Đảng viên trẻ vùng cao tiên phong phát triển kinh tế

Bài và ảnh: Tuyết Trang - Quỳnh Chi| 23/03/2020 09:05

(TN&MT) - Là những Đảng viên vùng cao, mặc dù địa hình hiểm trở, kinh tế khó khăn nhưng họ luôn trăn trở làm sao để đồng bào mình thoát nghèo và thu hẹp khoảng cách với các vùng miền xuôi Thanh Hóa.

Điển hình là anh Lê Đình Huấn, năm 2012, anh trúng xét tuyển làm Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ (theo Đề án của Chính phủ). Thời điểm đó, xã Hóa Quỳ tỷ lệ hộ nghèo còn cao (49%), đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp nhưng hầu như các tiến bộ khoa học - kỹ thuật chưa được áp dụng vào sản xuất.
Anh chủ động, tiên phong trong việc chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Cùng với đó là công tác tuyên truyền, vận động bà con, anh đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã mở các lớp học ở hiện trường với quy mô nhỏ, ở đó người dân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, được cung cấp cây, con, giống mới, chuyển đổi từ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực sang phân bón hữu cơ, vi sinh, chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt.

img_20200220_123907.jpg
Mô hình trang trại gà của anh Lê Đình Huấn trở thành nơi để bà con học hỏi và mạnh dạn thực hiện

Từ hiệu quả bước đầu, mô hình của gia đình anh trở thành nơi để bà con học hỏi. Từ đó, nhiều hộ đã mạnh dạn thực hiện mô hình trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn xã Hóa Quỳ đã có hơn 30 trang trại, gia trại chăn nuôi gà với quy mô từ 2.000 đến trên 10.000 con gà, bình quân thu nhập từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.
Năm 2018, anh Huấn được điều động về làm Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm. Đây cũng là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%. Từ những kinh nghiệm có sẵn, anh tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 là 50%, đến nay, giảm xuống còn 29%.
Hay như bà Phạm Thị Lan, xã Cát Vân, huyện Như Xuân. Từ năm 2017 về trước, Vân Trung là thôn đặc biệt khó khăn, 90% dân tộc Thổ sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, đa phần có tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước nên một số hộ gia đình đã tách hộ, bố mẹ (ông, bà) tuổi cao ra ở riêng để được hưởng chế độ hộ nghèo. Nhận thấy tư tưởng này cần xóa bỏ, bà Lan đã đến động viên vận động các hộ nhập lại. Sau một thời gian kiên trì, bà vận động được 5 hộ gia đình bố mẹ (ông, bà) nhập vào gia đình các con, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn còn 5 hộ.

Năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của thôn Vân Trung là 41,18% thì đến nay giảm còn 6,02%. Năm 2018, thôn Vân Trung đã thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảng viên trẻ vùng cao tiên phong phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO