phát biểu kết luận Hội nghị về bảo vệ, phát triển rừng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh: Sẽ giao công tác bảo vệ, phát triển rừng cho doanh nghiệp và người dân, bảo đảm tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể, tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu bằng phương thức liên kết, liên doanh trồng rừng và doanh nghiệp chế biến.

Tuyết Nhi

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất rừng - dễ mất khó đòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO