Đắk Lắk: Cần sự quản lý đồng bộ trong khai thác khoáng sản

31/12/2013 00:00

Tình hình khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang diễn ra hết sức phức tạp, nhất là việc các đơn vị, cá nhân

(TN&MT) - Tình hình khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang diễn ra hết sức phức tạp, nhất là việc các đơn vị, cá nhân khai thác kiểu “tận thu”. Chính vì sự quản lý thiếu đồng bộ của chính quyền địa phương đã dẫn đến tình trạng nói trên, từ đó tác động xấu đến môi trường và cuộc sống của người dân.
   
Khai thác trái phép tràn lan
   
  Đắk Lắk hiện có hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân đang khai thác tài nguyên vật liệu xây dựng như: Đất sét, cát, đá... Nhưng việc khai thác không theo quy hoạch và hạn mức cho phép đã và đang làm lãng phí, cạn kiệt nguồn tài nguyên. Điển hình như khai thác cát làm sạt lở bờ sông, khai thác đất sét làm hủy hoại đất sản xuất lúa nước, khai thác đá xây dựng làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
   
Những cánh rừng bị “băm nát” vì khai thác đá quý
    
   
  Việc cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản do Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk thực hiện, nhưng việc thăm dò, quy hoạch và lựa chọn công nghệ khai thác chủ yếu lại do các đơn vị hoặc cá nhân tự đề xuất. Cũng chính vì vậy mà đã có trường hợp một hợp tác xã khai thác cát tự ý đưa vào “thử nghiệm” công nghệ khai thác mới khi chưa được sự đồng ý của các cơ quan chức năng. Đến thời điểm hiện tại, có lẽ vì công nghệ này mang lại nhiều hiệu quả nên hợp tác xã ấy vẫn không “chịu” dừng lại.
   
  Ngoài các khoáng sản làm vật liệu xây dựng, thời gian qua còn xảy ra tình trạng khai thác trái phép đá quý (thạch anh, saphia...) tại tiểu khu 300, xã Cư Klông, huyện Krông Năng. Chỉ vì những tin đồn không rõ thực hư mà hàng trăm người dân đã kéo vào “băm nát” những cánh rừng, những con suối để tìm đá quý. Trong khi đó, đây lại là khu vực được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho một hợp tác xã nhận trồng rừng nguyên liệu.
   
Cần giải pháp đồng bộ
   
  Rất nhiều hành động khai thác trái phép vẫn tiếp tục diễn ra, trách nhiệm thì đến thời điểm hiện tại vẫn “chưa” có người nhận. Ông Nguyễn Văn Thiềm,  Trưởng phòng Khoáng sản của Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho các đơn vị, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn. Sau khi tập huấn và nắm rõ các quy định, nếu các đơn vị và cá nhân tiếp tục vi phạm thì sẽ xử lý bằng cách biện pháp mạnh hơn để đảm bảo tính răn đe”.
   
  Để hoạt động khai thác nguồn tài nguyên vật liệu xây dựng nói riêng và nguồn tài nguyên khoáng sản nói chung đang cần một sự giải pháp đồng bộ từ khâu lập quy hoạch, thăm dò trữ lượng đến cấp phép khai thác. Trong đó, từng khu vực khai thác, trữ lượng và thời gian khai thác cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng. Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Muốn quản lý tốt việc khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT phải có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phân vùng, quy hoạch khai thác. Từ đó xác định rõ các khu vực khai thác quy mô công nghiệp hoặc nhỏ lẻ và các khu vực cấm khai thác”.
   
  Tại thông báo kết luận của đồng chí Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, trong buổi làm việc với các sở, ngành và UBND các huyện về xử lý các tồn đọng trong việc khai khoáng nêu rõ: “Giao các sở, ngành và chính quyền địa phương căn cứ tính chất mức độ vi phạm của từng đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Xem xét, xử lý và áp dụng mức xử phạt cao nhất đảm bảo tính răn đe. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo, đề xuất UBND tỉnh để xử lý nhằm đưa hoạt động khai thác khoáng sản vào nề nếp. Trong đó, công tác quy hoạch vùng khoáng sản, nguyên liệu làm vật liệu xây dựng cần đặt lên hàng đầu, tiếp đến là sắp xếp lại vùng khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng cho phù hợp. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh lại hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy định, chấm dứt nạn khai thác khoáng sản trái phép như hiện nay”.
   
  Bài và ảnh: Lê Phước
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Cần sự quản lý đồng bộ trong khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO