Đắk Lắk: Dân khốn khổ vì nhà máy ép gỗ gây ô nhiễm

07/11/2014 00:00

(TN&MT) - Nhiều năm nay, Nhà máy sản xuất gỗ ép của Công ty CP Lâm sản Đắk Lắk thường xuyên thải bụi, khói và mùi hóa chất chưa qua xử lý ra ngoài môi trường.

   
(TN&MT) - Nhiều năm nay, Nhà máy sản xuất gỗ ép của Công ty CP Lâm sản Đắk Lắk (đặt tại tổ dân phố 6, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thường xuyên thải bụi, khói và mùi hóa chất chưa qua xử lý ra ngoài môi trường. Thế nhưng, nhà máy vẫn chưa bị xử lý và hiện đang tiếp tục hoạt động gần khu đông dân cư.
   
Bụi gỗ ngập nhà máy ép gỗ
   
 Ô nhiễm nghiêm trọng
   
  Nhà máy gỗ ép của Công ty CP Lâm sản Đắk Lắk (gọi tắt là nhà máy gỗ ép) hoạt động từ năm 1977, chuyên sản xuất gỗ ép với nguồn nguyên liệu chủ yếu là gỗ tạp và gỗ rừng trồng. Do hoạt động gần khu đông dân cư, lại chưa được xây dựng đầy đủ phương tiện xử lý nên nhà máy thường xuyên thải khói, bụi và hóa chất chưa qua xử lý ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục hộ dân ở Tổ dân phố 6 (phường Khánh Xuân). Theo phản ánh của người dân, nhà máy thường xuyên hoạt động ban đêm để che giấu hành vi gây ô nhiễm, đồng thời gây ra những tiếng ồn rất khó chịu.
   
  Ngoài ảnh hưởng đến khu dân cư, nhà máy gỗ ép còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến 4 trường học (từ hệ mầm non đến THPT) ở khu vực lân cận. Trong đó, trường THPT Lê Duẩn bị ảnh hưởng nặng nhất vì chỉ cách nhà máy 1 con đường liên thôn. Ông Trần Văn Thịnh - nhân viên bảo vệ Trường THPT Lê Duẩn, bức xúc nói: “Vào mùa khô, hễ trời có gió là từng cơn “bão” bụi gỗ từ nhà máy phủ trắng tường các phòng học của nhà trường. Đi kèm với bụi là khói, mùi hóa chất bay sang khiến “cả trường phải khó chịu”, thậm chí phải cho học sinh tạm nghỉ học vì ngạt thở”.
   
  Còn theo cô Phạm Thị Nguyên - giáo viên trường THPT Lê Duẩn, tình trạng gây ô nhiễm đã tác động tiêu cực đến việc dạy và học của hàng nghìn giáo viên và học sinh. “Tôi có con nhỏ học tại Trường Mầm non Hoàng Uyên, cách Nhà máy gỗ ép không xa. Tôi và các phụ huynh khác rất lo lắng cho sức khỏe của các cháu khi phải học chung với môi trường độc hại, ô nhiễm do hoạt động ép gỗ” - cô Nguyên chia sẻ thêm.
   
  Chị Nguyễn Thị Mạnh (ở Tổ dân phố 6, nguyên là công nhân nhà máy đã nghỉ mất sức), cho biết: “Do làm việc lâu ngày trong môi trường độc hại, 3 công nhân sống trong tổ dân phố này đã chết vì bệnh ung thư. Cũng có nhiều thanh niên làm công nhân ở nhà máy, khi mới lập gia đình từng nhiều lần bị xảy thai nên sợ không dám làm nữa. Nghiêm trọng hơn, tổ dân phố hiện có 30 hộ đang phải sử dụng nước sinh hoạt bị nhiễm hóa chất mà qua kết quả xét nghiệm của cơ quan chuyên môn là không thể sử dụng được”.
   
   
"Đột kích" nhà máy
   
  Đêm cuối tháng 10, chúng tôi bí mật đột nhập Nhà máy gỗ ép để tận mắt chứng kiến hoạt động sản xuất gây ô nhiễm như người dân phản ánh. Khi chúng tôi có mặt trong nhà xưởng, 3 công nhân đang say sưa vận hành máy nghiền gỗ thành bột dăm. Theo quan sát, nhà máy được xây dựng khá sơ xài, toàn bộ mái đều được lợp bằng tôn và không hề có hệ thống xử lý bụi như: máy phun sương, máy hút bụi... Cứ khi công nhân chạy máy là bụi gỗ lại bay mù mịt, phủ kín toàn bộ máy móc và vật liệu trong nhà xưởng. Lớp bụi này bay lên hệ thống mái tôn, len lỏi qua các “lỗ” thoát, hòa vào không trung khiến toàn bộ nhà xưởng và khu dân cư, trường học liền kề “hưởng” chung ô nhiễm từ bụi gỗ.
   
  Chỉ hơn 10 phút có mặt trong nhà xưởng, quần áo chúng tôi đã dính đầy bụi gỗ, ai cũng cảm thấy khó chịu, nghẹt thở. Ngoài bụi và tiếng ồn, chúng tôi còn phát hiện nhà máy này có sử dụng Keo ure formaldehyde trộn với bột dăm, sau đó cho lên bàn khuôn và đưa vào lò ép. Trong khi đó, khu vực lò ép gỗ của nhà máy cũng không hề có hệ thống xử lý hóa chất nên mùi độc hại cứ “theo nhau” thoát ra bên ngoài, làm ô nhiễm bầu không khí.
   
  Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Trường - Giám đốc Nhà máy gỗ ép, thừa nhận: “Mặc dù chúng tôi đã xây 2 hộc chứa bụi nhưng trong quá trình sản xuất, nhà máy vẫn để xảy ra tình trạng bụi. Bên cạnh đó, việc xử lý mùi hóa chất Keo ure formaldehyde trong quá trình ép gỗ của nhà máy lâu nay vẫn chưa thực hiện được”.
   
Nhiều giếng nước gần nhà máy ép gỗ bị nhiễm hóa chất
    
   
Cần sớm xử lý
   
  Làm việc với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Danh - Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân, cho biết: “Thời gian gần đây, xã nhận được phản ánh của các Nhà trường và nhiều hộ dân về việc nhà máy ép gỗ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục và đời sống sinh hoạt của người dân. Tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và nếu phát hiện sai phạm sẽ báo cáo lên UBND TP. Buôn Ma Thuột và các phòng chuyên môn xử lý theo thẩm quyền”.
   
  Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 70 xưởng chế biến gỗ của các doanh nghiệp và 319 cơ sở sản xuất đồ mộc (trong đó có khoảng 46 xưởng chế biến gỗ và 218 cơ sở mộc đang hoạt động). Trước đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương di dời và chính sách hỗ trợ di dời (ưu đãi tiền thuê mặt bằng, đầu tư hạ tầng…) các cơ sở chế biến gỗ vào trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điểm quy hoạch trước ngày 31/12/2010. Thế nhưng, sau 4 năm thực hiện, chỉ có 10 doanh nghiệp di dời cơ sở chế biến gỗ theo chủ trương, các đơn vị còn lại đều tìm cách trì hoãn để tiếp tục bám trụ giữa khu đông dân cư, gần rừng, trong rừng.
   
  Từ thực trạng ô nhiễm đã và đang diễn ra tại nhà máy gỗ ép của Công ty CP Lâm sản Đắk Lắk, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm vào cuộc để điều tra, làm rõ và xử lý vấn đề này. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, các cơ quan chức năng nên thu hồi giấy phép sản xuất kinh doanh, nhằm bảo đảm tính răn đe và trả lại môi trường trong sạch cho khu dân cư và các trường học trên địa bàn./.
   
        
Theo nhận định của các nhà khoa học, trong quá trình đưa bột dăm trộn Keo ure formaldehyde vào lò ép, gặp hơi nóng thì chất formaldehyde sẽ có phản ứng hóa học, dẫn tới bốc hơi cay, khiến người bị ảnh hưởng cay mắt, mũi. Hàm lượng tồn dư formaldehyde trong không khí càng lớn, thì hiện tượng cay mắt, mũi càng rõ. Người tiếp xúc trực tiếp môi trường có tồn dư formaldehyde trong thời gian dài sẽ bị ung thư đường hô hấp; trẻ em tiếp xúc thường xuyên có nhiều khả năng vô sinh.
        
    
   
Bài & ảnh: Lê Phước - Bình Định
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Dân khốn khổ vì nhà máy ép gỗ gây ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO