Đắk Lắk: Hệ thống đê bao hơn 312 tỷ đồng xuống cấp nghiêm trọng

15/06/2017 00:00

(TN&MT) - Công trình đê bao Quảng Điền, sông Krông Ana được phê duyệt vào năm 2009 có vốn đầu tư hơn 238 tỷ đồng. Sau nhiều lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư đã đội lên 312,7 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình được chia thành năm gói thầu, gói thầu số 1 hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2012, các gói 2,3,4 hoàn thành năm 2014, còn lại gói số 5 đang làm thủ tục quyết toán. Thế nhưng, chỉ sau vài năm công trình đã bị xuống cấp, sạt lở, hư hỏng nặng.

Công trình trọng điểm

Công trình chống sạt lở hệ thống đê bao Quảng Điền, sông Krông Ana được phê duyệt tại Quyết định số 979/QĐ-UBND, ngày 22/4/2009 của UBND Đắk Lắk. Đây là công trình thủy lợi cấp IV do UBND huyện Krông Ana làm chủ đầu tư. Ngoài kiên cố hóa toàn bộ tuyến đê gồm cả kênh tưới trên đê và bờ bao với tổng chiều dài 42,6 km, bề rộng mặt đê 3m, bờ bao 3m, hệ số mái 1,5m, trở thành tuyến giao thông huyết mạch phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản đi qua các xã: Bình Hòa, Đur Kmăl và Quảng Điền.

Hệ thống đê bao Quảng Điền, sông Krông Ana được đầu tư hơn 312 tỷ đồng đang bị sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng nặng.
Hệ thống đê bao Quảng Điền, sông Krông Ana được đầu tư hơn 312 tỷ đồng đang bị sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng nặng.

Theo thiết kế xây dựng, những đoạn đê bao, bờ bao bị xói lở hoặc bị vỡ được đắp trả lại mặt cắt thiết kế ban đầu, thi công gia cố mái phía sông Krông Ana bằng đá lát khan đặt trên lớp vải bọc, khóa đỉnh mái bằng đá xây, chân hai bên được gia cố bằng rọ đá; phía cánh đồng gia cố bằng tấm bê tông cốt thép, đặt trên lớp vải bọc. Kênh tưới nằm trên đê hình chữ nhật, đáy bằng bê tông, tường gạch xây. Toàn bộ tuyến đê bao, bờ bao có kết cấu mặt đường bê tông rộng 3m, kết hợp làm đường giao thông nội vùng, phù hợp với điều kiện nước lớn tràn qua khi lũ chính vụ.

Hệ thống đê bao Quảng Điền, sông Krông Ana được đầu tư hơn 312 tỷ đồng đang bị sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng nặng.
Hệ thống đê bao Quảng Điền, sông Krông Ana được đầu tư hơn 312 tỷ đồng đang bị sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng nặng.

Ông Võ Văn Nam - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana cho biết: Mục tiêu của công trình là kiên cố hóa toàn bộ tuyến đê bao và bờ bao nhằm hạn chế sự phá hoại của mưa lũ, nhất là lũ tiểu mãn và lũ đầu mùa mưa, bảo đảm ổn định sản xuất và giao thông trong vùng. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã bảo vệ khoảng 2.000 ha lúa và cấp nước tưới cho 1.255 ha lúa nước, biến hơn 3.000 ha đất sản xuất lúa nước một vụ thành 2 vụ ăn chắc với năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha/năm, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hơn 1.800 hộ dân với trên 9.000 nhân khẩu trong vùng và đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh nhà.

Trở thành nổi lo cho người dân!

Khảo sát thực tế của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Krông Ana và UBND các xã Bình Hòa, Đur Kmăl và Quảng Điền cho thấy: Trên toàn bộ hệ thống đê bao Quảng Điền, sông Krông Ana đã có hàng chục điểm sạt lở, sụt lún nghiêm trọng và nhiều đoạn đê, mặt đê, bờ bao đã bị rỗng ruột có thể sụt lún, sạt lở bất cứ lúc nào. Nhiều đoạn đã bị sạt lở, bong tróc mái ta luy kéo dài hàng trăm mét, đá xây, tấm đan bê tông bong tróc nặng. Cụ thể, tại khu vực cầu Sắt đến cống tiêu C10 dọc theo suối Krông Diêk, xã Dur Kmăl bị sạt lở cả mái ta luy dài 300m; tại cầu Bàu Gai 2, xã Bình Hòa bị sạt lở dài 100m; đặc biệt trên địa bàn xã Quảng Điền có 12km tuyến đê bao đi qua nhưng có đến 26 điểm sạt lở nghiêm trọng như: đoạn từ trạm bơm T22 đến đồi ông Thêm dọc theo sông Krông Ana bị sạt lở dài 500m; đoạn cầu Điện Bàn đến núi 4 dọc suối Krông Diêk bị sạt lở 800m; đoạn cống ông Lương dọc theo suối Krông Diêk bị sạt lở dài 150m...

Hệ thống đê bao Quảng Điền, huyện Krông Ana có nhiều đoạn bị sạt lở cả mái ta luy dài hàng trăm mét.
Hệ thống đê bao Quảng Điền, huyện Krông Ana có nhiều đoạn bị sạt lở cả mái ta luy dài hàng trăm mét.

Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, đặc biệt trong đợt mưa lũ kéo dài vào cuối tháng 11-2016 đã nhấn chìm toàn bộ tuyến đê bao và nhiều diện tích lúa, hoa màu, khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Cũng sau đợt lũ này, hệ thống đê bao Quảng Điền đã xuống cấp lại càng xuống cấp nghiêm trọng hơn.

Theo phản ảnh của người dân địa phương, hệ thống đê bao Quảng Điền bị xuống cấp, hư hỏng nặng ngoài tác động của mưa lũ, còn bởi công trình này xây dựng kém chất lượng. Ông Phan Phước Long, ở thôn 1, xã Quảng Điền có 2 ha lúa nước sát chân đê bao cho biết: “Hệ thống đê bao này mới đưa vào sử dụng chưa lâu đã xuống cấp, hư hỏng nặng là do xây dựng kém chất lượng. Thế nhưng không hiểu vì sao khi mới xây dựng hoàn thành các ngành chức năng vẫn nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng nên chỉ sau một đợt lũ nhiều nơi đã bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng. Nếu không được đầu tư sửa chữa kịp thời, chỉ một cơn lũ nữa là hệ thống đê bao trị giá trên 312 tỷ đồng này sẽ vỡ tan, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng”.

Ông Lê Văn Kiên - Phó chủ tịch UBND xã Quảng Điền lo lắng: Qua khảo sát của UBND xã, trên 12km đê bao chống lũ đoạn qua địa bàn xã có đến 26 điểm bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng. Để bảo đảm việc sản xuất và đi lại của người dân, hàng năm sau mỗi mùa mưa lũ, UBND xã sử dụng một phần ngân sách địa phương và huy động các hợp tác xã cùng nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công lao động để sửa chữa hệ thống đê bao này. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, địa phương chỉ sửa chữa nhỏ, trong khi đó hệ thống đê bao này ngày càng xuống cấp, sạt lở nặng đã vượt khả năng duy tu, bảo dưỡng của xã.

Chủ đầu tư nói gì?

Theo thiết kế, đê bao, bờ bao, mái đê được xây dựng bằng đá xây, tấm bê tông cốt thép, chân gia cố bằng rọ đá; kết cấu mặt đê bê tông kết hợp làm đường giao thông nội vùng, phù hợp với điều kiện nước lớn tràn qua khi lũ chính vụ. Rõ ràng, kết cấu này đã được tính toán kỹ nhằm đảm bảo an toàn cho đê trong mưa lũ trên sông Krông Ana hàng năm vẫn bị ngập.

Song, làm việc với báo chí: ông Y Hương Niê - Phó chủ tịch UBND huyện Krông Ana lý giải: Hệ thống đê bao Quảng Điền bị xuống cấp, hư hỏng là do từ khi đưa vào sử dụng đến nay (hơn 2 năm - PV) chưa được đầu tư duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa lần nào. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt là trận lũ lớn kéo dài vào cuối năm 2016 đã nhấn chìm toàn bộ hệ thống đê bao trong thời gian dài khiến nước thấm vào thân đê, làm lỏng chân đất dẫn đến sạt lở, sụt lún. Nguyên nhân quan trọng nữa là do tình trạng khai thác cát trên sông Krông Ana diễn ra trong một thời gian dài đã làm thay đổi dòng chảy một số đoạn, nước sông ăn sâu vào đất liền gây sạt lở bờ sông và làm sạt lở chân đê bao. Hơn nữa đê bao phục vụ nhân dân vận chuyển vật tư, nông sản nên ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.

Theo thống kê của các ngành chức năng huyện Krông Ana, trên tuyến đê bao Quảng Điền hiện có hàng chục điểm sạt lở, sụt lớn ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của tuyến đê. Theo tính toán, tổng kinh phí phục vụ sửa chữa, gia cố những đoạn sạt lở khoảng 26 tỷ đồng, đây là khoảng kinh phí quá lớn đối với một huyện còn gặp nhiều khó khăn như Krông Ana. UBND huyện đề nghị tỉnh Đắk Lắk và Trung ương hỗ trợ kinh phí để kịp thời sửa chữa, gia cố những khu vực sạt lở nghiêm trọng nhằm bảo vệ hệ thống đê bao Quảng Điền và hơn 3.000 ha lúa nước sản xuất hai vụ và sự an toàn cho nhân dân trong vùng.

Mùa mưa lũ năm 2017 ở Tây Nguyên đang đến gần, cộng với biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, mưa lũ ngày càng phức tạp. Nên việc tập trung nguồn lực, kinh phí để sớm sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê bao này để bảo vệ diện tích đất sản xuất, hoa màu, tài sản và bảo đảm an toàn cho người dân trong vùng là vấn đề cấp bách. Song các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ sự hoài nghi của người dân và dự luận liệu có hay không sự thi công kém chất lượng dẫn đến đê bao Qảng Điền hư hỏng nặng gần như toàn tuyến./.

Bài và ảnh: Đình Thắng

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Hệ thống đê bao hơn 312 tỷ đồng xuống cấp nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO