Đắk Lắk: Chật vật vì thiếu đất sản xuất

27/08/2015 00:00

(TN&MT) - Từ năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Tổng Công ty 16 (Bộ Quốc phòng) phối hợp với UBND huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) cấp thêm, cấp đổi đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân thuộc dự án kinh tế - quốc phòng Ea Súp. Nhưng hiện tại, cả nghìn hộ dân tại 2 xã Ia Rvê và xã Ia Lốp vẫn sống tạm bợ, bằng cách làm thuê, làm mướn do thiếu đất canh tác.

Hơn 10 năm không có đất

Với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, cải thiện môi trường sinh thái, kết hợp với an ninh quốc phòng, ngày 31/8/2001, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt Dự án đầu tư Khu kinh tế quốc phòng trên địa bàn biên giới huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) do Tổng Công ty 16 (TCty16) làm chủ đầu tư. Vào năm 2001 và 2003, TCty16 được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho gần 30.000ha, trong đó có 96,1% là rừng tự nhiên (chủ yếu là rừng nghèo, rừng non) tại 2 xã Ia Lốp và Ia Rvê. Ngoài diện tích rừng phòng hộ phải quản lý bảo vệ (gần 8.800ha), TCty16 đã chuyển đổi mục đích sử dụng gần 21.000ha để thực hiện dự án.

Rất nhiều diện tích đất quy hoạch để cấp cho người dân nằm trên vườn keo chưa khai thác của Cty Tân Mai
Rất nhiều diện tích đất quy hoạch để cấp cho người dân nằm trên vườn keo chưa khai thác của Cty Tân Mai

Từ năm 2002, Tổng Công ty 16 đã đưa hơn 2.000 hộ dân từ 2 tỉnh Bến Tre và Thanh Hóa đến 2 xã biên giới Ia Rvê và Ia Lốp (huyện Ea Súp) để lập nghiệp. Theo phương án đã phê duyệt, mỗi hộ gia đình trong dự án sẽ được giao 1.000m2 đất ở và 1ha đất nông nghiệp để phát triển kinh tế. Nhưng do đất đai cằn cỗi, cùng với khí hậu quá khắc nghiệt, sau hơn 10 năm, họ vẫn không biết chọn cho mình loại cây trồng để phát triển kinh tế, đành phải trồng các cây ngắn ngày như: lúa, sắn, đậu… để sống qua ngày. Ông Trần Đăng Khoa - Trưởng thôn 11 (xã Ia Rvê), cho biết: “Mặc dù, mỗi hộ được cấp 1ha đất sản xuất nhưng không có thủy lợi nên dân phải trồng lúa rẫy, năng suất cao lắm chừng 2 tấn/ha, trừ chi phí may ra hòa vốn. Đầu tư trồng mì cũng năm được năm mất, nhưng nếu không làm thì chỉ có đói”.

Đó là những hộ dân may mắn, còn hàng trăm hộ dân buộc phải bỏ hoang diện tích đất được cấp do ở quá xa, đất toàn sỏi đá, manh mún ven sông suối, mưa xuống là nước ngập... không thể canh tác. Anh Lê Văn Thuận (thôn Đoàn, xã Ia Lốp) được cấp 1ha đất từ năm 2004 nhưng đó chỉ là một bãi sỏi, lại nằm giữa rừng sâu cách nhà 7km, không có đường vào nên suốt 11 năm qua, chưa canh tác lần nào. Không riêng gì hộ anh Thuận, đến hết năm 2011, cả 2 xã Ia Rvê và Ia Lốp có tới 684 hộ ở chưa được giao đủ diện tích 1ha/hộ, 399 hộ không sản xuất được do đất quá xấu và 760 hộ gia đình chưa được cấp đủ đất ở (1.000m2/hộ).

Chị Kiều Kim Hồng - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Án (xã Ia Lốp), tâm sự: “Không có đất sản xuất hoặc diện tích đất được cấp quá xấu, nhiều hộ dân trong thôn phải kéo nhau đi làm thuê, làm mướn khắp nơi mới đủ trang trải cuộc sống. Đây cũng là thực tế chung của toàn xã hơn 10 năm nay”. Thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, đời sống của người dân 2 xã vùng dự án hết sức khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức rất cao. Riêng tại xã Ia Rvê, hiện thu nhập bình quân của người dân trong xã chỉ đạt 8,9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 43,7%.

Mỏi mòn chờ thực hiện   chủ trương

Từ năm 2002 - 2005, TCty16 đã trồng 13.670ha điều và ký hợp đồng giao khoán chăm sóc vườn điều với các hộ dân ở 2 xã Ia Rvê và Ia Lốp. Nhưng do cây điều không mang lại hiệu quả mong muốn nên từ năm 2007 - 2008, TCty16 đã xây dựng phương án tổ chức sắp xếp lại sản xuất kinh doanh. Sau đó, TCty16 đã ký hợp đồng liên kết với Công ty CP tập đoàn Tân Mai (Cty Tân Mai, ở Đồng Nai) để trồng rừng nguyên liệu và đến năm 2009, Cty Tân Mai đã đầu tư vốn trồng được 7.000ha keo. Mặc dù, Cty Tân Mai cũng thông qua TCty16 để ký kết hợp đồng giao khoán cho các hộ dân chăm sóc, bảo vệ nhưng hầu hết các hộ dân không chịu nhận khoán. Ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Ia Rvê, lý giải: “Nếu nhận khoán vườn điều, người dân còn có thể trồng xen cây ngắn ngày dưới tán để tăng thu nhập chứ vườn keo thì chẳng trồng được gì. Trong khi đó, sản lượng nộp khoán Cty Tân Mai đề ra (117ster gỗ/ha/chu kỳ 5 năm) là quá cao, người dân thấy không có lãi nên họ chỉ nhận làm thuê theo công đoạn, thu nhập cũng không đáng kể.”

Sau khi tiến hành thanh tra việc thực hiện Dự án kinh tế - quốc phòng, năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu TCty 16 phối hợp với chính quyền địa phương cấp đổi, cấp thêm đất sản xuất nông nghiệp cho người dân thuộc dự án kinh tế - quốc phòng Ea Súp. Theo đó, mỗi hộ trong vùng dự án sẽ được cấp thêm 1ha đất sản xuất (mỗi hộ sẽ có 2ha đất sản xuất) và được cấp đổi nếu diện tích trước đây (1ha) quá xấu, không thể sản xuất.

Các hộ dân chia sẻ những khó khăn với phóng viên
Các hộ dân chia sẻ những khó khăn với phóng viên

Theo ông Lê Văn Giang - Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Ea Súp, thực hiện theo chủ trương của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh đã thu hồi gần 3.900ha đất của TCty16 giao cho UBND huyện để cấp cho 2.605 hộ tại các xã Ia Rvê, Ia Lốp. Nhưng diện tích này chưa đủ cấp cho các hộ dân và phần lớn là đất xấu, manh mún, chủ yếu là bờ lô và sông suối… nên dân không nhận. Đã có khoảng 1.800ha được bà con đồng ý nhận nhưng lại trùng vào vườn keo chưa thu hoạch của Cty Tân Mai nên sau 3 năm, việc cấp đất vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo ông Đỗ Văn Phận - Đoàn phó Quân sự Đoàn Kinh tế quốc phòng 737, dự án vừa được TCty16 bàn giao nguyên trạng về cho Quân khu V quản lý. Cũng theo ông Phận, hiện đã có 100% hộ dân ở 2 xã được cấp đủ đất ở (1.000m2/hộ); 80% số hộ ở xã Ia Rvê và khoảng 20% số hộ ở xã Ia Lốp được cấp đổi, cấp mới. Về tiến trình và thời hạn giải quyết những tồn tại trước đây, ông Phận chia sẻ: “Phần lớn diện tích đất (gần 2.000ha) được quy hoạch để cấp mới, cấp đổi cho người dân vẫn còn là vườn điều của Cty Tân Mai. Chúng tôi đã làm việc và đốc thúc Cty Tân Mai sớm thu hoạch keo, trả đất về cho huyện để chính quyền cấp cho người dân. Nhưng hiện tại, Cty Tân Mai đang xem xét phương án, kế hoạch… và đến khi nào giải quyết xong chúng tôi không dám khẳng định”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Toản - Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, cho hay: “Mặc dù, vườn keo đã đến chu kỳ thu hoạch nhưng Cty Tân Mai vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã quá hạn, bây giờ vườn keo là tài sản của ngân hàng nên chưa giải quyết ngay được. Về trách nhiệm của địa phương, chúng tôi chỉ đôn đốc Cty Tân Mai sớm thu hoạch keo, bàn giao đất về địa phương chứ không thể can thiệp vì đây là hợp đồng của TCty16 và Cty Tân Mai”.

Bài và ảnh: Lê Phước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Chật vật vì thiếu đất sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO