Đằng sau một bản án sơ thẩm - Bài 3: Đồng tiền đền bù "có chân"?

17/09/2015 00:00

(TN&MT) - Có dấu hiệu một số tiền đền bù đã bị tạo chứng cứ nhập nhèm để không về tay người dân trực tiếp canh tác, mà đi lòng vòng trong túi cá nhân của những...

 

(TN&MT) - Như kỳ trước chúng tôi đã thông tin, dù đã qua 2 cấp tòa nhưng các bản án sơ thẩm và phúc thẩm bộc lộ quá nhiều thiếu sót nên công lý vẫn còn chưa được phân định rõ ràng.

Tòa Phúc thẩm ngoài việc xử theo một ủy quyền đã hết hiệu lực của bên nguyên, lẽ ra khi phát hiện Bản án Sơ thẩm số 162/2013/DS-ST vi phạm nghiêm trọng tố tụng, trong đó có việc “không đủ điều kiện thụ lý vụ án”, đáng lẽ phải tuyên hủy bản án sơ thẩm, hoặc đình chỉ vụ án, nhưng lại tuyên giao về cho Sơ thẩm điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung. Điều này vô tình đã đẩy các đương sự tiếp tục cuốn vào vòng xoáy tranh chấp, gây chia rẽ thêm sâu sắc trong đời sống nhân dân; xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của hộ ông Lê Bá đã được luật pháp bảo hộ.

Dự án cải tạo tuyến quốc lộ 19, đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giáp quốc lộ 1A, đi qua Khu B, C thuộc Khu đô thị và Thương mại Bắc sông Hà Thanh vào năm 2010 tuy ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các hộ dân nuôi trồng thủy sản tại khu vực 4 phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn, nhưng bà con ở đây hiểu, nhất trí với chủ trương của Tỉnh, chấp nhận nhận tiền bồi thường hoa màu, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Nhưng trong việc đền bù, hỗ trợ, những đồng tiền để người dân chuẩn bị thay đổi cuộc sống mới lại bị quá nhiều áp lực can thiệp.

Tranh chấp giữa hộ bà Lê Thị Thương và hộ ông Lê Bá đã được chúng tôi đề cập trong các số báo trước, hầu hết từ Tòa cho đến Ban Quản lý GPMB và Phát triển quỹ đất đều ngại phân xử, đều hòa giải theo cách “khuyên ép” chia 50/50. Ông nông dân Lê Bá chỉ hiểu đất đai của ông có giấy chứng nhận chính quyền cấp, ông canh tác gần chục năm trời không ai tranh chấp, thì việc nói ông chia 50/50 là vô lý, là trái pháp luật. Ông và mấy người con cũng không giỏi ăn nói để biện minh giành lại công lý cho mình.

Ở đây, có cơ sở để nói rằng, có dấu hiệu một số tiền đền bù đã bị tạo chứng cứ nhập nhèm để không về tay người dân trực tiếp canh tác, mà đi lòng vòng trong túi cá nhân của những người nhận trách nhiệm đền bù, hỗ trợ cho bà con.

Bà con Khu vực 4 phường Nhơn Bình tố cáo, đất đai bà con sản xuất từ lâu nay, có “sổ đỏ” thời hạn 20 năm, nhưng khi đền bù, lãnh đạo Phường lại “nhảy” ra tuyên bố Phường có 2.000m2 là đất công ích. Vấn đề Phường có đất hay không bà con không quan tâm, nhưng đương nhiên, 2.000m2 nào đó của Phường không thể nằm trong “sổ đỏ” của bà con được. Mặt khác, ai cấp 2.000m2 cho Phường nuôi tôm cá? Cấp cho thì ai nuôi? Chắc chắn Thành phố không cấp “sổ đỏ” cho bà con nếu là đất công ích. Diện tích đã cấp sổ phải là của các hộ chứ không thể chồng lấn lên diện tích 2.000m2 công ích của Phường. Như thế, đất của ai người đó nhận đền bù, tại sao lại có chuyện 2.000m2 đất của phường nằm trên diện tích đất của ông Bá? Thế mà từ lần đền bù năm 2005 khi có dự án xây dựng tuyến Quy Nhơn - Nhơn Hội, bà con cũng phản ánh Phường nhận đền bù 2.000m2 cấn vào phần đất của các hộ nông dân. bà con.

Đến năm 2010, tiền đền bù cho các hộ đang nuôi trồng trên đầm hồ cũng trở ngại. Nhiều lý do được viện ra để bắt bẻ khiến nhiều hộ khóc dở mếu dở. Đơn cử, hộ ông Bá được đền bù hoa màu trên diện tích 20.295,7m2 năm 2010, trị giá 52.767.000 đồng, nhưng gia đình ông không hề được nhận tiền. Khiếu nại mãi thì được Ban Quản lý GPMB và Phát triển quỹ đất trả lời bằng văn bản 292/BQL-GPMB do Phó trưởng Ban Trần Kim Trọng ký ngày 30/7/2013 rằng, Ban đã chi trả hết, gia đình đã nhận đủ tiền và ký tá đầy đủ, có sự chứng kiến của nhiều hộ dân tại UBND phường Nhơn Bình; nếu hộ ông Bá còn cản trở thi công sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật.

Ấy thế mà sau khi gia đình ông Bá thưa gửi, cầu cứu cơ quan các cấp, thì lại có chuyện ngày 15/11/2013, cũng tại UBND phường Nhơn Bình, hộ ông Bá mới được nhận số tiền 52.767.000 đồng hỗ trợ đền bù hoa màu của năm 2010, gọi là “đền bù bổ sung”. Như vậy, văn bản 292/BQL-GPMB nói lên điều gì, nếu không phải là dối trên, lừa dưới? Nếu hộ ông Lê Bá không kêu cứu, bức xúc thì sẽ không được nhận, mấy năm qua ai đã giữ và sử dụng số tiền đó?

Riêng tiền đền bù đất bị thu hồi, ngày 05/7/2013, Ban Quản lý GPMB và Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Định ra văn bản 82/TB-BQL do Phó trưởng Ban Trần Kim Trọng ký, thông báo tới các hộ dân rằng, do 2 hộ ông Bá và ông Hùng còn đang tranh chấp tại Tòa chưa thống nhất nhận tiền nên Ban Quản lý GPMB sẽ gửi số tiền 1.892.714.000 đồng của hộ ông Bá và 988.870.000 đồng của hộ ông Hùng, tổng cộng 2.881.584.000 đồng vào ngân hàng để công trình có thể thi công.

Nói là gửi ngân hàng, nhưng khi 2 hộ gia đình kia đang tranh chấp, được phân xử qua 2 cấp tòa chưa ngã ngũ, thiệt hại đời sống là rất lớn, thì gần 3 tỷ đồng kia có chân đi lòng vòng “ngoài luồng”?. Nói như vậy là vì những đồng tiền từ ngân sách này phải nằm trong hệ thống ngân hàng, kho bạc cho tới khi chi trả thực tế, chứ không nằm ở bất cứ quỹ riêng nào bên ngoài. Thế nhưng mãi 2 năm sau, ngày 11/6/2015 mới có một giấy nộp tiền mặt một cách đối phó vào tài khoản của Ban Quản lý GPMB và Phát triển quỹ đất tỉnh tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Định. Người gửi là cá nhân tên Nguyễn Thị Thìn. Nội dung nộp là “gửi tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB của 02 hộ dân Lê Bá và Hồ Văn Hùng đang tranh chấp thuộc Dự án Khu Đô thị - Thương mại Bắc Sông Hà Thanh, TP. Quy Nhơn vào Tài khoản tiền gửi”. Số tiền gửi lúc này là 2.924.016.000 đồng.

Dấu hiệu chiếm dụng và sử dụng tùy tiện đồng tiền là kế sinh nhai của nhân dân khi chuyển đổi nghề nghiệp, nơi ở là vấn đề không thể xem nhẹ; Cơ quan Thanh tra tỉnh có thể từ đây kiểm tra lại trình tự và chi tiết số tiền đền bù cho dân, không chỉ ở Dự án này. Đặc biệt là kiểm tra danh sách cụ thể, giá đền bù, tổng số tiền chi trả cho từng dự án mà Nhà nước đã phê duyệt so với thực tế chi trả đến từng hộ dân xem độ “vênh” ở đây là ở mức nào?.

Kết thúc câu chuyện buồn của hộ ông Lê Bá, chúng tôi phải nói lại, Khi có Dự án, người dân tuân thủ và chấp nhận giao đất, mặc dù nhiều hộ còn chưa biết sẽ tổ chức cuộc sống mới ra sao, thì đại diện của chính quyền các cấp không được có bất cứ hành vi nào làm hại đến đời sống của bà con. Từ mặt đầm hồ, họ sẽ làm gì ở nơi tái định cư? Cho là nhận được đủ tiền đền bù liệu họ đã sống ổn định chưa? Thế mà gần 5 năm nay, gia đình ông Lê Bá nhọc nhằn đòi công lý, nếu như có thành công, liệu những đồng tiền đền bù kia có còn nguyên vẹn trở về tay ông Bá?.

Quốc Trung

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đằng sau một bản án sơ thẩm - Bài 3: Đồng tiền đền bù "có chân"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO