Đắk Lắk: Dân "tố" tòa huyện "tự xử" thiếu công bằng

06/07/2016 00:00

  (TN&MT) - Sau khi xử oan ông Nguyễn Đình Sơn (ở thôn 6, xã Cư Ni, huyện Ea Kar) 6 tháng tù giam, TAND huyện Ea Kar đã bị khởi kiện đòi bồi thường trong...

 

(TN&MT) - Sau khi xử oan ông Nguyễn Đình Sơn (ở thôn 6, xã Cư Ni, huyện Ea Kar) 6 tháng tù giam, TAND huyện Ea Kar đã bị khởi kiện đòi bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.

Tại phiên tòa diễn ra vào đầu tháng 6/2016, TAND huyện Ea Kar đã buộc... chính mình phải bồi thường cho ông Sơn hơn 46 triệu đồng. Cho rằng tổn thất về vật chất và tinh thần lớn hơn, ông Sơn đã tiếp tục làm đơn kiến nghị gửi lên tòa phúc thẩm.

Một nửa diện tích trong Sổ đỏ mà gia đình ông Sơn “bỗng dưng” bị kê biên
Một nửa diện tích trong Sổ đỏ mà gia đình ông Sơn “bỗng dưng” bị kê biên

Hy hữu chuyện tòa huyện tự xử... chính mình!

Vào ngày 7/6, TAND huyện Ea Kar đã đưa ra xét xử vụ án kiện bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự. Nguyên đơn trong vụ án này là ông Nguyễn Đình Sơn (người bị xử tù oan) và bị đơn là TAND huyện Ea Kar, người đại diện là bà Trương Thị Hoa (Phó Chánh án TAND huyện).

Trước đó, như Báo TN&MT đã phản ánh trong bài viết “Đắk Lắk: “Suýt” vào tù vì bị xử oan sai”, vào năm 2004, gia đình ông Sơn có mua lại một mảnh đất 10.000m2 tại xã Cư Ni của một người dân ở xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình chưa làm các thủ tục sang tên theo quy định. Trong quá trình làm ăn, người bán mảnh đất cho gia đình ông Sơn bị thua lỗ, bị kiện ra tòa và bị kê biên 5.000m2 trong số diện tích đã bán (tháng 12/2009). Gia đình ông Sơn đã phản đối việc này, không ký vào biên bản kê biên, không đồng ý bàn giao tài sản và tiếp tục canh tác trên diện tích này.

Đầu năm 2013, khi gia đình ông Sơn thuê người, máy móc san ủi vườn và phê già cỗi để chuyển đổi cây trồng thì bị cơ quan Thi hành án (THA) huyện Ea Kar lập biên bản xác định ông có hành vi hủy hoại tài sản trên đất kê biên. Ngày 24/7/2013, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar đã ra Quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Đình Sơn. Đến ngày 23/12/2013, ông Sơn bị TAND huyện Ea Kar tuyên phạt 6 tháng tù giam vì tội “Vi phạm việc kê biên tài sản” và phải bồi thường 88,78 triệu đồng.

Một nửa diện tích trong Sổ đỏ mà gia đình ông Sơn “bỗng dưng” bị kê biên
Một nửa diện tích trong Sổ đỏ mà gia đình ông Sơn “bỗng dưng” bị kê biên

Thấy mình bị oan, ông Sơn đã làm đơn kháng án gửi lên cấp trên. Tại phiên xử phúc thẩm ngày 16/6/2014, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xác định cấp tố tụng sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và quyết định hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại. Đến ngày 17/6/2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar đã xác định ông Sơn không phạm tội, ra quyết định đình chỉ điều tra bị can và quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với ông.

Vào ngày 4/9/2015, đại diện 3 cấp tố tụng huyện Ea Kar (Cơ quan CSĐT, VKSND và TAND huyện) đã tổ chức buổi công khai cải chính, xin lỗi và khẳng định sẽ bồi thường thiệt hại cho ông theo trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Sau nhiều lần thỏa thuận mức bồi thường nhưng không thành, ngày 9/11/2015, ông Sơn đã làm đơn khởi kiện TAND huyện Ea Kar. Ngoài thiệt hại về tổn thất tinh thần trong 683 ngày bị hạn chế quyền công dân và thù lao luật sư, ông Sơn cũng yêu cầu TAND huyện Ea Kar phải bồi thường số tiền 740 triệu đồng do những thiệt hại trong 6 năm (từ 2009 - 2016) gia đình ông không thể canh tác trên diện tích đất bị kê biên.

Tại phiên tòa ngày 7/6, TAND huyện Ea Kar đã buộc chính mình phải bồi thường cho ông Nguyễn Đình Sơn số tiền 46.225.000 đồng. Trong đó, thiệt hại tổn thất về tinh thần hơn 37,5 triệu đồng và chi phí thực tế (gồm chi phí thuê người bào chữa, chi phí tàu xe của nguyên đơn) là hơn 8,6 triệu đồng. TAND huyện Ea Kar cũng bác yêu cầu đòi thiệt hại về tài sản số tiền 740 triệu đồng mà ông Sơn đã đưa ra vì cho rằng gia đình ông không bị thiệt hại về tài sản.

Phần đất của ông Sơn bị Chi cục THA huyện Ea Kar kê biên từ năm 2009, khiến gia đình ông không thể canh tác trong nhiều năm
Phần đất của ông Sơn bị Chi cục THA huyện Ea Kar kê biên từ năm 2009, khiến gia đình ông không thể canh tác trong nhiều năm

Không thể khách quan?

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, gia đình ông Nguyễn Đình Sơn đã làm đơn phúc thẩm lên TAND tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, gia đình ông Sơn cũng gửi đơn khiếu nại gửi Báo TN&MT. Trong đơn, ông Sơn mong các cơ quan chức năng nhanh chóng hủy hồ sơ kê biên đất, trả lại 5.000m2 cho gia đình ông phục hồi lại vườn cây. Ngoài ra, ông Sơn cho rằng mức bồi thường theo bản án sơ thẩm thiếu công bằng, không hề đề cập đến thiệt hại mà gia đình ông phải chịu trong suốt 7 năm (từ 2009 - 2016) khi không thể canh tác trên phần đất trên.

Theo ông Sơn, vào ngày 1/4/2016, Chi cục THA huyện Ea Kar đã gửi thông báo cho gia đình ông với nội dung “trong thời hạn 30 ngày từ khi nhận được thông báo này mà không thỏa thuận phân chia tài sản... thì thi hành án huyện Ea Kar sẽ giải quyết theo đúng pháp luật”. Trong khi đó, hợp đồng sang nhượng đất của gia đình ông là hoàn toàn hợp pháp và gia đình ông đã sử dụng diện tích này ổn định từ năm 2004. Ông Sơn thắc mắc: “Đất của gia đình tôi đã sử dụng ổn định và hàng năm gia đình vẫn đóng thuế theo đúng nghĩa vụ với Nhà nước vậy mà Chi cục THA huyện Ea Kar vẫn thông báo yêu cầu gia đình tôi phải phân chia cho người khác(?). Rất mong cơ quan có thẩm quyền hủy hồ sơ kê biên, trả lại đất để gia đình tôi phục hồi vườn cây, tái sản xuất”.

Phần đất của ông Sơn bị Chi cục THA huyện Ea Kar kê biên từ năm 2009, khiến gia đình ông không thể canh tác trong nhiều năm
Phần đất của ông Sơn bị Chi cục THA huyện Ea Kar kê biên từ năm 2009, khiến gia đình ông không thể canh tác trong nhiều năm

Theo Luật sư Tạ Quang Tòng - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đắk Lắk, việc TAND huyện Ea Kar xử oan sai sau đó “tự xử” mình là một trường hợp hy hữu, lần đầu tiên xảy ra tại tỉnh. Về thắc mắc “Liệu tòa huyện “tự xử” có khách quan và đúng quy định không?”, Luật sư Tòng thẳng thắn: “Theo quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường là TAND cấp huyện nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc. Trong trường hợp này, TAND huyện Ea Kar đứng ra xử xử là đúng thẩm quyền. Việc nguyên đơn cho rằng khi tòa xử chính mình thì việc xét xử không minh bạch là hoàn toàn có cơ sở và bản thân tôi cũng cho rằng việc tòa huyện tự xử chắc chắn sẽ không thể khách quan”.

Cũng theo Luật sư Tạ Quang Tòng, trong những trường hợp án oan, Nhà nước sẽ phải đứng ra, dùng ngân sách để khắc phục. Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại phải có nghĩa vụ hoàn trả một phần ngân sách mà Nhà nước đã bồi thường cho bị hại và bị xử lý kỷ luật sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Tuy nhiên rất khó để thu hồi số tiền này vì bản thân người thi hành công vụ có lỗi không có điều kiện để hoàn trả và các đơn vị chủ quản (trường hợp này là TAND huyện Ea Kar) cũng... “không nỡ” buộc cấp dưới mình rơi vào tình cảnh khó khăn.

Bài & ảnh: Lê Phước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Dân "tố" tòa huyện "tự xử" thiếu công bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO