Đánh thức những tầng đất sâu

Mai Đan| 01/09/2020 12:06

(TN&MT) - Chỉ với ba lô trên lưng, những người địa chất xạ hiếm lên đường tìm kiếm nguồn tài nguyên mới cho đất nước. Trong hành trang giản dị mà có phần kham khổ ấy chủ yếu là máy móc, cùng vật dụng cần thiết để sinh hoạt dã chiến dài ngày như: Xoong, nồi, bát, đũa với vài cân cá khô và gạo.

1. Cuộc đời của những người địa chất gắn liền với những chuyến đi gian nan, nguy hiểm nhưng cũng vỡ òa cảm xúc khi phát hiện được nguồn quặng quý.

Gắn bó với nghề địa chất đã gần 20 năm, ông Trịnh Đình Huấn - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất xạ - hiếm (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) chia sẻ, công việc của nhà địa chất có những đặc thù rất riêng biệt để đi đầu trong việc đưa ra lời giải từ trong lòng đất…

“Đằng sau mỗi công trình và phát hiện về địa chất, cấu trúc, địa mạo, hay nguồn tài nguyên khoáng sản xạ - hiếm… là những chuyến đi đầy gian nan, đổ nhiều mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu”, ông Huấn mở đầu câu chuyện.

Để tìm được tài nguyên, nhà địa chất thường xuyên đi thực địa. Thuận lợi nhất là đi vào mùa khô. Mỗi chuyến kéo dài vài tuần, vài tháng. Nhiều nhiệm vụ, phải mất 2 - 3 năm, đôi khi 5 - 7 năm mới tìm được tài nguyên như mục tiêu đề ra. Chưa kể có những lộ trình phải đi lại 3 - 4 lần mới phát hiện và xác định chính xác được vị trí quặng. Dấu chân nhà địa chất in hằn khắp các miền Tổ quốc, đặc biệt là những vùng núi và vùng sâu, vùng xa. 

Ông Huấn vào nghề địa chất ở thời điểm những năm đầu thế kỷ 21, thời điểm mà cuộc sống của người làm nghề địa chất vô cùng khó khăn, vất vả. “Đóng quân” ở vùng núi, không có dân ở, hiếm khi mới có vài nóc nhà người dân tộc thiểu số, người địa chất vừa lo công việc chuyên môn, vừa tự lo chuyện bếp núc nội trợ.

Khảo sát thực địa của Liên đoàn Địa chất xạ - hiếm mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vào năm 2010

“Chúng tôi ở trong lán trại, ăn cơm với cá khô và rau rừng tự kiếm được, nước ra suối lấy. Thậm chí, đầu cá khô còn để dành cho những ngày hết thức ăn mà chưa được tiếp tế. Hôm nào may mắn gặp được bà con dân bản bán cho con gà thực sự là “đại tiệc”, ông Huấn cười kể lại câu chuyện hồi mới vào nghề.

Ông Huấn bảo, khoảng thời gian trước năm 2000, đường đi còn khó khăn, giao thông chưa thuận lợi, vì thế hết tỉnh lộ, huyện lộ, đoàn thực địa đi bộ là chính. Vất nhất là đi lên các đỉnh núi. Có những đoạn dốc từ 45 - 80 độ, leo mất 4 - 5 giờ mới tới nơi. “Sau năm 2005, việc đi thực địa của người địa chất đã bớt gian nan khi cư dân sống đông đúc hơn ở những khu vực miền núi. Chúng tôi không phải ở lán trại mà có thể ở nhờ hoặc thuê nhà dân, dù những ngôi nhà ấy không được kiên cố, gió bão thổi bay mái nhà là chuyện thường”, ông Huấn cho biết thêm.

2. Tài nguyên phóng xạ mang tính chất đặc thù bởi tính chất không nhìn được bằng mắt thường mà phải xác định bằng máy móc thiết bị chuyên dụng. Tài nguyên phóng xạ rất quý nhưng lại ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiếp xúc, nếu không có cách bảo vệ chuyên biệt. Chính đặc thù ấy đặt lên vai người tìm kiếm tài nguyên những vất vả rất đặc biệt.

Ông Huấn kể, một châm ngôn của người làm địa chất xạ hiếm là “người có thể bị thương nhưng máy móc, thiết bị không được hỏng”, bởi máy hỏng là chuyến đi không thể thành công.

“Khi bị ngã, chúng tôi phải có… cách ngã để người ngã trước còn đỡ máy, không được để máy rơi. Hay khi lội qua sông suối, người ướt nhẹp nhưng máy vẫn phải nâng niu được gói bọc ni lông cẩn thận, khô ráo như bế “con cưng”. Mà những đứa con cưng ấy nhẹ thì vài cân mà quá khổ cũng cả yến sắt thép”, ông Huấn kể.

Các nhà địa chất Liên Đoàn Địa chất xạ - hiếm khảo sát thực địa tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vào năm 1994

Song những vất vả ấy chưa thấm vào đâu so với những mối lo ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người làm địa chất xạ hiếm.

Ông Huấn chia sẻ, do tính chất của một ngành nghề đặc thù độc hại, chỉ có nam giới mới đi thực địa và sau 35 tuổi họ đều cảm thấy sức khỏe giảm sút. Thêm nữa, việc sống dài ngày trong rừng khiến người làm địa chất không tránh khỏi những cơn sốt rét hay mắc bẫy thú mà người dân địa phương đặt.

Nếu như hiệu suất của công nhân các nhà máy được tính bằng số lượng sản phẩm thì với người làm địa chất xạ hiếm, nhiệm vụ của họ chỉ hoàn thành khi tìm được quặng. Khi ấy, trên khuôn mặt nhếch nhác vì bụi đất rạng rỡ nụ cười vỡ òa hạnh phúc.

Nhưng có những hạnh phúc không đến một cách dễ dàng, ông Huấn kể lại một kỷ niệm khi Liên đoàn Địa chất xạ - hiếm hợp tác với Tổng Công ty Dầu, khí và kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) để tìm kiếm, đánh giá quặng đất hiếm Bến Đền (Lào Cai) trong năm 2010, 2011. Đến năm 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chính thức đồng ý bổ sung mỏ đất hiếm Bến Đền vào Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng đá quý, đất hiếm và urani giai đoạn đến 2015, có xét đến năm 2025 và cấp phép thăm dò.

Trong quá trình điều tra, đánh giá, anh em kỹ thuật rất trăn trở vì đây là loại hình khoáng sản mới. Phải đối chiếu tài liệu, trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước, chúng tôi mới xác định được quặng đất hiếm dạng hấp thụ ion ở khu vực này.

3. Được thành lập năm 1978, Liên đoàn Địa chất xạ - hiếm đã trải qua hơn 40 năm phát triển. Trước đó, từ những năm 50 của thế kỷ 20, nhiều hoạt động tìm kiếm nguồn tài nguyên phóng xạ đã được khởi động, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp nước ta.

Ông Huấn cho hay, những phát hiện mang tính lịch sử của ngành địa chất xạ hiếm như: Tìm kiếm các mỏ đất hiếm tại Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái), Gia Phú (Lào Cai)…

Sau những năm 1980, công tác điều tra đánh giá về quặng urani được đẩy mạnh với việc phát hiện và làm rõ tiềm năng urani Bình Đường, urani trong than Nông Sơn, urani trong graphit Tiên An. Đặc biệt là việc khẳng định tiềm năng urani trong cát kết vùng trũng Nông Sơn (Quảng Nam) là vùng có triển vọng nhất về urani ở nước ta hiện nay. Hàng loạt các điểm mỏ lớn được xác định như: Khe Cao - Khe Hoa, Pà Lừa - Pà Rồng, Đông Nam Bến Giằng, Khe Lốt, An Điềm… Trong đó, mỏ urani Pà Lừa - Pà Rồng từ năm 2010 đến nay, đã được đầu tư thăm dò phục vụ cho chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử ở nước ta.

Các nguồn khoáng sản này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

***

“Dấu chân người địa chất đánh thức những tầng đất sâu/ Ta đi kiếm tài nguyên để lại nơi xa ánh mắt mong chờ…” (Bài ca người địa chất của nhạc sĩ Phan Văn Bích, phỏng theo ý thơ Tạ Xuyên).

Những câu hát ấy là bản hùng ca về nghề địa chất, tiếp thêm động lực cho những người địa chất đánh thức những tầng sâu thêm yêu nghề, say nghề để tiếp tục tìm ra nguồn tài nguyên quý cho đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức những tầng đất sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO