Giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên địa bàn huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) có nhiều dự án trọng điểm đang được triển khai như: dự án Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors, Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Minh Viễn Lăng Cô; Khu phức hợp du lịch, dịch vụ Đăng Kim Long; Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô, Khu du lịch Suối Voi, Dự án đê chắn sóng và cầu cảng số 2 ở cảng Chân Mây...
UBND huyện Phú Lộc đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ Nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn đang gặp phải một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng như người dân không đồng ý với phương án đền bù, hỗ trợ trước đó; mức đền bù thấp hơn nhiều lần so với giá đất thị trường; một số vướng mắc liên quan đến việc hỗ trợ chi phí san lấp, tôn tạo mặt bằng và diện tích đất nằm trong lộ giới hành lang bảo vệ an toàn giao thông đường bộ.
Cụ thể như, Khu Liên hiệp sản xuất lắp ráp Kim Long Motos (xã Lộc Tiến) với diện tích đất phải thu hồi khoảng 100 ha, kinh phí cho công tác này là khoảng 115 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh cho hay, khó khăn lớn nhất đối với giải phóng mặt bằng tại dự án Khu Liên hiệp sản xuất lắp ráp Kim Long Motos là kinh phí. Vừa qua, ban đã làm việc với chủ đầu tư và đã thống nhất với phương án, chủ đầu tư sẽ ứng trước kinh phí để kịp thời đền bù cho người dân, giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư khởi động dự án vào tháng 4/2019.
Theo UBND huyện Phú Lộc, công tác giải phóng mặt bằng ở Khu du lịch Suối Voi cũng đang gặp bất cập. Những ngày qua người dân đã phản ứng dữ dội về việc hỗ trợ, đền bù không hợp lý. Hiện nay, khách du lịch vẫn đến tắm suối và người dân vẫn cung cấp dịch vụ khiến công tác giải phóng mặt bằng càng gặp nhiều khó khăn hơn.
“Huyện đang rà soát và thẩm định lại phương án đền bù hỗ trợ cho các hộ kinh doanh chính và phụ, đồng thời sẽ tuyên truyền và đối thoại để người dân hiểu và tạo điều kiện cho dự án triển khai sớm…”- ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết.
Dự án khác cũng gặp vướng mắc là tại đường phía đông đầm Lập An. Hiện, vẫn còn 3 hộ chưa nhận đền bù bởi 3 hộ này không nhận đền bù do mức đền bù thấp hơn nhiều lần so với giá đất thị trường ở Lăng Cô hiện nay.
Một vướng mắc tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nhiều năm qua là tình trạng xây dựng nhà trái phép trên địa bàn. Lý do là các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô nằm trong quy hoạch nên khi xây dựng nhà chỉ cấp phép nhà tạm. Sau này, có dự án đến đầu tư, lúc thu hồi thì không được đền bù nhà tạm, điều này khiến nhiều hộ dân xây dựng nhà mà không xin phép, ảnh hưởng đến quản lý và bộ mặt đô thị…
Cần kịp tiến độ và đảm bảo lợi ích cho dân
Tại buổi làm việc với huyện Phú Lộc về tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện vừa diễn ra ngày 21/2 vừa rồi, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, giải phóng mặt bằng nhanh, kịp tiến độ để giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư là vấn đề quan trọng hàng đầu để các dự án triển khai, điều mà các cơ quan liên quan phải tập trung thực hiện.
Theo ông Thọ, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang có những dự án lớn, mang tầm quốc tế, trọng điểm của trọng điểm như Khu Liên hiệp sản xuất lắp ráp ô tô Kim Long Motos. Đây là thời cơ không thể tốt hơn để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà nói chung và huyện Phú Lộc nói riêng…
Tại cuộc làm việc, một thực tế được các cơ quan đưa ra là khi thu hút các dự án, hay quy hoạch để phát triển thì chưa đề cao đời sống và quyền lợi của người dân, do đó khi thực hiện gặp những khó khăn nhất định.
Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, quan điểm, định hướng của lãnh đạo tỉnh là dù có giải phóng mặt bằng, hay tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng quan trọng nhất vẫn là đảm bảo quyền lợi cho người dân. Công tác tái định cư phải đi trước một bước. Với những khu tái định cư, phải có vị trí thuận lợi, được đầu tư hạ tầng đồng bộ, những khu tái định cư phải là những khu dân cư mới, phát triển hơn, chứ không phải khi đến tái định cư khiến người dân khó khăn trong phát triển đời sống sau này.
“Huyện Phú Lộc phải quản lý đất trên địa bàn và quản lý phải theo quy hoạch. Hạn chế cấp phép những dự án có quy mô nhỏ, tầm 3 - 5 năm làm phá vỡ quy hoạch chung. Do đó, những dự án đầu tư phải có tầm chiến lược, nếu không vẫn để nguyên mặt bằng và thu hút những dự án tốt hơn sau này; yêu cầu huyện Phú Lộc, Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh và các sở, ban, ngành có sự phối hợp chặt chẽ hơn để công tác giải phóng mặt bằng cũng như quản lý đô thị trên địa bàn huyện Phú Lộc hiệu quả vả tiến độ cao nhất…” - ông Thọ nhấn mạnh.