Đắk Nông: Tháo gỡ khó khăn trong việc trồng rừng thay thế

05/09/2016 00:00

(TN&MT) - Trong quá trình triển khai, công tác trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện của Đắk Nông gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề quỹ đất “sạch”. Theo một số đơn vị nhận trồng rừng thay thế và ngành chức năng, nếu cả hệ thống chính trị không vào cuộc quyết liệt, kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2016 tại tỉnh rất khó để hoàn thành.

Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng và người dân tham gia phát dọn, trồng rừng thay thế
Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng và người dân tham gia phát dọn, trồng rừng thay thế

Nhiều đơn vị không thực hiện

Thực hiện kế hoạch của Bộ NN&PTNT, đầu năm 2014, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định về việc thực hiện trồng hơn 3.000ha rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển sang xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn. Nhưng trong 2 năm 2014 và 2015, toàn tỉnh chỉ trồng được gần 500ha rừng, quá chậm so với tiến độ đề ra.

Theo Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông, trong năm 2016, toàn tỉnh phải hoàn thành việc trồng 2.674ha rừng thay thế tại các dự án thủy điện. Để đẩy nhanh tiến độ, Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông đã đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông thành lập Ban Chỉ huy trồng rừng thay thế, xây dựng kế hoạch và giao cho 22 đơn vị là các Ban Quản lý rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp… thực hiện. Nhưng đến giữa tháng 8/2015, toàn tỉnh mới chỉ trồng được gần 1.000ha rừng thay thế, đạt hơn 35% tiến độ.

Trong số các đơn vị được giao nhiệm vụ, nhiều đơn vị đã hoàn thành việc trồng rừng thay thế sớm hơn kế hoạch đề ra như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (gần 264ha), Cty CP Nông lâm nghiệp Trường Thành (300ha), Cty CP Tập đoàn Tân Mai (153ha)… Phần lớn các đơn vị đã triển khai công tác trồng rừng thay thế nhưng cá biệt có một số đơn vị như: Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung… nhận kế hoạch trồng rừng nhưng chưa chịu triển khai.

Tranh chấp đất rừng “leo thang”

Sau khi nhận kế hoạch, một số đơn vị đã ra sức đẩy nhanh tiến độ trồng rừng thay thế để sớm hoàn thành. Nhưng trong quá trình triển khai, việc trồng rừng lại “vướng” khi nhiều diện tích được quy hoạch để trồng rừng đã bị người dân lấn chiếm để trồng cây công nghiệp, cây ngắn ngày. Từ đó xảy ra tình trạng bất hợp tác, tranh chấp và thậm chí là xô xát giữa người dân và đơn vị thực hiện trồng rừng thay thế.

Theo ông Nguyễn Đức Vượng - Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Gia Phát: Đơn vị được giao trồng 400ha rừng thay thế tại Tiểu khu 1260 (thuộc xã Buôn Chóa, huyện Krông Nô) và hiện đã trồng được khoảng 60ha. Mặc dù công ty đã mua hàng ngàn cây giống và điều động cả trăm công nhân thực hiện, nhưng việc trồng rừng hiện không thể triển khai vì quỹ đất bị người dân lấn chiếm. Không chỉ tranh chấp đất, nhiều người dân địa phương còn tham gia phá những diện tích rừng mới trồng và đe dọa công nhân trồng rừng.

Vào tháng 6/2016, 15ha cây muồng sau khi công ty trồng đã bị người dân nhổ bỏ hoặc phun thuốc diệt cỏ làm cây chết. Không dừng lại ở đó, nhiều đối tượng còn đe dọa, thậm chí xô xát với công nhân trồng rừng. “Cách đây ít hôm, có đối tượng còn cầm dao đuổi theo đòi chém công nhân trồng rừng của chúng tôi khiến họ rất hoang mang, lo lắng. Ngoài những diện tích trồng được, đơn vị không thể triển khai vì người dân quá manh động. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương và các ngành chức năng vào cuộc một cách quyết liệt để chúng tôi có thể hoàn thành kế hoạch được giao” - ông Vượng chia sẻ.

Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (thuộc Sở NN&PTNT Đắk Nông), số tiền trồng rừng thay thế khá lớn nên nhiều chủ dự án thủy điện gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí được kinh phí để nộp vào quỹ. Tính đến đầu tháng 8/2016, Quỹ mới chỉ thu được gần 64 tỷ đồng trong tổng số gần 260 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế. Đơn vị phải trồng lại rừng nhiều nhất là Công ty Thủy điện Đồng Nai (chủ dự án NMTĐ Đồng Nai 3&4) với tổng diện tích phải trồng lại là gần 2.700ha, tổng kinh phí hơn 210 tỷ đồng nhưng mới chỉ nộp được hơn 50 tỷ (25%). Cá biệt nhất là chủ dự án NMTĐ Đồng Nai 5 (BQL Dự án thủy điện Đồng Nai 5), đơn vị này phải nộp gần 21 tỷ đồng để trồng lại 213ha rừng thay thế nhưng từ khi triển khai đến nay, đơn vị này không trồng được diện tích rừng nào và cũng chẳng hề nộp tiền để trồng lại rừng.

Ông Nguyễn Quân Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông, chia sẻ: “Việc các chủ dự án thủy điện ì ạch nộp tiền đã làm cho công tác bố trí vốn cho các đơn vị nhận trồng rừng thay thế gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình trạng di cư tự do vào tỉnh trong những năm qua tăng đột biến nên nhiều diện tích được bố trí trồng rừng thay thế đã bị người dân xâm canh. Tình trạng các đơn vị đã thực hiện trồng rừng xong nhưng bị người dân sống gần rừng phá để lấy đất canh tác vẫn còn diễn ra.

Cũng theo ông Trường, hiện đã là thời điểm gần cuối vụ trồng rừng. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc để tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý đất lâm nghiệp bị xâm canh. “Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng và đồng thuận với chính sách trồng rừng, chính quyền cũng cần có những chế tài mạnh khi có đối tượng cố tình chống phá. Đối với những đơn vị có diện tích được giao lớn, nếu không chịu triển khai trồng rừng theo kế hoạch thì chúng tôi sẽ bố trí cho đơn vị khác” - ông Trường nói.

Lê Phước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Tháo gỡ khó khăn trong việc trồng rừng thay thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO