Đảm bảo ngân sách Nhà nước phân bổ và sử dụng hiệu quả

25/06/2015 00:00

(TN&MT) - Ngày 25/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) gồm 7 chương, 77 điều với đa số phiếu tán thành.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng, trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định ngân sách làm ngân sách địa phương tăng thu lớn thì số tăng thu phải nộp về ngân sách cấp trên. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với ký kiến của các ĐBQH cho rằng, việc quy định cụ thể trong Luật tỷ trọng của khoản thu mới so với thu NSNN sẽ vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, do đó không quy định tỷ lệ cụ thể.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng thống nhất, sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng tỷ lệ điều tiết về ngân sách cấp trên, giảm số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới. Quy định này để các địa phương có kinh tế phát triển sẽ có trách nhiệm chia sẻ với các địa phương còn nhiều khó khăn, tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên, góp phần bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với ý kiến của ĐBQH đề nghị quy định mở rộng hơn nội dung chi từ nguồn dự phòng để giải quyết các trường hợp cấp bách phát sinh, các vụ việc phức tạp cần giải quyết như chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình mà chưa được dự toán.

Tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hàng năm của ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương đối với các trường hợp hỗ trợ khắc phục thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, chi chính sách, chế độ mới tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách Trung ương.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng khẳng định, việc sử dụng số vay mới để trả nợ gốc chỉ là phương pháp hạch toán bội chi NSNN theo thông lệ quốc tế, không phải là “đảo nợ”. Việc trả nợ gốc có thể được thực hiện bằng cách sử dụng số tăng thu, tiết kiệm chi so với dự toán được sử dụng để giảm bội chi, tăng chi trả nợ (bao gồm cả trả nợ gốc và lãi). Chi trả nợ là nhiệm vụ chi của NSNN để trả các khoản nợ đến hạn phải trả, bao gồm khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác phát sinh từ việc vay. Trường hợp bội thu ngân sách sẽ được bố trí để trả nợ gốc của ngân sách.

Quốc hội sẽ quyết định tổng mức vay của NSNN và trả nợ gốc các khoản vay của NSNN. Quốc hội cũng quyết định bội chi NSNN, bao gồm bội chi ngân sách Trung ương và bội chi ngân sách chi tiết từng địa phương và quyết định nguồn bù đắp bội chi NSNN.

Quy định này nhằm khống chế mức trần bội chi ngân sách địa phương hàng năm, thông qua đó đảm bảo quản lý chặt chẽ các khoản vay của chính quyền từng địa phương. Căn cứ tình hình thực tế, HĐND từng địa phương xem xét, quyết định mức bội chi cụ thể ở địa phương mình nhưng không vượt quá mức trần Quốc hội đã quyết định.

Theo quy định của Hiến pháp, quyền quyết định ngân sách thuộc Quốc hội; không có quy định về thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, do Quốc hội chỉ họp 2 kỳ/năm, trong khi thực tế có những vấn đề thực tiễn phát sinh trong quá trình điều hành NSNN, đòi hỏi phải xử lý kịp thời. Do vậy, việc quy định một số thẩm quyền cho ý kiến và quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội về NSNN là cần thiết, nhưng phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Đối với các khoản thu tăng thu ngân sách ngoài dự toán, Quốc hội sẽ giao Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét ra Nghị quyết về bổ sung dự toán, sau đó mới tiến hành phân bổ theo quy định của pháp luật.

Để bảo đảm cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020), phù hợp với Luật Đầu tư công đã được Quốc hội thông qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị năm 2016 định mức phân bổ chi thường xuyên sẽ tiếp tục áp dụng tiêu chí, định mức theo Quyết định 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng định mức phân bổ chi đầu tư phát triển sẽ áp dụng theo các nguyên tắc, tiêu chí, định mức mới cho giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu hướng dẫn lập dự toán chi đầu tư phát triển năm 2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin Quốc hội giao Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, ban hành Nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển.

Trong trường hợp địa phương nào có tổng thu và số bổ sung trong cân đối, sau khi tính lại mức vốn đầu tư trong cân đối năm 2016 theo tiêu chí mới có mức chi thường xuyên không đủ, thì ngân sách Trung ương sẽ bổ sung thêm tương ứng với phần chênh lệch này.

Đồng thời, mức vốn đầu tư phát triển bố trí cho năm 2016 phải nằm trong khung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và được bố trí cân đối phù hợp với tốc độ tăng chi NSNN năm 2016 so với năm 2015.

Nguyên Vũ

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo ngân sách Nhà nước phân bổ và sử dụng hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO