Đắk Lắk: Hàng ngàn héc-ta cà phê "hóa củi"

12/05/2016 00:00

(TN&MT) - Hàng chục ngàn hộ dân trong tỉnh sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt còn hàng ngàn hộ dân khác ngậm ngùi nhìn cà phê chết cháy, phải chặt bỏ làm...

 

(TN&MT) - Nắng nóng kéo dài, mùa mưa đến chậm đã khiến cho hàng chục ngàn héc-ta cây trồng ở Đắk Lắk khô hạn, trong đó có hàng ngàn héc-ta cà phê mất trắng. Hàng chục ngàn hộ dân trong tỉnh sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt còn hàng ngàn hộ dân khác ngậm ngùi nhìn cà phê chết cháy, phải chặt bỏ làm “củi”.

Không có nước tưới, vườn cà phê của ông Y Hual Mlô (buôn Tưng Liă, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) khô héo
Không có nước tưới, vườn cà phê của ông Y Hual Mlô (buôn Tưng Liă, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) khô héo

Nhổ cà phê để... đốt than

Giữa trưa nắng những ngày đầu tháng 5, ông Y Cin (ở buôn Tưng Liă, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vẫn đánh máy cày chở cả chục cuộn ống ra suối Ea M’droh) tìm nước tưới cho vườn cà phê gần 2ha gần đó. Dòng suối đã gần như khô kiệt, chỉ còn lại một vài vệt nước chảy vào những vũng sâu mà gia đình Y Cin đã đào sâu trước đó. Đặt thùng phuy nhựa sâu dưới vũng nước, ông Y Cin cắm vòi hút, nổ máy bơm nước. Chỉ ít phút sau vũng nước đã cạn, Y Cin lại di chuyển sang vũng nước khác, miệt mài “mót” từng giọt nước để cứu rẫy cà phê. “Nước càng ngày càng cạn, nhà mình trực ngày đêm nhưng đến giớ mới tưới tiết kiệm được hơn nửa rẫy. Số còn lại thì đang khô héo và chết dần vì chẳng còn nước tưới nữa” - Y Cin chia sẻ.

Nhiều rẫy cà phê tại xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) khô héo vì không còn nước tưới
Nhiều rẫy cà phê tại xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) khô héo vì không còn nước tưới

Không chỉ riêng gia đình Y Cin, ngày nào cũng có hàng chục hộ dân trực ngoài suối Ea M’droh để “mót” nước. Đó là những hộ may mắn có rẫy cà phê ở gần suối, đã được tưới đợt 2 và còn có khả năng cứu được trong thời điểm giao mùa. Còn những rẫy cà phê ở xa suối như của ông Y Hual Mlô (buôn Tưng Liă, xã Ea Tar) thì chẳng tìm đâu ra nước để tưới nữa. Nhìn rẫy cà phê dần héo úa và hiện đã khô cháy, ông Y Hual xót xa: “Cả nhà mình chỉ có rẫy cà phê 5 sào, trồng từ năm 2009 và mới cho thu bói vài năm trở lại đây. Năm ngoái hạn nhưng cà phê vẫn có thể cứu được, chỉ mất mùa thôi. Nhưng năm nay thì từ sau Tết đã chẳng còn nước tưới, vườn cà phê chết trụi gần hết nên nhà mình chắc đói to rồi”.

Nhiều rẫy cà phê tại xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) khô héo vì không còn nước tưới
Nhiều rẫy cà phê tại xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) khô héo vì không còn nước tưới

Cùng hoàn cảnh như Y Hual, gần 1ha cà phê 15 năm tuổi của gia đình Y Thu (ở buôn Kiêng, xã Ea Tar) cũng đã khô cháy vì thiếu nước tưới. Từ những ngày cuối tháng 4, gia đình Y Thu đã cho một người dân ở xã Ea H’ding (huyện Cư M’gar) vào vườn chặt bỏ, đào gốc vườn cà phê về để lấy nguyên liệu đốt than. Đến trưa 10/5, vườn cà phê của gia đình Y Thu cơ bản đã được phá xong.

Theo những người đang “phá giùm” vườn cà phê của Y Thu, trong khoảng 1 tháng nay đã có hàng chục hộ dân tại xã Ea Tar nhờ họ chặt phá rẫy cà phê chết cháy vì khô hạn. Sau khi đào xong gốc cà phê, họ cưa gọn gàng thân ngọn rồi tập kết ra ven đường trước khi được đưa ra các lò than trên địa bàn.

Người dân chặt bỏ cà phê chết cháy vì khô hạn
Người dân chặt bỏ cà phê chết cháy vì khô hạn

Tăng nguy cơ đói nghèo

Theo ông Lê Thanh Chương - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tar, toàn xã có gần 2.900ha cà phê nhưng hiện đã có khoảng 2.200ha bị thiệt hại do khô hạn, trong đó có 280 mất trắng. Diện tích mất trắng tập trung chủ yếu ở 6 buôn người đồng bào DTTS trong tổng số 11 thôn buôn của xã. “Nguồn nước khô hạn trong khi điều kiện kinh tế của các hộ đồng bào DTTS tương đối khó khăn, không có tiền đầu tư chống hạn nên vườn cây dần chết héo, phải chặt bỏ. Toàn xã có khoảng 85 - 90% dân số phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trong đó cây cà phê là chủ lực. Trước tình hình hạn hán diễn biến ngày càng phức tạp như năm nay, nguy cơ nhiều hộ dân trong xã đói nghèo là rất cao” - ông Chương cho hay.

Người dân chặt bỏ cà phê chết cháy vì khô hạn
Người dân chặt bỏ cà phê chết cháy vì khô hạn

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, trong vụ Đông Xuân 2015 - 2016, Cư M’gar là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do hạn hán gây ra. Tính đến ngày 10/5, toàn huyện đã có gần 3.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trên 11.200ha cây trồng bị hạn (trong đó mất trắng 85ha lúa và 2.700ha cà phê), ước tính thiệt hại khoảng 407 tỷ đồng. Còn trên địa bàn toàn tỉnh, hiện đã có trên 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, gần 59.000ha cây trồng bị hạn (trong đó mất trắng khoảng 7.000ha), hơn 500 con gia súc, gia cầm thiếu nước, thiếu thức ăn dẫn tới suy kiệt rồi chết, ước tính thiệt hại hơn 1.800 tỷ đồng.

Hàng chục ngàn héc-ta cây trồng bị khô hạn đã khiến cho hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các hộ đồng bào DTTS đứng trước nguy cơ đói nghèo. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã công bố tình trạng rủi ro thiên tai do hạn hán cấp độ 1 tại 7 huyện, thị xã vào cuối tháng 3/2016, đồng thời triển khai nhiều biện pháp để giúp đỡ người dân. Trong đó, UBND tỉnh đã phân bổ kịp thời 500 tấn gạo của Chính phủ hỗ trợ cứu đói, giáp hạt và hạn hán cho gần 7.000 hộ (29.300 nhân khẩu) trên địa bàn 14, huyện, thị xã; đồng thời tỉnh cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ 1.000 tấn gạo để hỗ trợ 19.585 hộ (63.834 nhân khẩu) thiếu đói, đặc biệt là các hộ ở vùng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, vùng bị mất mùa, vùng đồng bào DTTS.

Cây cà phê được tập kết la liệt hai bên đường từ xã Ea H’ding vào xã Ea Tar (huyện Cư M’gar)
Cây cà phê được tập kết la liệt hai bên đường từ xã Ea H’ding vào xã Ea Tar (huyện Cư M’gar)

Vào tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định hỗ trợ kinh phí khắc phụ hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2015 - 2016, trong đó tỉnh Đắk Lắk được hỗ trợ 57 tỷ đồng. Ngày 9/5 vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định bổ sung toàn bộ số tiền Trung ương hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị để khắc phục hậu quả do hạn hán trên địa bàn. UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn kinh phí được hỗ trợ, trong đó ưu tiên hỗ trợ kinh phí mua, vận chuyển nước nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân vùng bị hạn.

Bài & ảnh: Lê Phước

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Hàng ngàn héc-ta cà phê "hóa củi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO