Đánh giá tiềm năng phát triển vùng đảo Bạch Long Vĩ

05/02/2015 00:00

(TN&MT) - Bạch Long Vĩ – đảo xa bờ nhất của nước ta trong vịnh Bắc Bộ, đã và đang được Nhà nước quan tâm trong chiến lược kinh tế biển.


(TN&MT) - Bạch Long Vĩ – đảo xa bờ nhất của nước ta trong vịnh Bắc Bộ, đã và đang được Nhà nước quan tâm trong chiến lược kinh tế biển. Để kết hợp khai thác tối đa tiềm năng kinh tế của đảo và vùng biển xung quanh, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu hải sản đã điều tra, đánh giá thế mạnh trên toàn vùng đảo Bạch Long Vĩ.
   
Ngư trường rộng lớn, sản lượng cao
   
  Vùng biển Bạch Long Vĩ là ngư trường quan trọng của vịnh Bắc Bộ nói chung và của Hải Phòng nói riêng. Ở đây có thể khai thác hầu như quanh năm, sản lượng đánh bắt lớn;. Nhìn chung ngư trường chủ yếu phân bố phía đông nam, đông và đông bắc Bạch Long Vĩ, có nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Ngoài cá ra Bạch Long Vĩ còn giàu có về các hải sản khác, đặc biệt, mực, bào ngư là các sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường trong nước và thế giới. Trữ lượng hải sản (ngoài độ sâu 10m) khoảng 7,5 vạn tấn và khả năng khai thác khoảng trên 3,5 vạn tấn. Trữ lượng động vật đáy có giá trị kinh tế dưới dải độ sâu 10m khoảng 2,9 vạn tấn.
   
   Đặc biệt, trong phạm vi và quy mô khảo sát được thực hiện tại 15 mặt cắt đại diện cho vùng triều và vùng biển ven bờ Bạch Long Vĩ đến độ sâu 20m nước, kết quả nghiên cứu một số loài động vật đáy kinh tế, quý hiếm đã xác định được 15 loài trong tổng số 18 đối tượng nghiên cứu.
   
   
  Căn cứ danh mục Sách đỏ Việt Nam 2007 thì vùng biển này có tới  loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng theo các mức khác nhau. Những loài quý hiếm và có giá trị kinh tế cao như Hải sâm Holothuria scabra, Trai ngọc nữ Pteria penguin trước đây đã có ghi nhận tương đối phổ biến trong các  nghiên cứu của GS. Đỗ Công Thung, xuất bản năm 1997, nhưng  đến nay không còn bắt gặp các loài này tại ven biển đảo Bạch Long Vĩ. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong quá trình khai thác kinh tế vùng.
   
  Bạch Long Vĩ nằm giữa một ngư trường giàu có đã thực sự trở thành một “căn cứ tự nhiên” của dịch vụ nghề cá. Nơi đây là một địa điểm neo đậu, mua bán sản phẩm, tiếp nhận các dịch vụ hậu cần, dịch vụ kỹ thuật. Đồng thời đảo còn có thể trở thành nơi nghỉ ngơi, vui chơi của thủy thủ các tầu khai thác hải sản và địa điểm du lịch lý tưởng cho khách du lịch trong và ngoài nước.
   
Khai thác phải chú trọng tới môi trường
   
  Dựa trên thế mạnh  sẵn có của vùng đảo, tỉnh Quảng Ninh đang phát triển Bạch Long Vĩ thành một Trung tâm dịch vụ nghề cá. Đây là bước phát triển đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của nghề cá Bạch Long Vĩ nhưng đồng thời cũng là sức ép cho môi trường sinh thái quanh đảo. Bởi vì, kéo theo sự phát triển loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá, số lượng tàu thuyền, chất thải sinh hoạt bao gồm chất thải hữu cơ và chất thải rắn, dầu mỡ do hoạt động tàu thuyền sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh vùng biển đảo này. Ngoài ra, còn kéo theo phế phẩm từ chế biến, hậu cần sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước cũng như không khí nếu không có sự quy hoạch, xử lý chất thải triệt để và nghiêm túc. Bên cạnh đó sẽ còn có những ảnh hưởng khác từ giao thông vận tải như tàu du lịch, tàu vận tải, tàu chở khách chạy qua luồng lạch của Bạch Long Vĩ. Có thể xảy ra các sự cố tràn dầu, hoá chất dẫn đến hậu quả lớn đối với môi trường trong đó có khu bảo tồn biển tương lai.
   
  Hiện nay, Bạch Long Vĩ đang phát triển thành khu du lịch và là nơi định cư sinh sống cho người dân và khu quân sự nên có nhu cầu xây dựng rất mạnh. Đồng thời còn có nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm và các hạng mục công trình khác để phục vụ phát triển kinh tế. Chính vì thế, các nguyên vật liệu xây dựng nếu không được quản lý chặt chẽ, để xảy ra tình trạng khai thác quá mức và không theo quy hoạch hợp lý sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như sạt lở, xói mòn bờ, giảm thể tích chứa nước ngầm làm nước mặn xâm nhập gây thay đổi cảnh quan của đảo trong tương lai. Bên cạnh đó là những tác động to lớn từ việc phát triển xây dựng ồ ạt đến môi trường sinh thái biển như tăng trầm tích đáy, tăng độ đục, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái nhạy cảm như hệ sinh thái san hô… làm mất tính nguyên vẹn và suy giảm đa dạng sinh học, thay đổi cảnh quan tự nhiên, mất đi vẻ đẹp tự nhiên của vùng biển đảo xa bờ.
   
  Như vậy, mục tiêu phát triển ngành du lịch và dịch vụ nghề cá tăng thêm nguồn lợi kinh tế là điều hết sức cần thiết và hiển nhiên trong việc phát triển huyện đảo Bạch Long Vĩ. Với kết quả điều tra và dự báo vùng đảo Bạch Long Vĩ, có thể rút ra vài bài học kinh nghiệm để quy hoạch và định hướng rõ ràng cho du lịch biển, tạo nên một sự phát triển hài hoà giữa sự phát triển du lịch và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên biển. Sự tồn tại của khu bảo tồn biển sẽ góp phần làm phát triển ngành du lịch của Bạch Long Vĩ, cũng là nơi để giáo dục cộng đồng về ý thức bảo tồn và tăng thu nhập, tạo một nguồn sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
   
Minh Vũ
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá tiềm năng phát triển vùng đảo Bạch Long Vĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO