Đắk Lắk: Dân đua nhau trồng “tiêu lạ”

02/06/2014 00:00

(TN&MT) - Đến thời điểm hiện tại, năng suất và sản lượng của loại cây này vẫn chưa được kiểm chứng.

   
(TN&MT) - Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đua nhau tìm đến các cơ sở sản xuất cây giống ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) để mua giống tiêu ghép cây rừng A-ma-zôn về trồng vì tin đồn loại cây này có sức chống úng, chống hạn và kháng bệnh tốt. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, năng suất và sản lượng của loại cây này vẫn chưa được kiểm chứng.
   
Các cây tiêu ghép A-ma-zôn trong vườn của một cơ sở sản xuất cây giống tại xã Hòa Thắng,
TP. Buôn Ma Thuột
   
Giống “tiêu lạ” giá cao
   
  Trong vai những người nông dân đi mua cây tiêu giống, chúng tôi tìm đến một vài cơ sở ở xã Hoà Thắng hỏi mua giống tiêu này. Theo một vài chủ vườn giới thiệu, giống tiêu này có khả năng chống hạn, chống úng và kháng bệnh tốt hơn tiêu Vĩnh Linh và tiêu Phú Quốc. Thân của loại cây này rất khỏe, bộ rễ tốt sẽ giúp cây sinh trưởng và phát triển nhanh, đồng nghĩa với việc cây sẽ nhanh cho quả, năng suất đạt hơn mà chất lượng thì không thay đổi. Chính vì vậy, giá của giống tiêu này cao gấp 4-5 lần so với giống tiêu thường. Hiện các chủ vườn đang bán với giá 15.000 - 17.000 đồng/gốc chưa ghép và 27.000 – 30.000 đồng/gốc đã ghép được 2 chồi.
   
  Theo anh Nguyễn Đức Bảy (chủ cơ sở sản xuất cây giống Đức Bảy, ở thôn 10, xã Hòa Thắng), trong vườn ươm của anh có khoảng vài chục nghìn cây tiêu ghép A-ma-zôn. Phần thân của tiêu ghép là một loại cây rừng họ trầu không, được nhập từ nước ngoài (Thái Lan, Cam-pu-chia, Ấn Độ…) còn phần chồi ghép là tiêu Vĩnh Linh. “Ở tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và Gia Lai người ta trồng nhiều lắm. Ở Đắk Lắk chỉ có vùng Ea H’Leo trồng nhiều, cũng có nhà đã trồng được hơn 2 năm. Thời gian gần đây, nhiều người dân ở các huyện như Buôn Đôn, Krông Năng, Cư Kuin… cũng tìm đến cơ sở của tôi đặt mua giống tiêu này về trồng” - anh Bảy vừa nói vừa giở sổ thanh toán ra cho chúng tôi xem.
   
  Nhờ anh Bảy giới thiệu, chúng tôi tìm đến vườn tiêu của anh Khánh Vân ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng. Anh Vân cho biết: “Các đây hơn 1 tháng, tôi được người quen giới thiệu đến cơ sở sản xuất cây giống Đức Bảy để mua hơn 1.200 cây tiêu ghép A-ma-zôn về trồng. Qua một thời gian theo dõi, tôi thấy giống tiêu này có khả năng chịu hạn kém, chỉ nên trồng ở các vùng đất ẩm ướt hoặc các khu vực đảm bảo được nguồn nước tưới thường xuyên”. Theo quan sát của chúng tôi, vườn tiêu mới trồng của anh sinh trưởng khá tốt nhưng cũng có vài chục cây đã bị chết. “Phần gốc của giống tiêu mới này khá to khỏe, bộ rễ lớn giúp cây sinh trưởng tốt hơn. Nhưng nếu bây giờ mua thì tôi chỉ mua gốc rồi về nhà tự ghép chứ không mua nguyên cả cây giống vì phần chồi chưa chắc đảm bảo được chất lượng” – anh Vân chia sẻ.
   
   
Chưa được kiểm chứng
   
  Ông Trịnh Tiến Bộ - Trường phòng Trồng trọt của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Mới đây chúng tôi đã đến vườn tiêu ghép của anh Nhân (tại xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) để tìm hiểu. Theo chủ vườn, gốc ghép này có từ các khu rừng ở Việt Nam chứ không phải là hàng nhập từ nước ngoài. Theo nguyên lý khoa học, gốc ghép càng dại càng tốt, bộ rễ của gốc ghép to khỏe sẽ giúp cây hấp thụ được nước và các chất khoáng tốt hơn, sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Gốc ghép có ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng của phần chồi ghép nhưng không nhiều”.
   
  Còn theo TS Trần Vinh - Viện phó Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, giống tiêu ghép này được trồng nhiều nhất ở tỉnh Đồng Nai (khoảng trên 100ha) nhưng cũng chỉ mới được 3-4 năm tuổi. Cây tiêu ghép này sinh trưởng khá tốt, lá xanh quanh năm nhưng cho năng suất khá thấp, hoa và trái ít. Hơn nữa, giống tiêu này rất ưa nước, đòi hỏi nước tưới quanh năm nên khác với chu kỳ sinh trưởng của các giống tiêu đang được trồng. Về nguồn gốc của giống tiêu này, ông Vinh cho biết: “Theo tìm hiểu của chúng tôi, gốc cây tiêu ghép này có nguồn gốc từ nước ngoài chứ không phải ở trong nước. Theo quy định, các giống cây trồng mới trước khi được nhập từ nước ngoài vào Việt Nam phải được kiểm duyệt, kiểm tra về chất lượng, sâu bệnh… mới được cấp giấy phép. Kể cả khi có giấy phép nhập khẩu, cây giống đó phải được qua thử nghiệm, kiểm chứng về chất lượng mới được đưa vào trồng đại trà”.
   
  Tại vườn ươm của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, anh Trần Thanh Tuấn (nhân viên kỹ thuật, phụ trách vườn ươm) đưa chúng tôi đến khu vực trồng thử nghiệm gốc ghép của giống tiêu mới này. Anh Tuấn cho biết: “Vào tháng 9/2013, vườn ươm đã trồng thử nghiệm 100 cây gốc tiêu ghép. Lúc mua, do họ đã ghép nên chúng tôi về cắt chồi tiêu ghép đi và để phần thân phát triển tự nhiên. Qua theo dõi, chúng tôi thấy loại cây này rất ưa nước, ít nhất là 2-3 ngày là phải tưới ngập gốc cây. Đây là loại cây rất ham mối nên nhiều cành bị khô héo, nhưng cành lá của chúng ra rất nhanh nên đến nay chưa hề có cây nào bị chết”.
   
Các cây gốc ghép trồng thử nghiệm tại Vườn ươm của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp
Tây Nguyên được cho là ưa nước và ham mối.
    
   
        
Cẩn trọng khi trồng đại trà
        
TS. Trần Vinh cho biết: “Các cơ quan chức năng nên khuyến cáo bà con nông dân nên cẩn trọng khi đưa giống tiêu ghép này vào trồng. Ngoài vấn đề giá thành cao (gấp 4-5 lần giống tiêu khác), hiệu quả của giống tiêu này vẫn chưa được chứng minh. Tiêu là cây công nghiệp dài ngày nên bà con nếu trồng chỉ nên trồng thử nghiệm một ít cây rồi theo dõi, không nên phá các cây công nghiệp khác hoặc cây tiêu đang trồng đi để trồng đại trà, tránh những thiệt hại về công sức và kinh tế về sau”.
        
Mặc dù loại tiêu ghép này đã được trồng ở nhiều địa phương, có nơi đã trồng được vài năm và cũng có nơi mới trồng nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa có đề tài nào nghiên cứu về loại tiêu ghép này. “Viện đã đề nghị Bộ NN&PTNT sớm có đề tài nghiên cứu, điều tra, đồng thời thí nghiệm các vấn đề liên quan đến giống tiêu ghép này. Hy vọng sau khi thực hiện được đề tài, những kết quả sẽ giải đáp được các vấn đề như: cây tiêu ghép có trồng được ở đây hay không, kháng bệnh ra sao, năng suất và sản lượng thay như thế nào… để bà con nông dân yên tâm sản xuất” – ông Vinh cho biết thêm.
        
   
                                                                                                 
  Bài & ảnh: Lê Phước
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Dân đua nhau trồng “tiêu lạ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO