Đại hội Hội KH Lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020

30/11/2015 00:00

(TN&MT) - Ngày 30/11, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2015-2020.

 

(TN&MT) - Ngày 30/11/2015, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (KHLSVN) đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2015-2020. Dự Đại hội có 255 đại biểu chính thức, trong đó có 109 cử nhân, 42 thạc sĩ, 104 tiến sĩ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Đại hội
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Đại hội

Đại hội vinh dự đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến dự Đại hội.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLSVN khóa VI phát biểu khai mạc.

Đại hội lần thứ VII Hội KHLSVN tổ chức trong năm 2015 là một sự kiện lớn của giới sử học Việt Nam trong bối cảnh cả nước diễn ra nhiều ngày kỷ niệm, sự kiện lớn, đặc biệt là việc chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII vào đầu năm 2016. Đây là Đại hội đánh giá các hoạt động của Hội KHLSVN trong 5 năm qua theo Nghị quyết VI đã đề ra là tiếp tục phát triển về quy mô và chất lượng, xứng đáng là tổ chức xã hội nghề nghiệp của giới sử học cả nước, xứng đáng với chức năng, nhiệm vụ của sử học trong yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước và đề ra phương hướng hoạt động  của Hội trong nhiệm kỳ 2015-2020..

Hiện Hội KHLSVN có 59 Hội và Chi hội thành viên, trong đó có 33 Hội cấp tỉnh, thành phố với trên 6 ngàn hội viên, bám sát chức năng và nhiệm vụ của Hội, thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam, truyền bá kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống, thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội, hợp tác quốc tế, Quỹ Phát triển sử học Việt Nam và giải thưởng Phạm Thận Duật...

Trong các phát biểu tham luận đề cập đến nhiều vấn đề về công tác tổ chức, hoạt động của Hội, các đại biểu rất quan tâm đến vấn đề giảng dạy môn sử trong nhà trường phổ thông, xem đây là môn học cơ bản, bắt buộc, vấn đề cần giải quyết là cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy, nội dung, chương trình sách giáo khoa, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sử..; đặc biệt là hoan nghênh Quốc hội vừa qua đã ra Nghị quyết về việc giữ lại môn Sử trong nhà trường phổ thông với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao (448/456 vị, đạt tỷ lệ 98,25 %).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu chỉ đạo Đại hội, đánh giá rất cao vai trò của khoa học lịch sử và các nhà sử học, nhiệt liệt biểu dương những cố gắng và đóng góp của Hội KHLSVN trong thời gian qua và nêu 5 vấn đề Đại hội cần quan tâm, trong đó cần động viên đến mức cao nhất lực lượng và công sức của giới sử học vào việc triển khai và hoàn thành với chất lượng tốt nhất bộ Lịch sử Việt Nam theo tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư - đây sẽ là một dấu mốc lớn trong lịch sử phát triển của khoa học Việt Nam và là một cống hiến vô giá của các nhà sử học với đất nước; động viên các nhà sử học và trực tiếp tham gia với tư cách là một tổ chức tư vấn, phản biện vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trước hết là vai trò, chức năng của môn lịch sử trong giáo dục phổ thông. Hội Khoa học lịch sử phải có trách nhiệm làm cho các cơ quan quản lý và xã hội thấy được tầm quan trọng đặc biệt của môn lịch sử trong hệ thống giáo dục quốc dân và có những đóng góp thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử.

Chủ tịch nước khẳng định "Đảng, Nhà nước sẽ tạo những điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Hội KHLSVN, đồng thời cũng đặt kỳ vọng lớn lao vào các nhà sử học" trong giai đoạn "đất nước đang đứng trước những vận hội và thử thách, phải không ngừng phát triển để nâng cao sức mạnh toàn diện, trong đó có lịch sử, văn hóa là cội nguồn của sức sống, của sự trường tồn của dân tộc và là nền tảng tinh thần cực kỳ quan trọng cho sự phát triển bền vững".

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội KHLSVN nhiệm kỳ VII với 64 thành viên và Ban Kiểm tra có 5 thành viên. Ban Chấp hành Hội KHLSVN nhiệm kỳ VII đã hội nghị lần thứ nhất bầu Chủ tịch, 6 Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và 3 Phó Tổng Thư ký.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê tiếp tục được Đại hội bầu làm Chủ tịch Hội KHLSVN khóa VII. Ông Dương Trung Quốc tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng Thư ký.

Thanh Chí

 

 

 

 

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại hội Hội KH Lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO