Đại Hồng (Đại Lộc – Quảng Nam): Thiệt thòi vì thủy điện

15/04/2017 00:00

(TN&MT) - Thôn Đông Phước và Dục Tịnh, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nằm ở trung lưu sông Vu Gia. Người dân ở hai thôn sống chủ yếu bằng nghề nông với các cây trồng chính là lúa và các cây hoa màu như sắn, bắp, đậu, dưa hấu trồng trên đất phù sa màu mỡ với nguồn nước tưới  chủ yếu từ sông Vu Gia. Từ năm 2009 đến nay, cuộc sống của người dân nơi đây có nhiều biến đổi do những thay đổi chế độ dòng chảy của sông Vu Gia, đặc biệt là từ đầu năm 2013 đến nay.

Từ khi có các dự án thủy điện bậc thang ở thượng lưu sông Vu Gia, người dân hạ du xã Đại Hồng - Đại Lộc - Quảng Nam đã bị biến động rất nhiều
Từ khi có các dự án thủy điện bậc thang ở thượng lưu sông Vu Gia, người dân hạ du xã Đại Hồng - Đại Lộc - Quảng Nam đã bị biến động rất nhiều

Bên cạnh nghề nông, nguồn thu từ chài lưới, đánh bắt cá trên sông cũng là nguồn thu chính của 50 hộ chuyên đánh bắt cá và nguồn thu phụ của hàng trăm gia đình trong việc bổ sung thực phẩm, nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn. Nghề vận chuyển đường thủy trên sông Vu Gia trước đây rất phổ biến ở xã Đại Hồng, đội tàu của xã này đã đi khắp thượng và hạ nguồn gồm 40 chiếc thuyền chở hàng hóa và 120 thuyền để chuyên chở khách.

Từ khi có các dự án thủy điện bậc thang ở thượng lưu sông Vu Gia đã làm thay đổi nghiêm trọng chế độ dòng chảy của sông và qua đó đã gây những hệ quả tai hại cho cộng đồng trong những năm gần đây theo hướng ngày càng nghiêm trọng. Những khảo sát đo mực nước do người dân xã Đại Hồng thực hiện năm 2015 đã ghi nhận dòng chảy kiệt xuất hiện sớm hơn so với trước đây (tháng 1 thay vì tháng 3) và đôi lúc có cả trong mùa mưa. Mực nước sông vào thời gian kiệt thấp hơn rất nhiều so với trước đây. Nước lũ trên sông diễn biến bất thường, có thể xuất hiện cả mùa nắng. Khi có lũ, tốc độ dòng chảy mạnh, nước dâng nhanh.

Về đất đai, diện tích đất sản xuất bị cát phủ làm giảm diện tích sản xuất chung. Chẳng hạn, năm 2010 - 2012 diện tích sản xuất trong xã Đại Hồng là 445 ha, sau 2 năm (2014) diện tích sản xuất chỉ còn 437 ha. Tệ hại hơn là những cánh đồng trồng hoa màu như lạc, ngô thường xuyên bị cát phủ làm suy giảm năng suất, thậm chí mất mùa.

Lũ lụt cũng xuất hiện nhiều và nguy hiểm hơn khi dòng chảy thượng lưu bị thay đổi
Lũ lụt cũng xuất hiện nhiều và nguy hiểm hơn khi dòng chảy thượng lưu bị thay đổi

Không chỉ có diện tích sản xuất bị thu hẹp mà đa dạng sinh học cũng gần như đã mất. Hiện tại, ngư dân chỉ còn thấy trên sông 3 loại cá ít giá trị xuất hiện (cá trắng, cá mè, cá rô phi). Nhiều loại cá có giá trị suy giảm, thậm chí chỉ còn bằng 1/10 so với trước. Số người hiện còn chuyên hành nghề đánh cá ở hai thôn Đông Phước và Dục Tịnh giờ chỉ còn khoảng 25 hộ, trong đó có nhiều hộ bỏ, không đánh bắt ở sông Vu Gia mà họ sang các thủy vực của các con sông khác.

Từ năm 2010 trở lại, do sông bị đập ngăn và ít nước ở hạ lưu, số thuyền chở nông sản đã giảm xuống còn 12 chiếc từ 2010 - 2014. Số tàu thuyền vận chuyển chở hành khách giảm từ 120 chiếc (2004 - 2010) xuống còn 10 chiếc trong năm 2014.

Có thể thấy, các dự án thủy điện đã gây ra những tác động tiêu cực đến các hoạt động sinh kế người dân cụ thể: làm bồi lấp cát, sạn vào đồng ruộng dẫn đến chi phí đầu tư cao, hiệu quả kinh tế thấp; làm sản lượng đánh bắt cá giảm, một số loài cá biến mất nên nhiều hộ gia đình phải bỏ nghề đánh bắt cá truyền thống của mình; tàu thuyền không thể đi lại trên sông nên người dân không thể vận chuyển hàng hóa hay vận chuyển hành khách được.

Bài và ảnh:Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại Hồng (Đại Lộc – Quảng Nam): Thiệt thòi vì thủy điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO