Đắk Nông: Rừng nguyên sinh bị phá

20/06/2017 00:00

(TN&MT) - Rừng nguyên sinh tỉnh Đắk Nông đang bị tàn phá và suy giảm mạnh cả về diện tích lẫn chất lượng rừng. Tình trạng lâm tặc vào rừng chặt phá rừng lấy gỗ trục lợi bất chính, người dân vào phá, lấn chiếm lấy đất làm nương rẫy diễn ra tràn lan. Một trong những nguyên nhân được UBND tỉnh Đắk Nông xác định là có sự tiếp tay, chống lưng của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước nên mới diễn ra phổ biến như vậy.

Đến Đắk Nông, hình ảnh dễ nhận thấy nhất là những cánh rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đang bị chặt phá nham nhở. Gỗ có giá trị được đưa đi bán trục lợi, còn đất thì bị lấn chiếm sang nhượng trái phép trồng cây nông nghiệp. Hàng nghìn ha rừng đã và đang bị tàn phá không thương tiếc.

Chủ rừng bất lực

Thực hiện theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp vào tháng 4 năm 2016. Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn (cty Quảng Sơn), huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông có 9.120,5ha rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời sẽ tiếp nhận 1.217,5 ha từ công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Đức giải thể, nâng tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp cty Quảng Sơn quản lý là 10.338ha. Thế nhưng chỉ sau 1 năm sắp xếp lại, tình trạng rừng bị tàn phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm diễn ra phổ biến.

Ông Đỗ Ngọc Hiếu - Chủ tịch xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông (trái) khẳng định xã mới nghe thông tin là có bán đất lâm nghiệp chứ thực hư không rõ.
Ông Đỗ Ngọc Hiếu - Chủ tịch xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông (trái) khẳng định xã mới nghe thông tin là có bán đất lâm nghiệp chứ thực hư không rõ.

Theo báo cáo số: 25, ngày 08 tháng 02 năm 2017 của cty Quảng Sơn do ông Đinh Văn Quý - Chủ tịch hội đồng thành viên công ty ký, về công tác quản lý bảo vệ rừng cho thấy: Từ ngày 19/01/2017 đến ngày 06/02/2017 trên diện tích công ty quản lý đã xảy ra 05 vụ phá rừng với diện tích 7,52 ha, mức độ thiệt hại rừng là 100%. Các vụ phá rừng đều không bắt được đối tượng.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường ông Đinh Văn Quý - Chủ tịch hội đồng thành viên Cty Quảng Sơn cho biết: Riêng ngày 06 tháng 02 năm 2017, trực tiếp ông đã phối hợp với Chủ tịch UBND và công chức địa chính - xây dựng, Phó Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong đã tổ chức tuần tra phát hiện và lập biên bản một vụ phá rừng thuộc Lô 51a, Khoảnh 1, tiểu khu 1680 do Công ty quản lý với diện tích 4,5 ha, mức độ thiệt hại 100%. Sau đó, đã tổ chức mật phục bắt được đối tượng tên là Hồ Văn Điệp, thường trú tại thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong dùng cưa máy xăng tiếp tục đốn hạ rừng mở rộng diện tích. Sau đó đã giao đối tượng Điệp cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Ông Đinh Văn Quý (áo đen) khẳng định: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn bất lực trước nạn phá rừng và lấn chiếm, sang nhượng đất lâm nghiệp.
Ông Đinh Văn Quý (bìa phải, áo đen) khẳng định: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn bất lực trước nạn phá rừng và lấn chiếm, sang nhượng đất lâm nghiệp.

Hay mới đây là vụ người dân ngang nhiên vào rừng thuộc Công ty TNHH MTV Đắk N’tao để chặt phá. Những cánh rừng nguyên sinh đã bị các lâm tặc chặt phá không thương tiếc. Việc chặt phá rừng với 2 mục đích là lấy gỗ để trục lợi bất chính và lấn chiếm đất để trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp. Sau những cánh rừng bị tàn phá là rẫy cà phê, hồ tiêu mọc lên. Điều đáng nói là nạn chặt phá rừng diễn ra công khai, giữa ban ngày. Các đối tượng xâm hại rừng còn mở đường mòn từ đường nhựa vào để triệt phá rừng. Bên ngoài cánh rừng xanh tốt làm vỏ bọc cho đại công trường phá rừng lấy gỗ trục lợi bất chính và lấn chiếm đất làm nương rẫy.

Hay tại khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung cũng rơi vào cảnh tương tự với nạn xâm hại rừng lấy gỗ trục lợi bất chính và lấn chiếm đất rừng làm nương hãy. Thực trạng này không chỉ xảy ra tại huyện Đắk Glong, Đắk Song mà còn diễn ra trên nhiều địa bàn khác trong tỉnh Đắk Nông.

Xẻ thịt đất dự án

Nạn xâm hại rừng, đất rừng không chỉ xuất phát từ nguyên nhân khách quan bên ngoài do bị lâm tặc chặt phá, hay người dân lấn chiếm đất mà còn do ý chí chủ quan của chủ dự án, chủ rừng. Trong đó, nổi cộm lên là rừng và đất lâm nghiệp mà UBND tỉnh Đắk Nông đã cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thuê để thực hiện các dự án khoanh nuôi bảo vệ phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế.

Nổi lên là vụ Công ty TNHH thương mại Nguyên Vũ (công ty của gia đình ông Lương Ngọc Lếp - Nguyên phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông do bà Nguyễn Thị Kim Thoa vợ ông Lếp làm chủ) đã ngang nhiên xẻ thịt đất dự án đã được UBND tỉnh Đắk cho thuê để trục lợi hàng tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho Công ty TNHH thương mại Nguyên Vũ thuê hơn 162ha rừng, đất lâm nghiệp để thực hiện dự án chăm sóc bảo vệ phát triển rừng và khai thác đất lâm nghiệp sản xuất phát triển kinh tế dọc theo Quốc lộ 28. Hiện trạng thời điểm giao đất, giao rừng gồm: đất có rừng trồng cây gỗ thông 156,95 ha, đất có cây gỗ tái sinh 0,69 ha, đất không có cây gỗ tái sinh 2,21 ha, đất có cây thông bị chết 1,5 ha, đất trồng keo 1,5 ha,…

Rừng thông được UBND tỉnh Đắk Nông cho công ty TNHH thương mại Nguyên Vũ thuê đang bị tàn phá công khai cả quản đồi làm thông chết hàng loạt.
Rừng thông được UBND tỉnh Đắk Nông cho Công ty TNHH thương mại Nguyên Vũ thuê đang bị tàn phá công khai cả quản đồi làm thông chết hàng loạt.

Tại báo cáo số 1012/BC-SNN ngày 02/6/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông kiểm tra, tổng diện tích đất rừng bị biến động so với thời điểm bàn giao cho TNHH thương mại Nguyên Vũ là 26,23 ha, trong đó: diện tích rừng trồng keo giảm 1,5 ha, nguyên nhân do bị nhổ bỏ để lấn chiếm trồng cây công nghiệp; diện tích rừng trồng thông giảm 24,7 ha, nguyên nhân do bị ken cây đổ hóa chất, cưa ½ thân cây thông để cây tự chết, có nơi, rừng thông chết nguyên cả đồi.

Trong khi rừng bị tàn phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, sang nhượng trái phép như vậy nhưng tại thời điểm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông kiểm tra, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong, UBND xã Quảng Sơn và chủ rừng chưa cung cấp được hồ sơ liên quan đến công tác xử lý các vụ vi phạm trên diện tích rừng do công ty TNHH thương mại Nguyên Vũ đang quản lý.

Không chỉ thế mà trên một số dự án sau khi được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê rừng, đất lâm nghiệp để thực hiện các dự án khoanh nuôi bảo vệ và phá triển rừng, gắn với phát triển kinh tế trên đất lâm nghiệp theo đề án đã được phê duyệt nhưng đang để rừng bị tàn phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, mua bán trái phép diễn ra phổ biến. Vậy là các dự án sau khi cho thuê rừng, đất lâm nghiệp chẳng những rừng không được bảo vệ mà còn bị mất nhanh hơn và thay vào đó là những rẫy cà phê, hồ tiêu … các chủ dự án tự biến rừng, đất lâm nghiệp thành đất sản xuất nông nghiệp như nơi không có ai quản lý./.

Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Rừng nguyên sinh bị phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO