Phân cấp rõ ràng để quản lý hiệu quả
Theo Quy chế ban hành, đối với cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN&MT) là 2 đơn vị đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin. Còn ở địa phương, UBND các huyện, thị xã và phòng chuyên môn (Phòng TN&MT) có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin. Đường dây nóng 2 cấp tiếp nhận các thông tin phản ánh liên quan đến: Tố giác, phản ánh các hành vi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường; hiện tượng suy thoái hoặc biến đổi môi trường (đất, nước, không khí) do các hoạt động xả thải; thông tin phản ánh hàng ngày trên các phương tiện truyền thông về các vụ việc, hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền cung cấp thông tin nếu phát hiện các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Cơ quan nhận thông tin có nhiệm vụ bảo đảm giữ bí mật về danh tính, số điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh của các tổ chức, cá nhân phản ánh thông tin. Hệ thống đường dây nóng phải hoạt động thông suốt, tiếp nhận thông tin liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần (bao gồm cả ngày nghỉ và ngày lễ). Thông tin sau khi tiếp nhận sẽ được thông báo đến các cá nhân, tổ chức có liên quan thông qua các hình thức như: Điện thoại, thông tin trực tiếp, hộp thư điện tử và bằng văn bản…
Trong quy chế này, Sở TN&MT có trách nhiệm là đầu mối theo dõi, kiểm tra việc thực hiện tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của cộng đồng và báo chí về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT tổng hợp thông tin, báo cáo kết quả thực hiện việc giải quyết các thông tin, phản ánh, kiến nghị cho UBND tỉnh và Bộ TN&MT theo tháng, quý, năm. Chi cục Bảo vệ môi trường có nhiệm vụ phân công cán bộ đủ năng lực, đề xuất kinh phí (đối với tỉnh) mua sắm trang thiết bị vận hành, quản lý đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của các tổ chức cá nhân. UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức, vận hành đường dây nóng và lập hệ thống xác minh thông tin đến xã, phường, thị trấn nhằm tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
Nhanh chóng xử lý những sự cố môi trường
Cùng với việc công bố đường dây nóng, UBND tỉnh Đắk Nông cũng ban hành Quy chế hoạt động đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin qua phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm trên địa bàn. Cụ thể, sau khi tiếp nhận thông tin, các cơ quan chuyên môn có chức năng xác minh xem đó là hành vi gây ô nhiễm môi trường hay sự cố về môi trường. Nếu trường hợp, hành vi gây ô nhiễm môi trường thì cơ quan chức năng phải lập biên bản hiện trạng, xử lý theo thẩm quyền. Còn nếu đó là sự cố môi trường, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác định quy mô sự cố và có phương án xử lý theo thẩm quyền. Cơ quan chức năng có trách nhiệm công khai kết quả xác minh, xử lý các vụ việc phản ánh.
Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, việc ban hành Quy chế hoạt động đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân nhằm phát huy vai trò giám sát của cộng đồng đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Qua những tin báo kịp thời, nhanh chóng qua đường dây nóng, cơ quan quản lý sẽ có những biện pháp xử lý vi phạm, khắc phục các sự cố để giảm thiểu và tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác ứng phó, xử lý ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, Quy chế này nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo cơ quan và nâng cao trách nhiệm chuyên môn trong việc tiếp nhận và xử lý các thông tin, phản ánh của công dân, tổ chức liên quan đến các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.