Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và có thể xảy ra trên khắp các vùng miền trong cả nước, trong đó đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc; công tác phòng chống thiên tai (PCTT) cần được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cộng đồng và mỗi cá nhân.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, môi trường, các hoạt động kinh tế xã hội, Ban Chỉ đạo trung ương PCTT đã ban hành các Công văn số 115/TWPCTT ngày 02/8/2018 và số 408/TWPCTT-VP ngày 16/8/2018 về việc triển khai Kế hoạch kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương năm 2018.
Thực hiện sự phân công của Ban Chỉ đạo trung ương PCTT, Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Thứ trưởng Lê Công Thành làm trưởng đoàn, cùng với sự tham gia của các thành viên từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương PCTT, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương đã làm việc với 04 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai với mục đích trao đổi, thảo luận về tình hình, diễn biến thiên tai tại địa phương thời gian qua, phương án phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai tại địa phương hiện nay cũng như những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục.
Những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra
Báo cáo với đoàn kiểm tra, các địa phương cho biết, những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra từ năm 2017 đến nửa đầu 2018 là những con số đáng báo động khiến cho đời sống nhân nhân ở 04 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai bị xáo trộn và gặp nhiều khó khăn.
Tại Tuyên Quang, hàng năm đều chịu ảnh hưởng do thiên tai gây ra với các loại hình thiên tai xảy ra là: nắng nóng, hạn hán, mưa đá, gió lốc, gió lốc kèm sét, rét hại và ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa dẫn đến lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt dọc theo các khu vực thấp. Trong năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã có 17 đợt thiên tai (02 trận mưa kèm gió lốc, mưa đá; 15 trận mưa vừa, mưa to) 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 08 đợt thiên tai (07 trận mưa kèm gió lốc, mưa đá; 01 trận mưa vừa, mưa to) đặc biệt xảy ra đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 23-26/6/2018 kết hợp với lũ thượng nguồn sông Lô từ Hà Giang gây ngập lụt, lũ quét ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân. Theo báo cáo, thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2017: Tổng thiệt hại 33,604 tỷ đồng. Thiệt hại do thiên tai gây ra 2018: tổng thiệt hại 29,333 tỷ đồng.
Tại Hà Giang, trong 05 năm qua (từ 2014-2018), thiên tai làm 51 người chết, 42 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 1.330 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017, thiên tai làm 15 người chết; 1.335 nhà bị ảnh hưởng; hơn 2.414ha các loại cây trồng bị thiệt hại, hơn 1000 kg mạ, thóc giống... bị mất trắng, ngập úng; 29 điểm trường ảnh hưởng do sạt lở đất và một số thiệt hại khác; Các công trình công cộng như trạm y tế, các tuyến đường giao thông, thủy lợi, công trình nước sinh hoạt, các trụ sở, nhà công vụ, hội trường bị hư hỏng, tốc mái... Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2017 ước tính gần 300 tỷ đồng (chiếm 1,69% GDP của tỉnh).
Từ đầu năm 2018 đến nay, thiên tai làm 06 người chết; Số nhà bị ảnh hưởng 2.968 nhà; 37 trường và điểm trường học bị ảnh hưởng bởi đất đá tràn vào, tốc mái hư hỏng; 03 trạm tế bị hư hỏng; nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng do các diện tích canh tác hoa màu đều bị phá hỏng, gia súc gia cầm bị lũ cuốn trôi; Về giao thông: Quốc lộ 4C, Quốc lộ 34, Quốc lộ 279, Quốc lộ 280 và Đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú bị sạt lở đất đá hơn 14.000 m3; Đường tỉnh lộ, đường liên xã, coong trình thủy lợi, cầu, kè đều bị sạt lở ảnh hưởng nghiêm trong đến việc đi lại và cuộc sống của nhân dân. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính 260 tỷ đồng.
Tại Yên Bái, là một tỉnh miền núi địa hình phân cắt mạnh, núi cao sườn dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc nên thiên tai xảy ra rất phức tạp và bất thường. Nơi nào cũng có thể xảy ra gió xoáy, gió giật kèm theo mưa đá, thêm sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây thiệt hại đáng kể về người, tài sải của nhân dân và nhà nước.
Trong năm 2017, tỉnh Yên Bái đã thiệt hại khoảng 1.855 tỷ đồng do thiên tai. 8 tháng năm 2018 trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 13 đợt thiên tai, làm 17 người chết và mất tích, 23 người bị thương, hư hỏng 5.175 ngôi nhà; thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp; phá hủy trên nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật và nhiều tuyến đường giao thông, thủy lợi, thủy điện… Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng trên 969 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tình hình thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp và mang tính đặc thù như: Rét đậm, rét hại xảy ra vào đầu năm; mưa đá, dông lốc, sét đánh xảy ra vào thời điểm giao mùa trung tuần tháng 3 đến tháng 5; mưa lớn, lũ, sạt lở đất xảy ra từ đầu tháng 6 - 9. Nhìn chung các đợt thiên tai diễn ra phức tạp, khó lường, gia tăng cả về số lượng và mức độ thiệt hại.
Trong năm 2017, Lào Cai bị thiệt hại về người do thiên tai có 05 người chết do lũ cuốn; tổng số 3.992 nhà ở bị thiệt hại và ảnh hưởng trong đó có 288 nhà phải di dời khẩn cấp; Diện tích gieo trồng bị ảnh hưởng 1.123 ha; Thiệt hại về cơ sở hạ tầng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rất nhiều các cơ sở vật chất của nhà nước về Y tế, Văn Hóa, Giáo dục bị hư hỏng. Các công trình thủy lợi, kè, nước sạch nông thôn, các tuyến đường giao thông, thông tin liên lạc bị phá hủy, hỏng hóc; 06 công trình Quốc phòng; bờ suối biên giới sạt lở... Ước tổng giá trị thiệt hại năm 2017, là 658 tỷ đồng.
Trong năm 2018, Tình hình thời tiết khí hậu trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và mang tính đặc thù như: Rét đậm, rét hại; Mưa lớn trên diện rộng kèm theo dông, lốc đã gây thiệt hại về người, nhà ở, tài sản, sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Ước thiệt hại 7 tháng đầu năm 2018: Trên 582,747 tỷ đồng
Trung ương - Địa phương cùng nhìn nhận, đánh giá và đưa ra những giải pháp tối ưu
Đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành làm trưởng đoàn đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về tình hình thực tiễn tại các địa phương. Trong các cuộc làm việc, đi kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Lê Công Thành cùng các thành viên trong đoàn từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương PCTT, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương báo cáo và làm rõ những yêu cầu của đoàn trong các công tác: Xây dựng, rà soát, cập nhật, bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; Công tác chuẩn bị, phương án phòng chống thiên tai tại địa phương; Công tác phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, nhất là các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại.
Báo cáo về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Công tác khắc phục, tái thiết sau thiên tai, đặc biệt là công tác khắc phục hậu quả mưa lũ; Công tác kiện toàn, phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp năm 2018.
Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng đề nghị địa phương báo cáo về việc xây dựng củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở (xã, thôn, bản); triển khai thực hiện tiêu chí đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ trong xây dựng nông thôn mới; Việc thành lập, thu và sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai; Công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai.
Đoàn kiểm tra cũng đề nghị địa phương trao đổi nội dung triển khai thi hành Luật KTTV của địa phương; Công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Việc thực hiện các nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Điều 34 Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; việc điều tiết, vận hành và cung cấp thông tin của chủ các công trình hồ chứa phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống lũ cho hạ du được quy định tại Điều 35 Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg.
Trong công tác kiểm tra, Đoàn cũng đề nghị địa phương làm rõ công tác Kiểm tra việc quan trắc KTTV, kiểm định an toàn đập và các phương án: bảo đảm an toàn đập trong mùa lũ, phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập để chủ động đối phó với tình huống ngập lụt do xả lũ khẩn cấp hoặc tình huống vỡ đập, nhằm bảo vệ tính mạng của nhân dân và giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản vùng hạ du đập; Kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật; Kiểm tra việc lập danh mục công trình và chủ công trình phải tổ chức quan trắc KTTV của Bộ, ngành, địa phương; việc tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn của chủ công trình theo quy định.
Công tác phòng chống thiên tai cần được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cộng đồng và mỗi cá nhân.
Thay mặt Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, công tác phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả, đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế do một số bộ phận chính quyền, người dân nhận thức còn hạn chế nên chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác này; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn hạn chế, năng lực ứng phó của lực lượng phòng chống thiên tai với một số tình huống thiên tai lớn còn bất cập, lúng túng.
Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao sự chủ động, tích cực và những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các địa phương trong thời gian qua, góp phần giảm thiểu đáng kể những hậu quả thiệt hại đối với người dân và phát triển kinh tế trên địa bàn.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện tốt công tác quan trắc khí tượng thủy văn, kiểm định an toàn đập và các phương án bảo đảm an toàn đập trong mùa lũ, phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du, tập trung, huy động các nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai đã gây ra, huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Thứ trưởng đề nghị phải tăng cường xây dựng lực lượng xung kích phát triển hơn nữa bởi lực lượng này có vai trò quan trọng trong công tác bốn tại chỗ để địa phương có thể tự chủ động ứng phó với những diễn biến thất thường do thiên tai gây ra. Phải tăng cường năng lực, kiến thức chung cho các lực lượng tại chỗ để tự nhận biết, đánh giá và chủ động ứng phó tránh phụ thuộc vào sự cứu trợ từ xa.
Để công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị các địa phương cần triển khai có hiệu quả các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ thủy điện vừa và nhỏ. Các nhà máy thủy điện nên thống nhất một cơ sở dữ liệu chung về các số liệu quan trắc nước, khí hậu để tỉnh có thể kiểm soát và nắm bắt được thông tin các số liệu và điều phối chung.
Thông tin liên lạc cũng cần phải đảm bảo, Thứ trưởng sẽ kiến nghị với Trung ương để phối hợp với ngành viễn thông tìm ra những phương tiện thông tin liên lạc phù hợp trong mùa mưa bão.
Địa phương cần thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với thiên tai đến cấp thôn, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống sản xuất tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai. Công tác di dân và tái định cư cũng phải được quan tâm và có những kế hoạch dài hạn để đồng bào vùng cao có thể tin tưởng và theo những định hướng của tỉnh và địa phương.
Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các tỉnh quan tâm hơn đến bản tin dự báo dài hạn, dự báo mùa của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương để có định hướng phù hợp trong công tác phòng chống thiên tai hàng năm; Đặc biệt, các địa phương trong khu vực cần học hỏi các kinh nghiệm phòng chống thiên tai của các tỉnh trong khu vực.
Với công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nội dung PCTT phải được đưa vào quy hoạch, kế hoạch của tất cả các Sở, ban, ngành, cơ quan ở địa phương, với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo cả cộng đồng được an toàn trước thiên tai.