Dân "bán tín, bán nghi" việc Cty Mía đường Sơn La đã hết ô nhiễm

30/01/2016 00:00

(TN&MT) - Trước khi bắt đầu vào niên vụ mía 2015-2016, Sở TN&MT Sơn La đã công nhận cho Công ty CP Mía đường Sơn La (có địa chỉ tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai...

 

(TN&MT) - Trước khi bắt đầu vào niên vụ mía 2015-2016, Sở TN&MT Sơn La đã công nhận cho Công ty CP Mía đường Sơn La (có địa chỉ tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn) hoàn thành việc thực hiện các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm theo Quyết định 63/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Khẳng định hết ô nhiễm

Công ty CP Mía đường Sơn La là một trong 5 đơn vị được liệt vào danh sách “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường của tỉnh Sơn La, theo quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Liên tiếp trong nhiều năm, Công ty này đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước suối Nậm Pàn, ảnh hưởng tới đời sống sản xuất, sinh hoạt của cư dân tiểu khu 4,5,6 thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Nước thải sau xử lý chứa tại hồ số 1 có màu trong, không mùi
Nước thải sau xử lý chứa tại hồ số 1 có màu trong, không mùi

Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn La cho biết: Để sớm khắc phục ô nhiễm môi trường, trong niên vụ mía 2014-2015, Công ty đã đầu tư trên 8 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới với quy trình khép kín. Dự án đã hoàn thành và đi vào sử dụng, được Sở TN&MT Sơn La nghiệm thu và công nhận cho Công ty hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để. Đến niên vụ mía năm nay, Công ty vẫn tiếp tục đầu tư thêm 3,5 tỷ đồng để cải tạo các hồ chứa nước thải, lót đáy, làm bờ, phân loại nước thải và một số hạng mục khác.

Hiện nay, nước sản xuất đã được tiến hành phân loại, nước thải ra khu xử lý từ 600m3/ngày đêm trong niên vụ 2014-2015 đã giảm xuống còn 300m3. Nước thải sau sản xuất được đưa về hồ số 1, sau đó có đường mương đưa về bể 3.000m3 để tái sử dụng. Nhờ đó, lượng nước sử dụng trực tiếp đã tiết kiệm so với năm trước khoảng 50%.

Riêng chất thải nguy hại được thu gom vào kho theo quy định. Chất thải rắn sản xuất là bã mía được tái sử dụng để đốt cấp nhiệt cho hệ thống máy phát điện. Tro từ hệ thống dập tro được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho phân xưởng sản xuất phân vi sinh.

Người dân vẫn nửa tin nửa ngờ…

Theo quan sát của PV, tại khu vực suối Nậm Pàn đoạn chảy qua tiểu khu 5,6 và khu vực mó nước giáp giữa tiểu khu 4,5 (các vị trí bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do xả thải những năm trước) hiện đã không còn mùi hôi thối, nước suối trong. Bà Phạm Thị Hằng, Tiểu khu trưởng Tiểu khu 5 thị trấn Hát Lót cho biết: Từ đầu niên vụ mía tới nay, cơ bản tại các vị trí ô nhiễm nước trước đây đã không còn mùi hôi thối, người dân cũng mừng. Tuy nhiên, vào khoảng giữa tháng 1 vừa qua, tại khu vực mó nước, có một số ngày vẫn có mùi hôi bốc lên, vào thời điểm từ 5 giờ chiều tới rạng sáng, nên chúng tôi vẫn rất băn khoăn không biết nguyên nhân do đâu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La cho biết: Tại khu vực mó nước còn còn chịu ảnh hưởng từ rác thải sinh hoạt của người dân, hệ thống xả thải từ chợ trung tâm Mai Sơn nên chưa thể có kết luận cụ thể về nguyên nhân.

Sau khi chứng nhận cho Công ty CP Mía đường Sơn La ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Chi cục Bảo vệ môi trường Sơn La vẫn tiếp tục theo dõi, tiến hành kiểm tra việc thực hiện các biện pháp xả nước thải, công tác quan trắc môi trường định kỳ của Công ty.

Hiện Trung tâm Quan trắc TN&MT Sơn La đã lấy mẫu nước tại khu vực mó nước giữa tiểu khu 4, 5 để tiến hành phân tích các chỉ tiêu
Hiện Trung tâm Quan trắc TN&MT Sơn La đã lấy mẫu nước tại khu vực mó nước giữa tiểu khu 4, 5 để tiến hành phân tích các chỉ tiêu

Kết quả kiểm tra gần nhất cho thấy, hệ thống xử lý nước thải đang vận hành bình thường. Song, còn một phần nước thải công nghệ chưa xử lý kịp thời, còn chứa tạm vào hồ số 2 sau đó mới bơm trở lại hệ thống xử lý. Nước thải sau xử lý chứa vào hồ chứa số 1, có lót đáy chống thấm nhưng chưa được thu hồi toàn bộ để tái sử dụng cho sản xuất.

Đặc biệt, có hiện tượng nước thải sau xử lý chảy tràn ra ngoài tường rào và đi xuống hố caster, cách tường rào nhà máy khoảng 50m. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty sớm khắc phục những tồn tại trên, cải tạo lại hệ thống thu hồi nước để tái sử dụng toàn bộ nước thải, tránh xả ra môi trường theo phương án bảo vệ môi trường đã phê duyệt. Thời gian khắc phục chậm nhất là ngày 10/2/2016.

Đồng thời, Trung tâm Quan trắc TN&MT Sơn La đã tiến hành lấy mẫu nước tại các vị trí này để phân tích. Sau khi có kết quả phân tích, mới có thể có kết luận chính xác chất lượng nước đã hợp chuẩn hay chưa.

Trong thời gian tới, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, thường xuyên kiểm tra việc xử lý nước thải tại Công ty CP Mía đường Sơn La. Nếu vẫn phát sinh sự cố sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bài & ảnh: Nguyễn Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân "bán tín, bán nghi" việc Cty Mía đường Sơn La đã hết ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO