Đánh giá kết quả phối hợp quản lý bảo vệ rừng, lâm sản vùng giáp ranh

10/09/2016 00:00

(TN&MT ) - Chiều 9/9, tại tỉnh Kum Tum đã diễn ra hội nghị đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi; triển khai phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phối hợp công tác trong thời gian tới. 

Khu vực rừng tự nhiên giáp ranh giữa các tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú, tính đa dạng sinh học cao, tồn tại nhiều loại thực vật có giá trị kinh tế lớn, nguồn dược liệu quý báu và có sự hiện diện các loài động vật rừng đặc hữu, quý hiếm. Đặc biệt, đây là khu vực rừng phòng hộ rất xung yếu, là nơi sinh thủy của các lưu vực con sông lớn như: Đăk La, Sê San (Kon Tum), Thu Bồn (Quảng Nam), Trà Khúc (Quảng Ngãi), góp phần điều hòa khí hậu, cung cấp nguồn nước phục vụ cho các công trình thủy điện, thủy lợi, cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân 3 tỉnh.

Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản vùng giáp ranh
Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản vùng giáp ranh

Thời gian qua, 3 tỉnh đã thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng tại mỗi địa phương; tổ chức thực hiện tốt công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh, xây dựng và ký kết quy chế phối hợp bảo vệ rừng quy mô cấp tỉnh, huyện và đơn vị chủ rừng đạt được những kết quả nhất định.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, báo báo của các cơ quan chức năng tại hội nghị cũng cho thấy vẫn còn xảy ra tình trạng cháy rừng, xâm hại tài nguyên rừng với các hình thức khác nhau tại vùng giáp ranh giữa các tỉnh. Do vậy, hội nghị đã dành nhiều thời gian đánh giá, phân tích các tồn tại, yếu kém; trao đổi, thảo luận và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản vùng giáp ranh.

Để việc thực hiện Quy chế trong thời gian đến đạt hiệu quả, tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nhấn mạnh: Sở Nông nghiệp và PTNT 3 tỉnh cần rà soát, hệ thống hóa các văn bản Quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ và phát triển rừng để tham mưu cho các cấp chính quyền bổ sung, xây dựng văn bản phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đảm bảo lợi ích của người làm kinh tế rừng, người tham gia trực tiếp công tác bảo vệ rừng; bảo đảm quyền và nghĩa vụ chủ rừng, chính quyền địa phương và người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng. Riêng các khu vực rừng trọng điểm, phức tạp có nguy cơ xâm hại cao, nguy cơ cháy rừng, cần kiên trì tổ chức các biện pháp tuyên truyền tại chỗ đến người dân, làng, bản để nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Khu vực rừng tự nhiên giáp ranh giữa các tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú, tính đa dạng sinh học cao, tồn tại nhiều loại thực vật có giá trị kinh tế lớn
Khu vực rừng tự nhiên giáp ranh giữa các tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú, tính đa dạng sinh học cao, tồn tại nhiều loại thực vật có giá trị kinh tế lớn

Nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm trong thực thi công vụ, nhất là lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn xã trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, theo dõi chặt chẽ diễn biến tài nguyên rừng; kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm ngay tại cơ sở; không để điểm nóng về phá rừng xảy ra;  kịp thời tổ chức truy quét bảo vệ rừng tại cơ sở, cương quyết đấu tranh chống việc mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và xử lý dứt điểm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng theo đúng quy định pháp luật.

Cũng tại hội nghị, hầu hết ý kiến cho rằng, vùng giáp ranh và chủ rừng cần triển khai thực hiện có hiệu quả trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng theo Điều 38, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng. Các chủ rừng chủ động xây dựng phương án và triển khai thực hiện giao khoán bảo vệ rừng đến hộ dân. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo vệ rừng theo Điều 37 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Võ Hà

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá kết quả phối hợp quản lý bảo vệ rừng, lâm sản vùng giáp ranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO