Đắk Lắk: Loạn hàng trôi nổi và thực phẩm bẩn cận Tết

19/01/2016 00:00

  (TN&MT) - Cứ vào cao điểm chuẩn bị hàng phục vụ Tết Nguyên đán thì tình trạng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, hôi thối, hàng giả, hàng nhái, kém...

 

(TN&MT) - Hàng năm, cứ vào cao điểm chuẩn bị hàng phục vụ tết Nguyên đán cổ truyền thì tình trạng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, hôi thối, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng lại bùng phát, xâm hại quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng (NTD) Đắk Lắk.

Bắt quả tang hai nhà xe Hải Quyền và Thái Sơn chở thực thẩm bẩn vào Đắk Lắk để tiêu thụ.
Bắt quả tang hai nhà xe Hải Quyền và Thái Sơn chở thực thẩm bẩn vào Đắk Lắk để tiêu thụ.

Thực phẩm thối xâm nhập Đắk Lắk

Tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý trên khâu lưu thông, kiểm tra nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng của hàng hóa tại nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, lực lượng quản lý thị trường, đoàn kiểm tra liên ngành số 30 của Ban chỉ đạo 389 thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng. Trong đó, dấy lên là tình trạng vận chuyển thịt thối, không rõ nguồn gốc từ tỉnh ngoài vào Đắk Lắk để tiêu thụ.

Trong 2 ngày 28 và 29/12/2015, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện gần 2 tấn thịt thối trên các chuyến xe khách chở từ Bình Định về Đắk Lắk để tiêu thụ. Thông qua tin báo, Đội Quản lý thị trường cơ động (Chi cục QLTT) phối hợp với Trạm cảnh sát giao thông huyện Krông Búk tiến hành kiểm tra đột xuất và bắt quả tang xe khách Hải Quyền mang BKS 47B 013.59 vận chuyển 14 thùng, với 1.177 kg thịt động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang bốc mùi hôi thối. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc, giấy kiểm dịch động vật của số thực phẩm trên. Tài xế Hồ Văn Thành (sinh năm 1977, trú tại huyện Krông Bông) khai nhận: Số hàng trên được hành khách thuê vận chuyển từ huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định về huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk tiêu thụ với giá 80.000 đồng/thùng nhỏ và 100.000 đồng/ thùng lớn.

Tiếp ngày hôm sau, kiểm tra đột xuất xe khách Thái Sơn mang BKS 47V 2589 đang vận chuyển 7 thùng và 2 bao chứa 780 kg thịt thịt heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đang rỉ dịch và bốc mùi hôi. Tài xế xe khách Nguyễn Bá Lễ (sinh năm 1970, trú tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) khai nhận, số hàng trên là chở thuê từ huyện Tam Quan, tỉnh Bình Định và giao hàng tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar Đắk Lắk. Ban đầu nghĩ đây là các thùng cá, mực nên nhận vận chuyển với giá 100.000 đồng/thùng.

Đoàn kiểm tra số 30 kiểm tra đột xuất Nhà hàng Biển Rừng 231, đường Nguyễn Thị Định, phường Thành Nhất, TP BMT tỉnh Đắk Lắk.
Đoàn kiểm tra số 30 kiểm tra đột xuất Nhà hàng Biển Rừng 231, đường Nguyễn Thị Định, phường Thành Nhất, TP BMT tỉnh Đắk Lắk.

 

Lập biên bản tạm giữa 63 chai rượu nhập ngoại không có hóa đơn chứng từ để xử lý.
Lập biên bản tạm giữa 63 chai rượu nhập ngoại không có hóa đơn chứng từ để xử lý.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Đào Chí - Chi cục Phó Chi cục QLTT tỉnh Đắk Lắk nhận định: “Đây là 2 vụ bắt quả tang vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc lớn nhất từ trước đến nay. Song, việc phát hiện này cũng từ nguồn tin báo trinh sát, hoạc người dân phát giác. Còn thực tế, thực phẩm bẩn được vận chuyển đưa vào Đắk Lắk tiêu thụ như thế nào cũng rất khó phát hiện để xử lý. Bởi thực tế nếu không có tin báo trước thì lực lượng chức năng cũng không thể tự ý dừng xe để kiểm tra. Hơn nữa, thực phẩm bẩn thường được các đối tượng gian lận chọn thời điểm lúc đêm vắng và cố tình đi tránh những tuyến đường chính hòng “qua mặt” cơ quan chức năng. Khi phát hiện vi phạm thì chỉ xử phạt chủ xe mà chưa có quy định xử phạt lái xe, người thực hiện hành vi vận chuyển thực phẩm bẩn, hàng hóa không có xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hết hạn sử dụng nên chưa đủ sức răn đe”.

Sau phát hiện, Chi cục quản lý thị trường Đắk Lắk đã tiến hành tiêu hủy và lập biên bản xử phạt chủ nhà xe Hải Quyền 35 triệu đồng, chủ nhà xe Thái Sơn 17 triệu đồng về hành vi vận chuyển thịt động vật không rõ nguồn gốc. “Với hành vi này, nếu lái xe cũng bị xử lý với hình thức và mức phạt tương tự thì chắc chắn lái xe sẽ phải kiểm tra và quyết định có nên nhận vận chuyển hàng hóa này hay không vì nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt rất nặng” ông Chí nói.

Người dân ăn Tết liệu có an toàn?

NTD Đắk Lắk rất vui mừng vì lực lượng chức năng đã bắt giữ, ngăn chặn được gần 2 tấn thịt động vật thối chưa kịp tuồn ra thị trường. Bởi ai cũng biết, thực phẩm thối sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho những ai không may ăn phải. Song, thực tế họ cũng đang rất lo lắng vì không biết liệu còn có bao nhiêu tấn thực phẩm hôi thối đang lưu thông không bị phát hiện vẫn đang được những người kinh doanh vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe cộng đồng, vẫn hàng ngày đầu độc người tiêu dùng bằng những loại thực phẩm hôi thối mà lẽ ra nó phải được đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định. Nhất là trong dịp tết Nguyên đán cổ truyền đang đến gần, nhu cầu về thực phẩm và các loại hàng hóa thiết yếu khác tăng cao thì những kẻ gian thương, cơ hội lại có đất sống.

Đầu tháng 1/2016, kiểm tra việc chấp hành vệ sinh an toàn thực phẩm và xuất xứ hàng hóa tại Nhà hàng Biển Rừng số 231, đường Nguyễn Thị Định, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Đoàn kiểm tra liên ngành số 30 đã phát hiện và tạm giữ 63 chai rượu nhập ngoại các loại vì chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ xuất xứ hàng hóa. Kết quả xử lý vi phạm hành chính chủ nhà hàng Biển Rừng 16 triệu đồng và tịch thu 55 chai rượu nhập ngoại không có hóa đơn chứng từ chứng minh trị giá khoảng 12 triệu đồng.

Cũng trong dịp này, Đoàn đã  kiểm tra đã phát hiện số lượng lớn thuốc lá điếu nhập lậu được cất giấu trong kho hàng tại các cửa hàng bán sỉ, bán lẻ trên địa bàn tỉnh như vụ tịch thu gần 1.800 bao thuốc lá hiệu Jet, Esse, tiến hành xử phạt hành chính 135 triệu đồng đối với 2 cửa hàng tạp hóa Kim Thoa, tại xã Pơng Drang, huyện Krông Búk do ông Lê Văn Phường làm chủ và hộ kinh doanh Lê Thị Cườm ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk. Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng phát hiện, lập biên bản và thu giữ 174 chi tiết đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ, 174 chai sữa, 1.692 hộp mỹ phẩm nhập lậu…

Trong năm 2015, các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát 3.000 vụ, phát hiện xử lý vi phạm 2.886 vụ, giảm 399 vụ so với năm 2014; thu nộp ngân sách hơn 56 tỷ đồng, tăng 15,6 tỷ đồng so với năm 2014. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 25.652.148.000đồng; tịch thu hàng hóa 7.994.479.000 đồng, truy thu ngân sách 22.359657.000 đồng. Kết quả trên cho thấy, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk cũng đã tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời đấu tranh có hiệu quả với việc phát hiện nhiều vụ có tình chất và quy mô lớn hơn nhiều so với những năm trước.

Mặc dù việc ngăn chặn tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua đã được cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện. Song, những kẻ cơ hội, gian lận thương mại vẫn không trừ mọi thủ đoạn để tuồn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng và thực phẩm bẩn ra thị trường với quy mô lớn hơn.

Ông Nguyễn Đào Chí – Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Đắk Lắk nhận định: Vào dịp tết nguyên đán cổ truyền thì thực phẩm các loại, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát… là những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, càng khiến tình trạng gian lận thương mại, hành vi buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả tiếp tục gia tăng, gây nguy hại cho NTD. Do đó, để việc ngăn chặn có hiệu quả, thay vì kiểm tra trên diện rộng, dàn trải thì lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk sẽ tiến hành các đợt kiểm tra có trọng tâm, trong điểm, bảo đảm bí mật và bất ngờ để bắt “tận gốc” các hành vi vi phạm. Trong đó, chú trọng “đánh mạnh” vào các kho hàng, điểm tập kết, và triển khai lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên khâu lưu thông, góp phần giữ cho thị trường Tết được lành mạnh hơn, tạo lòng cho NTD. Song, để tránh mua phải thực phẩm hôi thối, hàng giải, hàng nhái, hàng kém chất lượng, NTD nên đến những cửa hàng quen thuộc, siêu thị có uy tín để chọn mua hàng. Đồng thời phải kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa để mua. Trong trường hợp không may mua phải hàng hóa không đảm bảo chất lượng cần tìm đến cơ quan chức năng, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk để tố giác và được bảo vệ theo quy định của pháp luật./.

 Bài & ảnh: Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Loạn hàng trôi nổi và thực phẩm bẩn cận Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO