Dân truy lùng “cát tặc” ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương): Bao giờ cho đến hồi kết?

09/12/2013 00:00

(TN&MT) - Hiện dân làng vẫn cắt cử một nhóm người tiếp tục mang lều bạt ra ven đê sông Luộc, dựng trại đề phòng “cát tặc” sẽ quay trở lại trục vớt con tàu bị...

   
(TN&MT) - Sau khi con tàu mang số hiệu HP 2523 là của ông Vũ Văn Rèn, SN 1965 ở xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, bị người dân địa phương đánh chìm về tội hút trộm cát trên sông, ông Rèn đã đến UBND xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương để xin chịu phạt và trục vớt tàu; tuy nhiên, người dân đã kiên quyết phản đối…
   
Con tàu trước lúc bị chìm dần xuống dòng sông Luộc
   
  Theo ông Trần Văn Điển, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Thanh cho biết: Mặc dù chiều 2/12, tại nhà văn hóa đã tổ chức buổi đối thoại giữa người dân thôn Tri Lễ và  các cấp chính quyền. Lãnh đạo địa phương đã giải thích rõ, con tàu hút cát bị chìm mang số hiệu HP 2523 là của ông Vũ Văn Rèn, SN 1965, ở xã Trung Lập. Chủ tàu đã thừa nhận lúc đó đang có hành vi hút cát trộm tại bờ bãi sông Luộc đoạn qua thôn Tri Lễ. Sau đó xảy ra mâu thuẫn và tàu bị chìm. Giờ chủ tàu xin trục vớt tàu và chịu phạt. Tuy nhiên, tất cả người dân đều phản đối, kiên quyết giữ hiện trường không cho trục vớt tàu chìm. Lý do, tại cuộc họp đối thoại này, chủ tàu Vũ Văn Rèn không dám xuất hiện vì sợ bị “đòn thù”.
   
Phía đuôi bị đục thủng, chìm dần xuống, còn “thủy thủ” nhảy ra khỏi tàu, bơi sang xã khác
để tránh bị truy đuổi
    
   
  Tại buổi đối thoại này, có nhiều ý kiến của người dân đưa ra xoay quanh sự “hoành hành” của cát tặc, sự bất lực của chính quyền địa phương mà nơi “giơ đầu chịu báng” chính là UBND xã Hà Thanh. Một số người dân cũng yêu cầu lực lượng Công an, chính quyền phải có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tận gốc tình trạng cát tặc. Đối với chủ tàu, người dân yêu cầu bồi thường thích đáng những thiệt hại do chủ tàu  gây  ra, đồng thời cam kết không thực hiện hành vi hút cát trộm. Do chính quyền địa phương chưa đưa ra được câu trả lời dứt khoát nên sau cuộc họp, người dân thôn Tri Lễ vẫn tiếp tục dựng lều trên bờ đê, kiên quyết bảo vệ hiện trường vụ chìm tàu.
   
  Trao đổi với phóng viên, một người dân thôn Tri Lễ (xin giấu tên) cho biết: Hiện toàn bộ dân làng vẫn cắt cử một nhóm người tiếp tục mang lều bạt ra ven đê sông Luộc, dựng trại đề phòng “cát tặc” sẽ quay trở lại trục vớt con tàu đã bị đánh chìm. Xuất phát điểm của sự việc này là do thời gian qua, hoa màu, ruộng bãi của người dân sinh sống ven hai bên sông Luộc thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng bởi những con tàu hút cát hoành hành, người dân cho rằng chính quyền các cấp đã “ngó lơ”. Xót xa trước cảnh đất mất dần vì sạt lở, người trong làng Tri Lễ hô hào cả làng ra sông để săn lùng tàu cát, đỉnh điểm là phát hiện ra con tàu nói trên và đã xảy ra xô xát và tàu đã chìm.
   
Người dân luôn túc trực, canh trên đê  
    
   
  Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo huyện Tứ Kỳ cho hay: Đề phòng tình trạng bất ổn an ninh nông thôn, đặc biệt chuyện trả thù lẫn nhau, UBND huyện đã yêu cầu tăng cường lực lượng công an huyện, các bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường và đại diện chính quyền huyện thường xuyên túc trực tại hiện trường để đề phòng bất trắc cũng như giữ vững tình hình an ninh trật tự.
   
  Cụ Vũ Văn Tháu, 82 tuổi, thôn Truy Lễ, xã Hà Thanh, Tứ Kỳ (Hải Dương) cùng nhiều người dân địa phương cho biết: “Đoạn sông Luộc chạy qua địa bàn xã, phía bên kia thuộc địa bàn hành chính huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng hút cát trái phép bỗng dưng xuất hiện. Họ ngang nhiên hút cát dưới triền sông, làm sạt lở hàng trăm mét bãi triều trồng hoa màu của người dân. Bức xúc trước hành động trên, nhiều người dân đã ra ngăn cản không cho cát tặc hút và bị đánh trả làm một người thiệt mạng. Do vậy, khi xảy ra vụ chìm tàu và truy đuổi tàu cát, có đến hàng trăm người dân ở thôn Tri Lễ, từ người già tới trẻ, nam thanh - nữ tú, thậm chí cả trẻ em đều hô hào nhau, tay cầm liềm, cầm xẻng, cuốc…tràn ra mặt đê hô hào “chiến đấu”…
   
Người dân luôn túc trực, canh trên đê  
    
   
  Ông Trần Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Thanh (Tứ Kỳ, Hải Dương) cho biết: “ Đặc thù khu vực bãi triều sông xã Hà Thanh là bên bồi có nhiều cát nên 5 năm trở lại đây nhiều tàu khai thác cát đến đây khai thác trái phép, gây sạt lở bãi và hư hại hoa màu của người dân. Trước đó, từ năm 2007 - 2012, toàn bộ khu vực triền sông là đất công điền xã giao cho nhân dân sử dụng để trồng cây, hoa màu ngắn ngày nhưng giờ đây, nó đã bị “cát tặc” làm sạt lở mất 3,5ha”.  Ông Điền cũng cho biết thêm: “Vào thời kỳ cao điểm “cát tặc” hoành hành, chính quyền địa phương đã có báo cáo lên huyện, huyện đã thành lập đoàn liên ngành kết hợp với lực lượng công an xã phát hiện, bắt giữ các tàu “cát tặc”, có thời điểm xử lý được 12-13 tàu. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn chưa được cải thiện. Việc chống cát tặc thực sự rất khó khăn vì thẩm quyền của địa phương có hạn”…
   
  Thiết nghĩ, đã đến lúc UBND tỉnh Hải Dương cần có thái độ kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý nạn khai thác khoáng sản “chui” cũng như cần có sự phối kết hợp giữa các địa phương xung quanh, như vậy nạn “ăn cắp” khoáng sản mới dược diệt trừ và sẽ giải quyết được tận gốc tình trạng bất ổn an ninh nông thôn như đã nêu trên…
   
  Bài & ảnh: Hà Thúy
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân truy lùng “cát tặc” ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương): Bao giờ cho đến hồi kết?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO