Đào tạo nguồn nhân lực môi trường: Chưa có tầm chiến lược

10/11/2015 00:00

 (TN&MT) -Theo đánh giá của Vụ Tổ chức (Tổng cục Môi trường) công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lĩnh vực môi trường mới chỉ dừng lại ở việc đào tạo quy mô nhỏ, mang tính chắp vá, còn thiếu tính chuyên sâu và chưa mang được tầm chiến lược lâu dài.

Thiếu và mỏng

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường trong Hội nghị Mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường được biết hiện tổng số cán bộ, công chức, viên chức thuộc toàn ngành tính đến cấp xã có khoảng 15.559 người. Trong đó, ở Trung ương có 586 người, ở cấp tỉnh có khoảng 1.701 người, cấp huyện có khoảng 2.124 người và cấp xã có khoảng 11.148 người nhưng làm kiêm nhiệm các chức vụ địa chính – xây dựng và môi trường. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức, viên chức làm công tác môi trường ở các Bộ, ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước khác, chưa kể lực lượng cảnh sát môi trường, có khoảng trên 700 người.

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia hiện đội ngũ cán bộ làm trong lĩnh vực môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng, mất cân đối về cơ cấu. Điều đó thể hiện qua việc tại Trung ương, một số lĩnh vực có sự hụt hẫng về đội ngũ công chức, viên chức có trình độ cao, chuyên môn sâu. Tại các địa phương , thiếu các bộ làm nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường, an toàn sinh học. Ngoài ra, hiện đa số cán bộ làm việc trong lĩnh vực môi trường đều là cán bộ mới hoặc chuyển từ ngành khác sang, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm còn thiếu, đặc biệt là tại các địa phương trong khi  môi trường là lĩnh vực khó và rộng đòi hỏi sự am hiểu và có trình độ chuyên môn sâu.

Lĩnh vực môi trường đang rất cần nguồn nhân lực có trình độ cao
Lĩnh vực môi trường đang rất cần nguồn nhân lực có trình độ cao

Trong khi đó, chính sách thu hút học sinh, sinh viên tham gia học tập, đào tạo trong một số chuyên ngành về môi trường chưa được quan tâm. Hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực môi trường còn hạn chế, chưa có sự liên thông, liên kết và quy hoạch và mất cân đối giữa các chuyên ngành đào tạo. Ngành tài nguyên và môi trường hiện mới chỉ có 2 trường Đại học và 1 trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ.Việc  đào tạo cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực môi trường chủ yếu dựa vào các trường như: Bách Khoa, Khoa học Tự nhiên, Nông nghiệp…Nhưng chính những sinh viên này khi ra trường cũng chưa  đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng cũng như chưa có đủ kiến thức để đáp ứng yêu cầu bức thiết của môi trường đang đặt ra.

Cần rà soát, đánh giá lại các chương trình đào tạo

Theo dự báo từ nay đến năm 202,0 tổng nhu cầu về nguồn nhân lực quản lý lĩnh vực môi trường khoảng 25% trong khi hiện tại mới đáp ứng được khoảng 14% nhu cầu thực tế. Dự kiến đến năm 2020, nhu cầu đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ đang công tác trong lĩnh vực môi trường của cả nước khoảng 17.000 người. Để đáp ứng được nhu cầu này cần phải đổi mới và tìm ra các giải pháp tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành môi trường đặc biệt là tại các địa phương.

Theo ông Vũ Kim Tuyển, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Môi trường) hiện việc đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ các chuyên môn sâu về quản lý môi trường, kỹ thuật môi trường, khoa học, công nghệ môi trường, sinh thái môi trường…đang được Tổng cục Môi trường quan tâm. Tổng cục Môi trường đang kiến nghị với Bộ TN&MT tiếp tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đối với cán bộ thuộc diện quy hoạch cần tạo điều kiện của đi đào tạo, bồi dưỡng hoàn thiện các tiêu chuẩn. Ngoài ra cũng cần phải có cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức và viên chức có thời gian được đào tạo bài bản và đào tạo bổ sung trình độ chuyên môn.

PGS. TS Huỳnh Trung Hải, giảng viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng cần phải rà soát, đánh giá danh mục các ngành đào tạo, các chương trình, giáo trình đang áp dụng tại các cơ sở đào tạo để có phương án điều chỉnh, bổ sung đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý. Đồng thời cũng cần tăng cường đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực ngành môi trường, tăng thời lượng thực hành, thực tế tại các đơn vị quản lý, xây dựng bổ sung các giáo trình, chương trình thực hành, thực nghiệm, đa dạng hóa các hình thức đào tạo đặc biệt là hình thức hiện đại như trực tuyến, qua mạng.

Nguyễn Cường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nguồn nhân lực môi trường: Chưa có tầm chiến lược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO