Đắk Lắk: "Tự ý" chặt hạ, di chuyển cây xanh trong trường học

29/03/2015 00:00

(TN&MT) - Mặc dù chưa được sự đồng ý của các cơ quan chức năng nhưng lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Trường Tộ và Trường Tiểu học Y Jút (ở xã Ea H'ding, huyện Cư...

 

(TN&MT) - Mặc dù chưa được sự đồng ý của các cơ quan chức năng nhưng lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Trường Tộ và Trường Tiểu học Y Jút (ở xã Ea H’ding, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) vẫn “tự ý” cho người chặt hạ, di chuyển nhiều cây xanh trong khuôn viên trường mình.

3 cây phượng vỹ khoảng 20 năm tuổi tại trường THCS Nguyễn Trường Tộ đã được đưa ra ngoài
3 cây phượng vỹ khoảng 20 năm tuổi tại trường THCS Nguyễn Trường Tộ đã được đưa ra ngoài

Vô tư chuyển đổi

Theo phản ánh của người dân, ngày 27/3, chúng tôi tìm về trường THCS Nguyễn Trường Tộ (ở xã Ea H’ding, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) để tìm hiểu về việc nhiều cây xanh trong khuôn viên 2 trường này “bỗng nhiên” biến mất. Giữa cái nắng chang chang, một nhóm học sinh đang dọn vệ sinh và tập kết rác, lá cây khô về 3 hố lớn nằm giữa sân trường để đốt. Một em học sinh chỉ tay về phía các hố, nói: “Trước đây, các hố đó là nơi sống của các cây phượng vỹ. Cách đây khoảng 1 tuần, cháu thấy người ta đưa máy móc đến đào, múc 3 cây phượng lên rồi chở đi”.

Ngoài giá trị cây cảnh, cây phượng vỹ còn là loại cây bóng mát và gắn liền với những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò. Cách đây khoảng 20 năm, các lãnh đạo thế hệ trước của trường THCS Nguyễn Trường Tộ (trước đó là trường cấp 1-2 Y Jút) đã lựa chọn và trồng các cây phượng vỹ trong khuôn viên nhà trường. Nhưng theo thầy Nguyễn Bình Xuyên (Phó Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Chi bộ Đảng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ), Ban giám hiệu (BGH) nhà trường cho rằng đây là loại cây mà mùa khô này rụng trơ trụi lá và nên ít bóng mát; mùa mưa tán phát triển mạnh khiến sân trường có cảm giác “rậm rạp”, tối, bẩn… nên đã có phương án thay thế bằng các loại cây khác. Vào năm 2014, phương án này được phần lớn các cán bộ, giáo viên trong trường thông qua trong kỳ họp Hội đồng nhưng kéo dài vì chưa tìm được người đào cây đưa đi.

“Cách đây khoảng 1 tuần, ông Hoàng (người cùng xã Ea H’ding, làm nghề mua bán cây cảnh) đồng ý tự bỏ kinh phí để đào, di chuyển các cây phượng này ra ngoài nên BGH nhà trường đã đồng ý dù chưa có ý kiến của Hội đồng. Sau đó, chúng tôi đã thông qua việc này và phần lớn các cán bộ, giáo viên trong trường đều đồng tình. Tới đây, chúng sẽ trồng mới các cây khác vào chính vị trí các cây phượng vỹ vừa đào” - ông Xuyên cho hay.

Các cây xà cừ bị chặt hạ tại trường Tiểu học Y Jút có đường kính từ 0,4 - 0,6m
Các cây xà cừ bị chặt hạ tại trường Tiểu học Y Jút có đường kính từ 0,4 - 0,6m

Tự ý chặt hạ

Liền kề với trường THCS Nguyễn Trường Tộ, trường Tiểu học Y Jút cũng vừa “dọn dẹp” 4 cây bóng mát trong khuôn viên nhà trường. Theo một số giáo viên, các cây vừa bị chặt được trồng các đây khoảng 20 năm, hiện tại đã có đường kính từ 40 - 60cm, cao từ 10 - 15m, có bóng tán lá rộng, bóng mát phủ dài khu vực sân thể dục của trường . Một giáo viên (xin giấu tên) trong trường bức xúc: “Giá trị của cây thì chúng tôi chưa nói tới, nhưng đây là công sức chăm sóc, bảo vệ của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh trong trường. Việc nhà trường đồng ý bán hoặc người lạ tự ý vào chặt hạ các cây trong trường mà không thông qua ý kiến của Hội đồng nhà trường, chúng tôi nhất quyết không đồng tình”.

Theo thầy Y Dhĩu Ktla (Hiệu trưởng), vào tháng 8/2014, BGH nhà trường đã tổ chức cuộc họp đầu năm và thống nhất với kế toán, Hội Phụ huynh học sinh sẽ cắt 3 cây xà cừ sát tường rào phía nam nhà trường để đề phòng tường rào bị đổ. Sau đó, BGH cũng đã thỏa thuận (chưa có hợp đồng) sẽ bán cho ông Hồ Hữu Tuấn (ở thị trấn Quãng Phú) 3 cây này với giá 1,5 triệu đồng (500.000 đồng/1 cây) nhưng chưa xác định thời điểm chặt. Đến sáng ngày 16/3, sau khi phát hiện có 4 cây (gồm 3 cây xà cừ, 1 cây dầu) trong trường đã bị chặt hạ, BGH nhà trường đã tiến hành lập biên bản.

Nhiều cây bị chặt hạ có đường kính khá lớn
Nhiều cây bị chặt hạ có đường kính khá lớn

Tại cuộc họp liên tịch của Trường Tiểu học Y Jút sáng 27/3, ông Hồ Hữu Tuấn thừa nhận đã nhờ ông Hữu Hoàng (cùng xã Ea H’Đing) vào trường chặt cây mà không chỉ rõ vị trí các cây sẽ chặt và không thông qua BGH nhà trường. Còn ông Hoàng lại cho rằng mình đã thỏa thuận (qua điện thoại) mua lại các cây trên của ông Tuấn và tưởng ông Tuấn đã hoàn thành giấy tờ mua bán nên chủ quan, tự động đến trường chặt cây đưa đi. Riêng ông Trần Văn Âu (nhân viên bảo vệ trường) lại cho rằng: “Khi BGH nhà trường thỏa thuận bán cho ông Tuấn, tôi cùng đi khảo sát vị trí các cây sẽ chặt nên “tưởng” BGH đã đồng ý bán cây. Khi ông Hoàng nhờ ông mở cửa để vào chặt cây, tôi đã gọi cho Hiệu trưởng (ông Y Dhĩu Ktla) nhưng không thấy nghe máy nên tôi đã mở cửa phụ cho ông Hoàng vào chặt cây”.

Khi PV đặt câu hỏi về trách nhiệm và hướng xử lý của nhà trường, thầy Y Dhĩu Ktla cho hay: “BGH nhà trường, cụ thể là tôi đã có thiếu sót khi không lập hồ sơ, báo cáo phương án chặt hạ cây xanh trong trường lên cơ quan chức năng. Sau khi xảy ra sự việc (ngày 15/3), chúng tôi nghĩ đây là chuyện có thể giải quyết nội bộ nên cũng không báo cáo xin hướng chỉ đạo, xử lý. Hiện tại, nhà trường đã yêu cầu ông Hồ Hữu Tuấn và ông Trần Văn Âu  làm bản tường trình, kiểm điểm và trình bày trước Hội đồng nhà trường”.

Ông Y Dhĩu Ktla - Hiệu trưởng trường Tiểu học Y Jút thừa nhận thiếu sót
Ông Y Dhĩu Ktla - Hiệu trưởng trường Tiểu học Y Jút thừa nhận thiếu sót

Qua mặt chính quyền?

Theo điều 16, Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị ngày 11/6/2010 của Chính phủ, việc chặt hạ, dịch chuyển các cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị (là cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng) phải được sự cho phép của các cơ quan chức năng. Cụ thể, trường học sẽ phải có đơn đề nghị nêu rõ vị trí, loại cây, kích thước, lý do… cần chặt hạ, dịch chuyển và có hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển (gồm sơ đồ vị trí và ảnh chụp hiện trạng cây xanh) trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trước khi chặt hạ, dịch chuyển cây xanh, nhà trường cũng phải thông báo cho chính quyền địa phương nhằm bảo đảm quy trình kỹ thuật, an toàn cho người và tài sản.

Mặc dù trường THCS Nguyễn Trường Tộ này nằm liền kề trụ sở UBND xã nhưng ông Trần Văn Đạo (Chủ tịch UBND xã Ea H’ding) lại khẳng định cả 2 trường đều không báo cáo gì về việc chặt cây. “Trường này nằm trên địa bàn xã, thuộc diện quản lý hành chính về mặt nhà nước của UBND xã mà không báo cáo gì về việc chặt cây. Sau đó, họ cũng “tự ý” đưa gỗ ra ngoài (hiện chưa biết đưa đi đâu) mà không thông qua chính quyền địa phương là trái quy định” - ông Đạo nói.

Riêng về trường Tiểu học Y Jút, ông Đạo cho biết chưa nắm được thông tin về việc chặt hạ, di chuyển các cây xanh trong trường. Trưa cùng ngày (27/3), sau khi trao đổi với các phóng viên, lãnh đạo UBND Ea H’Đing đã chỉ đạo các cán bộ Công an xã xuống trường này làm việc.

Bài & ảnh: Lê Phước

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: "Tự ý" chặt hạ, di chuyển cây xanh trong trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO