Hội nghị Thượng đỉnh Hành động vì khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa diễn ra tại New York (Mỹ) trong bối cảnh hàng loạt chuyên gia trên thế giới lên tiếng báo động về những hậu quả mà biến đổi khí hậu đang gây ra trên Trái đất.
Đã có nhiều bằng chứng cho thấy thảm họa thiên tai và hiện tượng biến đổi khí hậu - nước biển dâng là một trong những rào cản cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó, có Việt Nam.
Mỗi năm, con người phải chống chọi với những cơn thịnh nộ dữ dội của thiên nhiên. Mỗi ngày, chúng ta phải đối diện với cảnh khói bụi nghi ngút và mỗi giờ, phải chịu đựng sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Khả năng kéo ngược diễn biến khí hậu hiện nay trở về quá khứ vài ba thập niên trước dường như vô cùng khó trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện nay.
Giới chuyên gia đã dưa ra dự báo nhiệt độ Trái đất có thể còn tăng thêm 6 - 7oC vào năm 2100 nếu các nước không cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khí thải toàn cầu đã lên tới mức kỷ lục 37 tỷ tấn vào năm ngoái và 5 năm qua là 5 năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Đó là những minh chứng rõ ràng nhất cho những tác động chưa thể kể hết do biến đổi khí hậu gây ra.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: Thiên nhiên đang giận dữ... Nếu chúng ta không nhanh chóng thay đổi cách sống, chúng ta sẽ gây nguy hiểm cho chính cuộc sống của mình. Đồng thời, thừa nhận thế hệ của ông đã không bảo vệ được màu xanh của Trái đất, điều đó cần phải thay đổi ngay bây giờ. Và phải thay đổi bằng hành động chứ không phải bằng lời nói.
Cuộc khủng hoảng khí hậu là do con người gây ra, vì vậy, các giải pháp cũng phải đến từ chính con người. Tại hội nghị, lãnh đạo và các đại diện của 77 nước, 100 doanh nghiệp và 12 tổ chức đầu tư quốc tế đã đưa ra các sáng kiến và cam kết hành động vì khí hậu.
Đức tuyên bố tăng gấp đôi đóng góp, từ 2 tỷ Euro lên 4 tỷ Euro cho quỹ hỗ trợ các nước kém phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Chile đề xuất thành lập Liên minh Tham vọng khí hậu nhằm tập hợp các nước có chung cam kết giảm phát thải các bon về 0% vào năm 2050. Liên minh các nước coi than đá là quá khứ cũng được mở rộng với sự tham gia của 30 quốc gia, 22 tiểu bang và 31 tập đoàn lớn.
Nhìn vào những sáng kiến cam kết và những con số được các quốc gia đưa ra là tín hiệu đáng mừng, song vẫn chưa đủ, khi tại hội nghị này, những quốc gia có lượng khí phát thải lớn không có những động thái quyết liệt trong việc chống biến đổi khí hậu.
Ngược thời gian cách đây gần 4 năm, cộng đồng quốc tế đã đạt được Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu. Các nước nhất trí đặt mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt Trái đất không quá 2oC và cố gắng ở mức thấp hơn 1,5oC so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Thế nhưng, cho đến nay, mức cam kết của các quốc gia theo Thỏa thuận Paris 2015 không đủ để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5oC. Ngay cả khi tất cả các nước đáp ứng các mục tiêu mà họ tự đặt ra, Trái đất vẫn sẽ ấm lên từ 2,9oC - 3,4oC và xu hướng này tiếp tục còn gia tăng.
Chúng ta phải tăng gấp 3 lần các mục tiêu hiện tại mới có thể đạt được mục tiêu 2oC và tăng gấp 5 lần để đạt được mục tiêu 1,5oC. Vì thế, để có được những bước tiến dài hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhân loại cần có sự quyết tâm, đồng lòng và sự lãnh đạo hiệu quả.