Đất Mẹ là mãi mãi...

01/09/2015 00:00

(TN&MT) - Những ngày tháng Tám, nắng đã bắt đầu vơi lửa, dòng Thu Bồn đất Mẹ xứ Quảng lơ thơ nước, uốn mình chong cheo theo làn gió biển. Dải miền Trung thấm đẫm nhiều mất mát, đau thương, nhưng cũng vô cùng kiên cường, oanh liệt đang vươn mình trỗi dậy. Điện Bàn hôm nay, đang tươi cây, thắm đất xứng danh là cửa ngõ phía Bắc  xứ Quảng anh hùng.

1. Gần 2 tháng trước, vào một chiều hè nắng như chảo rang đốt vàng ươm vùng đất Điện Bàn (Quảng Nam), trong tiếng nấc nghẹn ngào của hàng nghìn người tiễn đưa cụ Tưởng Cơ, cán bộ tiền khởi nghĩa huyện Điện Bàn với cái tuổi vừa tròn một thế kỷ về với đất mẹ anh hùng, tôi lạc vào đám đông và cố tìm, cố làm điều gì đó như là “nghĩa tận” với cụ - người duy nhất trong số cán bộ tham gia hoạt động trước Cách mạng tháng Tám - 1945 ở Điện Bàn còn sót lại đến bây giờ.

Trong ngôi nhà nhỏ giữa vườn cây trái xum xuê, cách trung tâm thị trấn Vĩnh Điện chưa đến một cây số, cụ Tưởng Cơ đã sống tròn qua hai thế kỷ. Dáng nhỏ nhắn, rắn chắc, cụ Tưởng Cơ là người duy nhất trong số cán bộ tham gia hoạt động trước Cách mạng tháng Tám - 1945 ở Điện Bàn được chứng kiến mảnh đất anh hùng, trung dũng vươn mình thay da, đổi thịt như bây giờ.

Theo lời kể của một cán bộ huyện ủy Điện Bàn, những năm về trước, chiều chiều cụ vẫn đạp xe tới nhà mấy bạn già đánh cờ, uống trà, đọc báo. Trên bàn, chồng báo Đảng Trung ương và địa phương xếp ngay ngắn. “Khi sức khỏe xuống đôi chút, con cháu không cho ông đạp xe đi xa nữa, muốn đi thì có người chở. Ông sinh vào tháng 12/1914, nay đã tròn một trăm tuổi. Những ngày cuối đời, ông vẫn tập thể dục, vẫn đọc báo hằng ngày” - vị cán bộ huyện ủy Điện Bàn nói thêm.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Trị ở Điện Thắng (Điện Bàn)
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Trị ở Điện Thắng (Điện Bàn)

Trước khi ông về với đất mẹ, tôi và một số đồng nghiệp khác đã may mắn từng được trò chuyện về thời khởi nghĩa giành chính quyền với ông, những lúc ấy, mắt ông Tưởng Cơ như sáng lên và lanh lợi hẳn. Lúc đó ông là ủy viên Ban bạo động phủ Điện Bàn, giữa tháng Tám năm 1945, nhận Chỉ thị từ Tỉnh ủy Quảng Nam, tổ chức Đảng ở Điện Bàn quyết định phát lệnh tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền. Từ khuya ngày 17/8, nhân dân các xã tập trung tại các nhà thờ, đình, chùa... chuẩn bị giáo mác, gậy gộc, đến 1 giờ sáng, tất cả cùng xuất phát hướng về phủ lỵ Điện Bàn. Khí thế Cách mạng hừng hực khắp nơi, nên khi gặp một đoàn xe của lính Nhật từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng, chúng chỉ dám bắn vài loạt đạn thị uy để mở đường tháo chạy.

Đến 9 giờ sáng ngày 18/8, lực lượng Cách mạng đã chiếm phủ Điện Bàn, lá cờ Việt Minh được kéo lên nóc phủ trong tiếng reo hò của hàng vạn người dân. Sau khi thành lập chính quyền Cách mạng, ông Tưởng Cơ là thành viên Ủy ban hành chính huyện Điện Bàn, rồi tiếp tục bám trụ hoạt động qua 2 cuộc kháng chiến gian khổ và ác liệt cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.

2. Mảnh đất kiên cường từ bao đời nay đã tôi thép lòng người. Nhắc đến Điện Bàn không ai không biết đến chàng trai trẻ Hồ Văn Được năm xưa là biệt động thành. Tháng Tám về mùa hoa nở, tôi cùng vài đồng nghiệp được một cán bộ xã Điện Tiến dẫn đường vào nhà ông nơi ven triền dòng Thu Bồn bốn bề nước chảy. Tự tay ủ ấm chè tươi vừa hái ngoài vườn, thủng thỉnh rót từng chén vàng sánh đãi khách, ông Hồ Văn Được ở thôn Châu Bí, xã Điện Tiến (Điện Bàn, Quảng Nam) bắt đầu câu chuyện về chiến tranh bằng nụ cười hiền: “Mình sống là may lắm rồi, rất nhiều anh, nhiều chú đã ngã xuống, hoặc để lại một phần thân thể với đất đai, cây cỏ.”

Sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống Cách mạng, mới 14 tuổi, cậu bé Hồ Văn Được tham gia du kích xã, rồi ra Đà Nẵng, vào tổ trinh sát biệt động thành. 17 tuổi, chàng trai trẻ Hồ Văn Được bị bắt trong một lần thực thi nhiệm vụ trinh sát, chuẩn bị đánh khách sạn Ngã Năm. Tra khảo bằng đủ mọi cực hình tàn bạo nhất, nhưng không được bất cứ thông tin gì, kẻ địch đày ông ra Côn Đảo. Trong tù, ông bắt liên lạc với tổ chức, lại tiếp tục các biện pháp đấu tranh. “Nhớ nhất là lần tôi cùng các đồng chí trong chi bộ quyết định tuyệt thực trong chuồng cọp. 19 ngày ròng rã không ăn uống, kỳ thực là mình chỉ không ăn uống những thứ cai ngục mang tới thôi, chứ đêm đêm vẫn có đồng chí mình chuyền cho lon nước, rồi thức ăn vo viên, đôi khi còn có cả thuốc bổ nữa”.

Đến ngày thứ 19, tổ chức quyết định dừng cuộc đấu tranh vì kẻ địch đã nhượng bộ. Thấy tôi ngồi cố nuốt từng thìa cháo loãng, tên cai ngục đứng nhìn một lúc rồi bảo: “Tao biết chúng mày nhịn ăn là để đấu tranh, mà giờ ăn cũng là để đấu tranh”, rồi hắn bỏ đi.” Khi được hỏi cuộc sống hiện tại, ông cười nhẹ: “Sau giải phóng, tôi tham gia thêm bộ đội mấy năm rồi xin phục viên, giờ chỉ có lương thương binh hạng 3/4. Nhưng cuộc sống vẫn tốt, vẫn làm ruộng, làm vườn, còn có con cháu đi làm, giúp đỡ thêm hai vợ chồng già.

3. Không phải ngẫu nhiên Điện Bàn lại được gọi là đất Mẹ. Chỉ ở Điện Bàn mới có Mẹ Nguyễn Thị Thứ có đến 11 người con, cháu là liệt sỹ, con gái đầu của Mẹ Thứ là bà Lê Thị Trị cũng là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, dẫu chưa thống kê hết, thì có lẽ không ở đâu trên mảnh đất Việt Nam, hy sinh mất mát nhiều như ở huyện Điện Bàn. Toàn huyện có 38 vạn người tử vong vì đạn bom, tù đày, tra tấn. Trong đó có 18.920 liệt sỹ anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường, cả huyện có 1.795 mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Địa phương đang tiếp tục thực hiện các thủ tục đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cho 1.180 mẹ liệt sỹ.

Những ngày tháng Tám, nắng đã bắt đầu vơi lửa, chị Phan Thị Hải, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hà Dừa (xã Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) lại tất tả lo chuyện các cháu trong thôn chuẩn bị vào học, khi đến động viên các cháu sắp vào đại học, lúc lại ghé nhà chị em trong thôn hỏi chuyện chuẩn bị cho con trẻ vào phổ thông. Bản thân chị cũng là con của bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nên chị luôn quan tâm đặc biệt đến các cháu thuộc diện gia đình chính sách. Gia đình nào thiếu thốn, khó khăn, chị Hải dành một khoản tiền thu được từ trang trại nuôi gà của gia đình, mang đến tận nơi giúp đỡ. Chị Hải chia sẻ: Đó là những gia đình đã mất đi người thân yêu nhất của mình để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, những người đang sống hôm nay không được phép quên điều đó.

Mỗi tên đất, tên làng ở Điện Bàn thời khói lửa là những địa chỉ Cách mạng, là nơi che giấu, nuôi dưỡng các đoàn quân giải phóng. Vùng đất một thời từng là căn cứ Cách mạng hay bị tàn phá bởi bom đạn, sau 70 năm quê hương bước lên từ bùn đất, nay đã có nhiều thay đổi, không ít nơi đã trở thành điểm đến thường xuyên của khách du lịch trong và ngoài nước. Như dòng Thu Bồn ngày đêm đưa phù sa về đắp bồi cho đồng ruộng, cho cây trái đơm hoa, kết trái, cho cuộc sống ươm mầm…

Bài và ảnh: Xuân Lam

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất Mẹ là mãi mãi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO