Đất đai ở vùng ĐBSCL đang ngày càng suy thoái

20/10/2018 11:49

(TN&MT) - Tài nguyên đất đai ở vùng ĐBSCL đang ngày càng suy thoái, đó là một trong những nội dung được các đại biểu nêu ra tại Hội nghị khoa học "Sử dụng bền vững tài nguyên đất ở ĐBSCL năm 2018" diễn ra ngày 19/10 do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.

dct1
Quang cảnh hội nghị khoa học "Sử dụng bền vững tài nguyên đất ở ĐBSCL 2018"

Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Trọng Uyên, Phân Viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp - Bộ NN&PTNT cho biết, qua điều tra, khảo sát, lập quy hoạch thực tế cho thấy môi trường tự nhiên của đất có nhiều biến động. Bên cạnh đó, sự thay đổi chế độ thủy văn, dòng chảy nguồn nước, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn... đã làm cho tính chất đất đai ở nhiều nơi thay đổi so với trước đây.

Ngoài ra, quá trình khai thác, sử dụng đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc thâm canh, tăng vụ và phát triển hệ thống đê bao kiểm soát lũ thiếu hợp lý đã làm cho chất lượng nhiều vùng đất có xu hướng cạn kiệt, thoái hóa; áp lực về nhu cầu phát triển đô thị, hạ tầng và đất ở nông thôn lên đất đai ngày một tăng.  

Còn GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - Đại học Cần Thơ cho rằng, đất vườn cây ăn trái lâu năm ở vùng ĐBSCL đã có những biểu hiện suy thoái như chất hữu cơ trong đất thấp và làm suy thoái hệ sinh vật đất, đất bị nén dẽ, lớp đất mặt bị rửa trôi, đất có pH thấp và cạn dần dưỡng chất, bị mặn hóa do sử dụng phân bón hóa học thiếu cân đối, nấm bệnh trong đất phát triển mạnh.

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp sau một thời gian phát triển với cường độ thâm canh cao cộng với sự đô thị hóa nhanh của vùng ĐBSCL đã có những tác động tiêu cực tới sử dụng đất bền vững, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng quá nhiều phân khoáng, ít phân hữu cơ đang làm mất cân bằng chất hữu cơ trong đất dẫn tới suy thoái môi trường đất trên quy mô lớn. Đồng thời, việc sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bị cấm cũng góp phần làm ô nhiễm nguồn nước.

dct2
Việc lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng làm cho đất nông nghiệp bị thoái hóa

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thông tin thêm, sự sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức ở một số vùng, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, ảnh hưởng của nuôi trồng thủy sản mặn lợ lên sản xuất lúa... cùng với nguy cơ từ biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, các hiện tượng cực đoan như hạn hán, lũ cao xuất hiện ngày càng nhiều cả về số lượng và cường độ trong một năm ảnh hưởng xấu đến sử dụng đất ở vùng ĐBSCL.

Số liệu nghiên cứu gần đây cho thấy, ĐBSCL có hơn 1,9 triệu ha đất lúa, bao gồm: diệt tích lúa trồng trên đất phèn là 802.400ha, đất phù sa 689.900ha, đất mặn 326.600ha, đất xám 88.700ha, đất cát 13.800ha và đất khác 5.600ha. Như vậy, toàn vùng có 58,5% diện tích đất lúa có yếu tố hạn chế (phèn và mặn), đất cát nghèo dinh dưỡng, đất không mặn hoặc ít hạn chế là đất phù sa chiếm 35,8%.

TS. Vũ Năng Dũng cho biết, đối với toàn vùng ĐBSCL, chúng ta chưa xây dựng được cơ sở khoa học về cơ cấu sử dụng đất hợp lý bền vững, xác định từng quy mô sử dụng đất thích hợp cho đất canh tác nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất lâm nghiệp, đất ở đô thị, nông thôn, đất khu công nghiệp để có chiến lược sử dụng tài nguyên đất bền vững, nhất là trong điều kiện chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, việc chưa sử dụng tiết kiệm nguồn nước ngọt, giữ nước ngọt trong mùa mưa, xây dựng hệ thống đê ven biển, đê bao, xử lý các chất sau thu hoạch của ngành trồng trọt, chăn nuôi, thâm canh lúa 3 vụ, ô nhiễm nước thải, chất thải khu đô thị và khu công nghiệp... đều có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sử dụng đất của vùng.

“Tài nguyên đất của vùng là có hạn, sử dụng tài nguyên đất bền vững cũng đồng nghĩa với phát triển bền vững ĐBSCL, biến vùng này thành vùng kinh tế phát triển trù phú của đất nước. Do vậy, những nguy cơ làm cho tính chất đất đai ở nhiều nơi thay đổi cần được nghiên cứu, cảnh báo và có giải pháp ngăn chặn hiệu quả” - TS. Vũ Năng Dũng khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất đai ở vùng ĐBSCL đang ngày càng suy thoái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO