Đắk Nông: Cần sớm có những biện pháp cấp thiết để khai thác tài nguyên bền vững, hiệu quả

21/04/2018 21:30

(TN&MT) - Đắk Nông là một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi lớn về các nguồn tài nguyên thiên nhiên như tài nguyên đất màu mỡ, tài...

 

(TN&MT) - Đắk Nông là một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi lớn về các nguồn tài nguyên thiên nhiên như tài nguyên đất màu mỡ, tài nguyên khoáng sản dồi dào với nhiều loại quý hiếm…Tuy nhiên, do lợi nhuận kinh tế từ các nguồn tài nguyên này mang lại quá lớn nên từ nhiều năm nay các cá nhân, tổ chức, đơn vị đã lợi dụng chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh để thực hiện việc khai thác một cách vô tội vạ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc và hậu quả gây thất thoát tài nguyên đất nước ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân.
 

Các tàu tập kết để khai thác cát trên sông Krông Nô
Các  tàu tập kết để khai thác cát trên sông Krông Nô

Nguồn khoáng sản dồi dào

Theo các nhà địa chất, Đắk Nông có nguồn khoáng sản kim loại và phi kim khá phong phú được phân bố trên diện rộng. Trong đó, tập trung nhiều nhất là khoáng sản bauxit với trữ lượng hàng tỉ tấn được phân bố thành những mỏ lớn ở thị xã Gia Nghĩa, các huyện Đắk Song, Đắk R’lấp, Đắk Glong và Tuy Đức (Đắk Nông).

Ngoài ra, vùng đất này còn được thiên nhiên ban tặng nhiều khoáng sản khác như Vônfram, ăngtimoan phân bố trong diện hẹp; các loại vàng sa khoáng, đá quý phân bố ở một số địa phương với quy mô mỏ nhỏ và điểm khoáng. Các loại khoáng sản phi kim gồm các loại đá: Bazan, Granit, khoáng vật thạch anh, cao lanh, các loại đá xây dựng, sét, cát, than bùn…

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, đến nay công tác điều tra, đánh giá và lập bản đồ địa chất khoáng sản tập trung chủ yếu nhóm khoáng sản quặng bauxít và quặng sắt laterit còn các khoáng sản khác vẫn chưa được quan tâm. Vì vậy, tỉnh vẫn chưa đánh giá một cách đầy đủ về trữ lượng và chất lượng các loại tài nguyên và cũng chưa quy hoạch được các vùng khai thác khoáng sản.
 

Diện tích rừng bán ngập tại khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thuộc huyện Đắk G’Long được ví như Vịnh Hạ Long thứ hai
Diện tích rừng bán ngập tại khu bảo tồn Nâm Nung thuộc huyện Đắk G’Long được ví như Vịnh Hạ Long thứ hai

Lạm dụng khai thác nguồn tài nguyên

Tính đến thời điểm này, UBND tỉnh đã cấp 42 giấy phép khai thác khoáng sản (chủ yếu là đá, cát xây dựng và một số kim loại thông thường) trên địa bàn cho 38 doanh nghiệp để khai thác. Tuy nhiên, trong đó có nhiều đơn vị lợi dụng việc được cấp phép để lạm dụng khai thác vô tội vạ nguồn tài nguyên làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường cũng như đời sống của bà con nông dân.

Điển hình như việc nhiều cái nhân, tổ chức khai thác cát với quy mô lớn, thiếu quy hoạch và thời gian khai thác kéo dài nên nhiều đoạn dọc bờ sông Krông Nô bị sạt lở nghiêm trọng, diện tích đất canh tác và cây rừng bị hủy hoại, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng như quá trình canh tác nông nghiệp của bà con nông dân hai bên bờ sông.

Theo số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Nô, tính đến thời điểm này có 19 điểm dọc tuyến sông Krông Nô thường xuyên bị sạt lở và kéo dài từ nhiều năm này. Tính riêng từ năm 2014 đến nay có hơn 60 hecta đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp với hơn 150 hộ dân thuộc 5 xã  bị ảnh hưởng. Trong đó, có 3 xã bị nặng là Đắk Nang, Đức Xuyên và Nâm N’Đir huyện Krông Nô.

Chia sẻ với PV, ông Đặng Xong, trú tại thôn Xuyên Hà, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra từ năm 2009 và kéo dài cho đến nay, mỗi năm diện tích đất của gia đình lại càng thu hẹp lại vì bị lún xuống sông hết. Trước năm 2009, gia đình tôi có hơn 3hecta trồng cà phê đang trong giai đoạn thu hoạch với sản lượng 5tấn/hecta nhưng đến nay chỉ còn gần 1,6hecta thôi”.
 

Nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân dọc bờ sông Krông Nô bị sạt lở nghiêm trọng
Nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân dọc bờ sông Krông Nô bị sạt lở nghiêm trọng

Theo lãnh đạo huyện Krông Nô, thời gian qua, trên sông Krông Nô có 9 cá nhân, tổ chức đã hoạt động khai thác cát xây dựng. Trong đó, có 3 tổ chức khai thác có phép, còn 6 tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép từ năm 2014. Chính tình trạng này, đã khiến bờ sông bị sạt lở  và ngày một ăn sâu vào bờ từ 30m cách đây 10 năm và đến nay đã mở rộng ra 100m, lòng sông bị biến dạng, những bụi tre, bãi ngô, vườn cà phê của bà con cứ dần bị thu hẹp lại.

Bên cạnh đó, tình trạng khai thác các loại đá cũng diễn ra hết sức phức tạp. Tiêu biểu như mỏ đá ở thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) nằm ngay trong quần thể du lịch thác Cột Đá và mỏ đá ở thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) thường xuyên bị khai thác trái phép gây bức xúc đối với người dân địa phương.

Trong nhiều năm, vấn nạn khai thác vàng sa khoáng khá phổ biến tại các xã vùng sâu của huyện Đắk Glong như Đắk R’măng, Quảng Hòa. Việc đào bới tìm vàng gốc và đào đãi vàng sa khoáng ở những vùng này đã hủy hoại một số diện tích rừng, làm xói lở bờ sông suối, hủy hoại và thu hẹp đất canh tác nơi ven suối và các bãi bồi. Những tháng mùa khô, nguồn nước tại các khe suối bị ô nhiễm, không sử dụng cho việc tưới cà phê và các loại cây trồng. Những người đào vàng sử dụng máy múc, máy ủi và nhiều phương tiện để thực hiện hút cát, đào hầm xẻ núi tìm vàng khiến hàng chục ha rừng bị tàn phá.
 

Nhiều mỏ đá khai thác chưa đúng quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh
Nhiều mỏ đá khai thác chưa đúng quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh

Đẩy mạnh công tác phối hợp để xử lý vi phạm

Liên quan đến những vấn đề lạm dụng khai thác tài nguyên quá mức ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như điều kiện sống của người dân. Trong những năm qua lãnh đạo UBND tỉnh cũng như Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần triển khai các biện pháp tích cực. Cụ thể, như phối hợp với các lực lượng chức năng trong tỉnh và nhiều lần tổ chức họp với các lãnh đạo các tỉnh giáp ranh để cùng nhau tìm các phương pháp cốt yếu nhằm xử lý dứt điểm vấn nạn khai thác cát, đá, khai khoáng vàng…trái phép.

Theo ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông: Thời gian qua, công tác phối hợp giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk trong quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở khu vực sông Krông Nô, đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng 2 bên vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, việc phối hợp giữa lực lượng cảnh sát phòng chống về tội phạm môi trường giữa 2 tỉnh chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Hai tỉnh chưa tiến hành thông báo thường xuyên kết quả kiểm tra, tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô. Việc quản lý quy hoạch các bến bãi tập kết cát và cắm các biển cấm, tạm cấm khai thác trên địa bàn 2 tỉnh chưa được thực hiện đồng bộ. Hơn nữa, hai tỉnh chưa có kết quả về việc triển khai trong việc phối hợp thống nhất về màu sắc, biển số của các chủ tàu và thời gian được phép khai thác cát trên sông của các đơn vị đã được cấp phép.

Từ những bất cập trên, cuối tháng 11/2017, UBND 2 tỉnh đã tổ chức buổi làm việc nhằm tăng cường thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý khoáng sản và thống nhất xử lý tình trạng sạt lở 2 bên bờ sông Krông Nô. Tại buổi làm việc, 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã thống nhất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung đã trao đổi vào quy chế phối hợp. UBND 2 tỉnh đã trực tiếp giao Sở TN&MT 2 tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thiện các nội dung này trong tháng 12/2017.
 

1513329965 TRUNG SO TNMT (1)
Ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông


Cũng theo ông Đàm Quang Trung, trong thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông tiếp tục thực hiện việc phối kết hợp với các ngành chức năng liên quan trong tỉnh cùng thanh tra, kiểm tra, rà soát lại các hoạt động có phép và không phép của các cái nhân, doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh để chấn chỉnh và xử lý. Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về khai thác và không đảm bảo về công tác bảo vệ môi trường cũng như an toàn cho người dân xung quanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Cần sớm có những biện pháp cấp thiết để khai thác tài nguyên bền vững, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO