Đắk Lắk: Tổ chức hội thảo “Đăng kí bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại châu Âu”

28/04/2014 00:00

(TN&MT) - Hội thảo “Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại châu Âu” vừa được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

   
(TN&MT) - Sáng 28/4, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) và Sở KH-CN tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo “Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại châu Âu” tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).
   
   
  Hội thảo nhằm giới thiệu hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam và quy trình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại châu Âu cho các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan quản lý địa phương có sản phẩm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tham dự hội thảo có 100 đại biểu đến từ các tỉnh Đắk Lắk, Bình Thuận, Đồng Nai, Bến Tre... cùng nhau thảo luận về những vấn đề liên quan đến tình hình chính sách và pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam; tình hình quản lý, sử dụng và khai thác chỉ dẫn địa lý của Việt Nam; việc đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài; quy trình, thủ tục đăng ký một chỉ dẫn địa lý tại châu Âu - một thị thương tiềm năng cho các nông sản của Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm thành công và những thách thức trong việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc tại châu Âu…
   
  Phát biểu tại hội thảo, bà Jana Herceg - Phó Ban Kinh tế - Thương mại của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, chia sẻ: “Cả EU và Việt Nam đều có một nền nông nghiệp có bề dày lịch sử và thừa hưởng trọn vẹn những kiến thức truyền thống về nông nghiệp. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý của EU và Việt Nam, cũng như các đặc điểm về lãnh thổ của cả hai bên rất quan trọng cho kinh tế và xã hội, nhất là vùng nông thôn. Nếu không có một sự bảo hộ thích đáng, các sản phẩm nông nghiệp có nguy cơ biến mất khỏi thị trường, cả những người sản xuất và các kinh nghiệm đã tích luỹ được theo đó cũng mất luôn”.
   
  Tây Nguyên là khu vực có nhiều loại nông sản xuất khẩu có giá trị cao như cà phê, cao su, tiêu… nhưng vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý các sản phẩm này  chưa được quan tâm đích đáng. Riêng sản phẩm có thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột luôn được xuất khẩu giá cao hơn các loại cà phê khác (50-60USD/tấn) nhưng chưa được tận dụng đầu tư, khai thác. Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan quản lý góp sức mình vào bảo vệ và phát huy những sản phẩm có thương hiệu tại địa phương.
   
  Tin & ảnh: Lê Phước
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Tổ chức hội thảo “Đăng kí bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại châu Âu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO