Đất làm sân golf

Ngọc Lý| 28/05/2020 14:52

(TN&MT) - Hiện nay, cả nước khoảng 40 tỉnh thành có sân golf. Trong đó, Hà Nội nhiều nhất với 9 sân golf. Đứng thứ 2 là Bình Thuận 8 sân. Bà Rịa - Vũng Tàu 7 sân đứng thứ 3. Quảng Ninh và Hải Phòng đồng hạng 4 với 6 sân. Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Khánh Hòa mỗi tỉnh cũng kịp có 5 sân. 18 tỉnh thành có từ 2 - 4 sân.

Những con số trên cho thấy, sau 10 năm, cơ bản về số lượng không vượt so với Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam, đến năm 2020, cả nước có 89 sân golf.

Nhưng nhìn lại quá trình triển khai quyết định trên sẽ thấy, có thời điểm, nhiều tỉnh thành “bùng nổ” việc phát triển các dự án sân golf. Khoảng 6 năm trước, sau đợt nở rộ Chính phủ phải ra quyết định “thắt chặt” phát triển sân golf đến năm 2020. Không ít trường hợp phá rừng, chuyển đổi đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp làm sân golf. Như trường hợp phá rừng làm sân golf kết hợp resort ở Phú Yên.

Đầu năm 2018, Bộ KH&ĐT xin bổ sung một loạt dự án sân golf vào quy hoạch đến năm 2020. Nhiều dự án đã hoàn thành được chấp thuận mở rộng thêm, có cái quy mô gấp 3 lần dự án ban đầu. Có khoảng 15 dự án được bổ sung (điều chỉnh quy mô) vào quy hoạch với diện tích tăng thêm khoảng 7.000 ha.

Ảnh minh họa

Mới nhất, trước khi Quyết định số 1946/QĐ-TTg hết hiệu lực, tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan xin ý kiến thẩm định thực hiện đối với dự án sân golf quốc tế Thuận Thành.

Theo Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2020, việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf chỉ được sử dụng đất đã giao để xây dựng sân golf, không được sử dụng đất đã cấp làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng.

Tỷ lệ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở thấp tầng cho thuê trong tổng diện tích đất sân golf mà chủ đầu tư được giao đất hoặc cho thuê tối đa không quá 10% và mật độ xây dựng gộp của sân golf tối đa không quá 5% diện tích của dự án sân golf.

Việc thắt chặt quản lý sử dụng đất làm sân golf là vô cùng cấp thiết, bởi sau 10 năm triển khai thực hiện quy hoạch sân golf ở Việt Nam, đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là với đất nông nghiệp và đất rừng. Đây cũng là vấn đề sống còn trong phát triển bền vững ở một đất nước nông nghiệp với một nền văn minh lúa nước lâu đời.

Nông dân, nông nghiệp và nông thôn có mạnh, đất nước mới cất cánh “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Lô-gic là thế, nhưng còn có những thực tiễn trái chiều tồn tại như một điều hiển nhiên.

Mất đất nông nghiệp để làm sân golf là một nhẽ, tệ hại hơn đất đã bị sử dụng sai mục đích, bị biến thành đất lô rồi bán chác kiếm lời bất chính. Sự thể này liệu có là quá bất công với những người nông dân suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Một thực tế khác là khi mới du nhập vào Việt Nam, người ta xem sân golf là không gian xanh, nhưng các nhà môi trường đã chứng minh sân golf không phải là không gian thân thiện với môi trường vì sử dụng nhiều tài nguyên nước và một lượng lớn phân bón hóa chất để giữ cho cỏ được xanh.

Chính vì vậy, song song với việc bỏ quy hoạch, Nhà nước cần xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng môi trường cho các sân golf.

Rồi đây, các dự án đầu tư xây dựng sân golf sẽ phải đi vào nề nếp, các điều kiện kinh doanh sân golf sẽ chống tình trạng đầu cơ đất, chiếm đất làm các dự án khác hoặc chuyển đổi mục đích gây thiệt hại cho người dân và thất thu ngân sách.

Nhưng, điều cốt yếu là, bảo đảm hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đất nông nghiệp bị thu hồi vô tội vạ. Bởi lẽ, khi mà đất trồng trọt, canh tác tiếp tục manh mún; kết cấu đất thay đổi trên diện rộng do bị ô nhiễm bởi hóa chất từ các vùng “công nghiệp không khói”, khi đó, sẽ khiến có đất đấy, mà cây vẫn “ngừng hơi thở”!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất làm sân golf
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO