Đất nông, lâm trường: Thất thu vì thiếu số liệu thực tế

15/10/2015 00:00

(TN&MT) - “Các nông, lâm trường được Nhà nước giao quản lý với diện tích rất lớn hơn 7 triệu ha. Trong 10 năm nay, tiền giao đất, cho thuê đất chỉ thu được tổng cộng 1.809 tỷ đồng, tức là trung bình 180 tỷ đồng/năm. Chia trung bình, mỗi ha đất chỉ đem lại 90 nghìn đồng”, đó là vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm trong thời gian gần đây. Vậy thực hư vấn đề đó ra sao và đâu là nguyên nhân?

Không đo đạc…  không thu được tiền

Tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai tại các nông lâm trường quốc doanh,” do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Hội đồng dân tộc của Quốc hội tổ chức, ông La Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho hay, nếu chúng ta công nhận con số 7.916.467 ha là diện tích do các nông, lâm trường quản lý là đúng trên thực địa 7 triệu 599 ha là đất nông, lâm nghiệp, con số tiền thu như trên là đúng nhưng chưa đủ. Bởi, thực hiện Luật Đất đai 2003, sau hơn 10 năm đến nay, mới có các chủ thể được Nhà nước giao với diện tích hơn 472 nghìn ha chấp hành làm hợp đồng xin thuê đất, nộp tiền. Trên cơ sở diện tích này, các địa phương đã thu tiền nghĩa vụ tài chính với con số hơn 1.800 tỷ đồng. Trong nhiều trường hợp phát sinh trong 10 năm qua, số thu thực tế gần 1.700 tỷ, do giai đoạn 2011 - 2012 cho các doanh nghiệp dãn, chậm  tiền thuê đất, đến nay, vẫn còn  219 tỷ chưa thu được.

Bên cạnh đó, có 5.143 ha đất không thu tiền là đất rừng phòng hộ, vườn quốc gia, rừng đầu nguồn, khu bảo vệ sinh quyển do 284 chủ thể đứng tên quản lý có Ban Quản lý, một số do nông, lâm trường quản lý. Gần 2 triệu ha phải chuyển sang thuê đất, giao đất theo Luật Đất đai 2013, nhưng do địa giới hành chính không rõ ràng nên chưa thực hiện trên văn bản. Vấn đề này, chủ thể lẽ ra phải khai báo, địa phương phải tác nghiệp thực hiện hợp đồng giao đất, cho thuê để các đơn vị này thực hiện nghĩa vụ thuê song lại “bỏ lửng”, thiếu kiểm soát.

Ông Thịnh cho rằng, nguyên nhân tồn tại của công tác tài chính đối với đất nông, lâm trường là do các nông, lâm trường sau khi được chuyển đổi chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ rà soát đất đai. Vì vậy, đến nay, các nông, lâm trường chưa thể chuyển sang thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất. Một nguyên nhân khác là do các địa phương, mặc dù, là thu tiền của các nông, lâm trường nhưng lại không đầu tư đo đạc, phối hợp với họ để làm các thủ tục.

Tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn. Ảnh: MH
Tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn. Ảnh: MH

“Trách nhiệm của các cơ quan chức năng tại địa phương đối với công tác rà soát, đo đạc, cấp sổ đỏ cũng còn hạn chế; công tác đôn đốc các nông, lâm trường làm các thủ tục thuê đất vẫn chưa quyết liệt, thiếu sự phối hợp giữa chính quyền, công ty nông, lâm nghiệp và cơ quan chủ quản trong việc giải quyết mâu thuẫn về đất đai,” ông Thịnh nói.

Theo thống kê mới đây của Bộ TN&MT về việc này cho thấy, đến nay, mới có 447 tổ chức đo vẽ bản đồ diện tích đất đơn vị quản lý, với tổng diện tích 5.942.000 ha, chiếm 74,3%. Trong đó: 62 tổ chức, với diện tích 558.949 ha có bản đồ giải thửa; 385 tổ chức đã có bản đồ địa chính với diện tích 5.344.631 ha. Tuy nhiên, bản đồ địa chính chủ yếu được lập với tỷ lệ nhỏ, ít được cập nhật, chỉnh lý nên sau một thời gian không phản ánh đúng hiện trạng.  Hồ sơ giao đất, cho thuê đất được lập trên cơ sở các loại bản đồ khác nhau, chủ yếu là bản đồ địa hình, bản đồ giải thửa; trong các trường hợp có đo vẽ bản đồ địa chính, việc đo vẽ chủ yếu được thực hiện theo ranh giới thể hiện trên hồ sơ giao đất cũ, chưa thực hiện rà soát bóc tách các trường hợp chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm, giao khoán hoặc cho thuê, cho mượn không có khả năng thu hồi; nhiều trường hợp không rà soát, xác định ranh giới trên thực địa dẫn đến tình trạng trong hồ sơ là đất đã giao cho nông, lâm trường nhưng trên thực tế nông, lâm trường không quản lý, sử dụng được.

Cần đo đạc và xử lý dứt điểm sai phạm

Bộ TN&MT kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội có Nghị quyết về việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp và thực hiện đo đạc, cắm mốc ranh giới, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính và xử lý các tồn tại, vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường.

Bộ đề nghị cần quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương để hoàn thành đo đạc cắm mốc ranh giới, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính đối với các nông, lâm trường.

Bộ TN&MT cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các Sở, ngành khẩn trương lập, duyệt phương án sử tổng thể, đề án cụ thể về sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp. Đồng thời, bố trí kinh phí thực hiện xác định ranh giới sử dụng, đo đạc lập bản đồ, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính và xử lý tồn tại, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Có giải pháp giải quyết dứt điểm các tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai tại đó.

Đồng quan điểm với Bộ TN&MT, ông Phùng Đức Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc cấp thiết là rà soát lại diện tích đất đai giao khoán, cho thuê tại các nông, lâm trường quy hoạch đất đai nông, lâm trường. Trên cơ sở đó phải có tiêu chí gắn với kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng, quy hoạch cần có sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành địa phương. Đồng thời, tổng kết các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả để phổ biến nhân rộng và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này...

Trường Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất nông, lâm trường: Thất thu vì thiếu số liệu thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO