Đại học TN&MT Hà Nội: Đổi mới tư duy quản trị đại học

Mai Đan| 06/05/2021 11:26

(TN&MT) - Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số cần được tiến hành trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Nhận thức rõ điều này, trong những năm qua, Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã từng bước áp dụng và triển khai thành công chuyển đổi số trong đại học, giúp thay đổi toàn diện về tư duy quản trị của lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ Nhà trường.

Tiếp cận thông tin nhanh, chính xác, khoa học

Chuyển đổi số là ngôn ngữ trang trọng, thực chất là tin học hóa tổng thể trường học (ERP trường học), đưa tất cả các quy trình, công việc mà trước đây tiến hành thủ công hoặc sử dụng văn bản, giấy tờ tiến tới số hóa toàn bộ. Theo PGS.TS. Hoàng Anh Huy - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cách đây khoảng 2 năm, Nhà trường đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số. Theo đó, các nghiệp vụ từ khâu đăng ký tuyển sinh, xét tuyển, nộp hồ sơ (công chứng học bạ, công chứng bảng điểm…) bằng giấy tờ đã được trường tiến hành số hóa bằng cách nhận hồ sơ trực tuyến, từ đó khâu xử lý hồ sơ và xác nhận trúng tuyển đều chạy trên hệ thống phần mềm.

Ngoài ra, trước đây, việc quản lý trang thiết bị, tài sản của Nhà trường được thực hiện trên sổ sách, giấy tờ nên việc tìm kiếm, kiểm tra thông tin tình trạng hoạt động rất khó vì phải tiến hành kiểm kê, đánh giá hiện trạng, lịch sử sửa chữa máy móc. Tuy nhiên, khi số hóa thì tất cả máy móc và thiết bị của Nhà trường đều được định danh, quá trình mua sắm, luân chuyển, quản lý hiện trạng đều hiện trên hệ thống phần mềm. Nhờ đó, mọi thủ tục đều nhanh hơn, chính xác hơn, bảo mật tốt hơn và khoa học hơn.

“Đồng thời, đối với Nhà trường, lợi ích thêm của số hóa là hạn chế dùng giấy tờ, hạn chế những đồ dùng vật lý khác gây tác động tốt đến môi trường”, ông Hoàng Anh Huy nói.

PGS.TS. Hoàng Anh Huy - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Hiện nay, Nhà trường đang bắt đầu triển khai hệ thống ERP trong quản trị đại học của một đơn vị cung cấp dịch vụ. Khi phần mềm này triển khai xong sẽ cơ bản hoàn thiện quá trình số hóa, giúp Nhà trường trở thành “Trường đại học thông minh”, tức là toàn bộ các khâu, các Module, các phần công việc đều được thực hiện trên phần mềm. Phần mềm này là một phần mềm thống nhất, tương thích hoàn toàn với phần mềm KPI (Chỉ số đo lường hiệu quả công việc) và phần mềm kế toán Nhà trường đã triển khai.

Thay đổi tư duy, thói quen

PGS.TS. Hoàng Anh Huy cho biết: Chuyển đổi số ở bậc đại học có đặc thù riêng so với chuyển đổi số ở doanh nghiệp. Tại doanh nghiệp, chuyển đổi số có tính sẵn sàng về nhân lực hơn chuyển đổi số trong các trường đại học, trong khi đó nhân lực tại các trường đại học chưa quen với chuyển đổi số. Đặc biệt, tại các trường đại học công lập, muốn chuyển đổi số phải đầu tư và muốn đầu tư phải có ngân sách. Đó là vấn đề lớn nhất mà các trường đại học công lập cần giải quyết nếu muốn chuyển đổi số.

Hơn nữa, chuyển đổi số đòi hỏi sự quyết tâm rất cao của lãnh đạo Nhà trường và lãnh đạo các đơn vị phòng, khoa… vì số hóa làm thay đổi thói quen làm việc của con người. “Đã xác định tiến hành số hóa, cần phải làm đến cùng, nếu làm nửa vời thì chắc chắn sẽ thất bại” - ông Hoàng Anh Huy nhấn mạnh.

Nhà trường luôn quan tâm đến chuyển đổi số tổng thể trường học

Là một trong những khoa đi đầu thí điểm áp dụng số hóa trong trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Theo ông Nguyễn Hoản - Trưởng Khoa Kinh tế TN&MT, cách đây 10 năm, khoa đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành. Khi bắt đầu ứng dụng, thời lượng họp trực tiếp của khoa đã giảm đáng kể, mọi vấn đề trao đổi, hỗ trợ nhau về chuyên môn và bàn bạc chiến lược của khoa được tiến hành trực tuyến. Đặc biệt, thời gian gần đây, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, khoa triển khai họp hoàn toàn bằng phương pháp trực tuyến và các văn bản khoa ban hành hay các văn bản Trường gửi về khoa đều được đưa lên mạng.

“Khi tiến hành số hóa, quyền tiếp cận văn bản được định hướng rõ ràng và bình đẳng đối với tất cả giảng viên, người quản lý bộ môn và lãnh đạo khoa. Mọi thông tin của khoa đều được công bố trên mạng, nhờ đó, đến cuối năm, công tác thống kê số giờ nghỉ và đánh giá chất lượng công việc được triển khai thuận lợi và dễ dàng”, Trưởng khoa Kinh tế TN&MT nhấn mạnh.

Cách đây khoảng 5 năm, khoa cũng đã số hóa toàn bộ bài giảng và sử dụng chung bài giảng trong toàn khoa. Theo ông Nguyễn Hoản, việc sử dụng chung bài giảng đã được thẩm định chất lượng sẽ tạo sự bình đẳng đối với người học trong việc tiếp thu kiến thức tối thiểu truyền đạt tới sinh viên, học viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại học TN&MT Hà Nội: Đổi mới tư duy quản trị đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO