Đắk Nông: Mưa lớn kéo dài gây ngập úng và sạt lở nghiêm trọng ở nhiều địa phương
(TN&MT) - Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của thời tiết mưa kéo dài với lượng mưa rất lớn nên nhiều địa phương của tỉnh Đắk Nông đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, nhiều nhà cửa, hoa màu, đường giao thông bị ngập sâu, có nhiều địa phương xuất hiện tình trạng sạt lở đất.
Nhiều nhà cửa, hoa màu bị nhấn chìm
Qua thống kê sơ bộ đến sáng 2/8, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có hơn 100 ngôi nhà bị ngập. Trong đó, địa bàn TP. Gia Nghĩa có gần 70 ngôi nhà, có 10 vị trí bị sạt lở, có 45 hộ bị ngập áo cá với diện tich 45ha, hơn 50ha cây ăn trái, cà phê bị ngập từ 30 -70%. Mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở, 25 hộ dân ở xã Đắk R'măng (H.Đắk Glong) bị chia cắt, cô lập do tuyến đường liên xã bị ngập.
Đặc biệt, đêm 31/7 đến rạng sáng ngày 1/8 tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức đã phát tiếng nỗ lớn mặt đất xuất hiện nhiều vết nứt gãy. Chính quyền địa phương cũng đã tức tốc di dời 17 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm này. Các vết nứt có chiều dài khoảng 200m, rộng tầm 10-15cm. Chính quyền địa phương nhận định, các vết nứt này có nguy cơ gây sạt lở cao, đe dọa sự an toàn của 17 hộ, với 53 nhân khẩu. Đến sáng 2/8, các vết nứt tiếp tục lan rộng và có hiện tượng trụt đất. Qua quan sát, khu vực này nằm tiếp giáp với hồ thuỷ lợi phục vụ trữ nước để người dân tưới tiêu trong mùa khô.
Cùng với đó, mưa lớn kéo dài cũng đã gây ngập và làm sạt lở nhiều tuyến đường giao thông tại một số địa phương trong tỉnh Đắk Nông. Trong đó, tại huyện Đắk R'lấp, nhiều tuyến đường giao thông tại xã Nhân Cơ bị sạt lở hư hỏng; mưa lớn làm trôi một cây cầu giao thông ở xã Kiến Thành; nhiều nhà dân ở thị trấn Kiến Đức cũng bị sạt lở.
Ngoài ra, mưa nặng hạt và kéo dài nên lưu lượng nước ở các hồ chứa nước đang lên rất nhanh, kèm theo đó là lưu lượng nước ở các khu vực đồi đốc cũng đang đổ về phía hạ du ngày một nhiều khiến việc sói lở ở các hệ thống tuyến đường này ngày một nghiêm trọng. Mới đây nhất, mưa lớn cũng đã làm sạt lở hai nhà máy thuỷ điện trên địa bàn TP. Gia Nghĩa phải tạm dừng hoạt động để khắc phục.
Cụ thể, tại Nhà máy thuỷ điện Đắk Nông 2 (Công ty CP Thủy điện Á Đông), trạm biến áp đặt cạnh dòng suối đã bị xói lở móng. Một số đế chân bị dòng nước cuốn trôi hoặc xô đổ. Nhiều thiết bị điện hư hỏng, ngập nước. Cách đó không xa, trong khuôn viên của Nhà máy thủy điện Đắk R’tih - bậc trên (Công ty CP Thủy điện Đắk R’Tih) cũng đã bị xói lở. Hàng trăm mét vuông nền sân cạnh dòng suối đã bị nước cuốn trôi. Dòng nước lớn cũng gây xói lở sát Nhà máy này.
Bên cạnh đó, con đường nhựa dẫn xuống 2 Nhà máy thủy điện cũng bị ảnh hưởng bởi nước lũ, trong đó, một đoạn đường nhựa dài khoảng 10m cạnh bờ suối bị nứt toác, nguy cơ cao bị sạt lở xuống suối. Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, sáng 31/7, Sở Công Thương đã xuống kiểm tra thực tế tại 2 Nhà máy thủy điện. Qua đánh giá sơ bộ tình hình, Sở Công Thương đã yêu cầu Nhà máy thủy điện Đắk Nông 2 cắt điện, tạm ngừng hoạt động. Riêng Nhà máy thủy điện Đắk R’tih (bậc trên) vẫn có thể hoạt động bình thường.
Sở Công Thương Đắk Nông đã chỉ đạo Công ty Điện lực Đắk Nông và các đơn vị liên quan khắc phục sự cố tại 2 Nhà máy thủy điện. Trong ngày 31/7, hàng chục nhân lực đã có mặt tại hiện trường để tháo dỡ một số hạng mục tại trạm biến áp. Cả 2 Nhà máy thủy điện này đều đặt trên địa phận phường Nghĩa Tân (thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Nhà máy thủy điện Đắk Nông 2 có công suất gần 16MW, là một dự án thủy điện nhỏ đặt trên suối Đắk Nông. Nhà máy thủy điện Đắk R’tih (bậc trên) có công suất 82MW, nằm trong dự án Nhà máy thủy điện Đắk R’tih, với tổng công suất 148MW.
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ và 3 sẵn sàng”
Trước tình trạng mưa lớn kéo dài gây nhiều thiệt hại như những ngày vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Lê Trọng Yên đã trực tiếp đến hiện trường nhiều địa phương để nắm tình hình và chỉ đạo cụ thể cũng như động viên cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ khắc phục và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Ông Lê Trọng Yên cũng yêu cầu: UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng. Đồng thời, phải có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.
UBND tỉnh Đắk Nông còn yêu cầu các xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”; triển khai lực lượng xung kích rà soát, kiểm tra các khu vực ven sông, suối, khu vực trũng, thấp có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; khơi thông dòng chảy các sông, suối; xử lý nghiêm các trường hợp lần chiếm hành lang thoát lũ; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật về an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương xử lý, khắc phục ngay các vị trí bị sạt lở, ngập sâu; kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính.
Cùng với đó, Sở TN&MT theo dõi, giám sát, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là mưa lũ, sạt lở đất; cung cấp kịp thời thông tin về thời tiết, thiên tai, nguy cơ sạt lở để phục vụ công tác ứng phó. Còn Sở NN&PTNT, Sở Công Thương thì chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn cho công trình hồ, đập thuỷ lợi, thuỷ điện theo chức năng quản lý nhà nước được giao.
Song song đó, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai công tác phòng, chống thiên tai và đảm bảo an toàn cho lực lượng, công trình thuộc trách nhiệm quản lý; bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao hoặc xảy ra sạt lở; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra.
Riêng các đơn vị quản lý hồ đập thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh thì tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến mưa lũ, thời tiết; thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.