Đắk Lắk: Bao giờ cụm công nghiệp Tân An có hệ thống xử lý nước thải?

22/10/2014 00:00

(TN&MT) - Cuối tháng 10, công trình vẫn đang còn dang dở. Bên trong khuôn viên đã được xây hàng rào cố định, cỏ dại mọc tràn lối đi, cảnh vật xung quanh như đã...

   
(TN&MT) – Sau nhiều năm đi vào hoạt động, Cụm Công nghiệp Tân An (ở phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) mới xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp. Tuy nhiên, công trình này vẫn chưa thể hoàn thành và đưa vào sử dụng vì thiếu kinh phí thi công.
   
Kênh dẫn nước thải cụm CN Tân An chảy thẳng ra hồ Ea Trum
   
  Cụm Công nghiệp (CN) Tân An có diện tích 104,75ha, bao gồm cụm CN Tân An 1 (được phê duyệt năm 2002, hoạt động từ năm 2003) và cụm CN Tân An 2 (được phê duyệt năm 2008, hoạt động từ năm 2010). Đến nay, cụm CN Tân An đã có 61 đơn vị đăng ký đầu tư kinh doanh (đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90% tổng diện tích chia lô công nghiệp), trong đó có 50 đơn vị đã triển khai đầu tư xây dựng và 38 đơn vị đã đi vào hoạt động.
   
Hồ Ea Trum ngày càng bị bồi lắng và ô nhiễm
    
   
  Do chưa được đầu tư hệ thống xử lý môi trường nên nhiều năm nay, một số doanh nghiệp hoạt động trong cụm buộc phải tự xử lý nước thải (lượng nước thải ít), chở đi xử lý tại Khu CN Hòa Phú (ở xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) hoặc xả trực tiếp nước thải qua hệ thống kênh dẫn, chảy thẳng ra hồ Ea Trum (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar). Bị bồi lắng trong thời gian dài, hồ Ea Trum vốn là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân ở khu vực lân cận ngày càng trở nên ô nhiễm. Ông Y Đức Niê – Trưởng buôn Sut Mgrư (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar), cho biết: “Trước đây, nước trong hồ Ea Trum rất sạch nên đồng bào Ê – Đê trong buôn thường ra suối lấy nước về uống và sinh hoạt. Mấy năm nay, do nước thải từ Cụm Công nghiệp Tân An đổ xuống, hồ bị bồi lắng và ô nhiễm hơn. Sợ bệnh tật, bà con trong buôn không dám lấy nước hồ Ea Trum về dùng nữa”.
   
Trạm xử lý nước thải cụm CN Tân An đã dừng thi công từ đầu năm 2014 vì thiếu kinh phí
    
   
  Trước những vấn đề bức thiết về môi trường, Dự án hệ thống xử lý nước thải cụm CN Tân An đã được phê duyệt vào năm 2012 với nguồn vốn 37 tỷ đồng từ Ngân sách Nhà nước, do UBND TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư. Cuối năm 2012, Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thịnh (gọi tắt là Công ty Tiến Thịnh, ở TP. Buôn Ma Thuột) trúng thầu xây dựng và từ tháng 1/2013, đơn vị này bắt đầu thi công. Trạm xử lý nước thải được thiết kế xây dựng trong khuôn viên lô đất rộng gần 1000m2 ở phía cuối cụm CN với công suất xử lý 1.500m3 nước thải/ngày. Theo kế hoạch, hệ thống xử lý nước thải Cụm Công nghiệp Tân An sẽ hoàn thành và vận hành thử từ tháng 8/2014.
   
   
  Thế nhưng, tại thời điểm PV có mặt tại đây vào cuối tháng 10, công trình vẫn đang còn dang dở. Bên trong khuôn viên đã được xây hàng rào cố định, cỏ dại mọc tràn lối đi, cảnh vật xung quanh như đã bị bỏ hoang từ lâu.
   
   
  Theo ông Phạm Thanh Khiết – Cán bộ kỹ thuật của Công ty Tiến Thịnh, công trình xử lý nước thải Cụm Công nghiệp Tân An hiện đã hoàn thành các hạng mục như hàng rào, hệ thống kênh dẫn nước xả, nhà ép bùn… với giá trị tương đương với 22 tỷ đồng (đạt khoảng 70%). Tuy nhiên, chủ dự án mới nghiệm thu chính thức được 16 tỷ đồng và thanh toán cho công ty được 12 tỷ đồng. “Thiếu kinh phí, chúng tôi buộc phải dừng thi công từ đầu năm 2014 và từ đó đến nay phải cắt cử 2 nhân viên thay phiên trông coi, bảo vệ công trình. Mong chủ đầu tư sớm giải ngân kinh phí, trước mắt là số tiền mà công ty đã đầu tư để chúng tôi tiếp tục thi công, nhanh chóng bàn giao công trình” – ông Khiết bày tỏ thêm.
   
   
  Theo ông Phạm Xuân Mạo – Giám đốc Ban quản lý Khu tiểu thủ CN TP. Buôn Ma Thuột, cho biết: “Hiện tại, Công ty Tiến Thịnh đã hoàn thành trên 60% giá trị công trình xử lý nước thải ở cụm CN Tân An (tương đương khoảng 21 tỷ đồng). Tuy nhiên, do tình hình kinh tế tại địa phương trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, tỉnh Đắk Lắk mới chỉ bố trí được 14,3 tỷ đồng ngân sách cho dự án (2,3 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và 12 tỷ đồng cho đơn vị thi công). Thiếu kinh phí, Công ty Tiến Thịnh đã dừng thi công từ đầu năm 2014 và công trình không hoàn thành đúng kế hoạch. Hiện tại, chủ đầu tư đã trình lên UBND tỉnh phương án vay 20 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đắk Lắk để tiếp tục xây dựng, hoàn thành và sớm đưa công trình vào sử dụng”.
   
Bài & ảnh: Lê Phước
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Bao giờ cụm công nghiệp Tân An có hệ thống xử lý nước thải?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO