Đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý làm rõ thêm Dự án Luật Quy hoạch

26/05/2017 00:00

(TN&MT) - Sáng 26/5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quy hoạch. Trong phiên họp thảo luận tại hội trường hôm nay đã có 27 đại biểu phát biểu ý kiến.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - người điều hành phiên họp - nhìn chung thì kết quả thảo luận hôm nay khá sâu sắc và toàn diện, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao các ý kiến trong báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự án Luật quy hoạch của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Xong cũng có một số ý kiến đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo cần sửa đổi nhiều điều trong dự án luật để đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, hợp lý và logic…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu bên hành lang Kỳ họp thứ 3. Ảnh: Việt Hùng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu bên hành lang Kỳ họp thứ 3. Ảnh: Việt Hùng

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin ghi lại một số quan điểm của các đại biểu tại phiên thảo luận để bạn đọc theo dõi.

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương - Đoàn TP Cần Thơ: TÔI ĐỀ XUẤT NÊN CÓ DỰ BÁO TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TRONG BÁO CÁO QUY HOẠCH

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương - Đoàn TP Cần Thơ
ĐBQH Nguyễn Thanh Phương - Đoàn TP Cần Thơ

Về Điều 4 về nguyên tắc cơ bản trong quy hoạch. Tôi thống nhất với các nguyên tắc đã ghi ra trong dự thảo. Tôi đề xuất ở điều này nên bổ sung thêm một khoảng về đảm bảo phát triển bền vững kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển cân đối liên kết giữa các vùng, miền của quốc gia. Tôi cho rằng trong quy hoạch tổng thể quốc gia phải định hướng và làm cho bằng được điều này vì phát triển bền vững kinh tế xã hội và môi trường, đặc biệt là  phát triển cân đối giữa các vùng, miền là một mục tiêu mà chúng ta nhắm tới.

Về thời kỳ quy hoạch, ở Điều 8, tôi đề nghị có quy định về thời kỳ quy hoạch cho từng cấp quy hoạch cụ thể. Thời kỳ quy hoạch tổng thể quốc gia vùng phải dài hơn quy hoạch cấp tỉnh.

Ở Điều 3 có khái niệm quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược, cần phải có thời kỳ đủ dài để làm cơ sở cho các quy hoạch cấp thấp hơn. Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giải trình nhiều, lý do chọn quy hoạch 10 năm đề phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Mười năm do biến động kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế...

Tôi đề nghị quy hoạch chiến lược cấp quốc gia chỉ 10 năm là tầm nhìn quá ngắn trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế phát triển rất nhanh như hiện nay. Thậm chí quy hoạch chưa được thực hiện hết thời kỳ hay tỉnh, vùng quy hoạch chưa lâu thì đã phải điều chỉnh. Vì thế trong bối cảnh hiện nay, quy hoạch tổng thể quốc gia cần có tầm nhìn xa, định hướng ổn định, nhất định trong một thời kỳ đủ dài thì mới có thể có hiệu quả, tôi đề xuất cấp quốc gia là 20 năm, tầm nhìn 30 năm cấp vùng tỉnh là 10 năm và tầm nhìn 20 năm.

Điều 19 về đánh giá tác động môi trường chiến lược trong lập quy hoạch. Điều này có ba khoản quy định, thực ra phù hợp với quy hoạch hay một dự án cụ thể nhưng đối với quy hoạch tổng thể quốc gia hay quy hoạch vùng, tỉnh tôi e rằng sẽ rất khó phù hợp. Ví dụ, ở Khoản 2 quy định, báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược phải được thẩm định, đồng thời với quá trình lập thẩm định quy hoạch.

Tôi cho rằng, không thể có đầy đủ các dữ liệu để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược cho quy hoạch quốc gia, vùng hay tỉnh. Tôi đề xuất nên có dự báo tác động môi trường là một nội dung trong báo cáo quy hoạch sẽ hợp lý, tính khả thi cao hơn.

ĐBQH Dương Minh Tuấn- Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: ĐỀ NGHỊ KHÔNG LÀM XÁO TRỘN NHỮNG QUY ĐỊNH TRONG LUẬT TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

ĐBQH Dương Minh Tuấn - Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
ĐBQH Dương Minh Tuấn - Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Về dự thảo luật quy hoạch đã tích hợp quy hoạch sử dụng biển và quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ biển vào thành một quy hoạch không gian biển quốc gia.

Nội dung này trân trọng đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm, bởi về nguyên tắc, nội hàm quy hoạch sử dụng biển đã được quy định tại Luật biển, quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên môi trường biển, vùng bờ đã có trong Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo mới được Quốc hội thông qua năm 2015.

Vì vậy, để không làm xáo trộn phải sửa đổi nhiều luật và việc sửa đổi Luật biển vào thời điểm hiện nay là chưa phù hợp, nội dung này đề nghị do Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành các nội dung quy hoạch theo các luật hiện hành, phù hợp thông lệ quốc tế và khu vực.

Tôi cho rằng, trong hệ thống quy hoạch tại Điều 5 dự thảo Luật quy hoạch chưa có quy định về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, điều này là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là quy hoạch sử dụng đất cấp cuối cùng, xác định được các chỉ tiêu sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp huyện.

Đồng thời, thể hiện các chỉ tiêu sử dụng đất đến từng thửa đất và phân bổ đến từng đơn vị hành chính cấp xã. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là căn cứ để lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện làm cơ sở để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án phục vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Việc không quy định hệ thống quy hoạch sử dụng đất độc lập như dự thảo luật là chưa phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 19, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Việc không quy định về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sẽ dẫn đến không có công cụ trong quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay đã phân cấp toàn bộ cho địa phương…

ĐBQH Tô Văn Tám – Đoàn tỉnh Kon Tum: ĐỀ NGHỊ NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH PHẢN BIỆN KHOA HỌC KHI LÀM QUY HOẠCH

ĐBQH Tô Văn Tám – Đoàn tỉnh Kon Tum
ĐBQH Tô Văn Tám – Đoàn tỉnh Kon Tum

Về những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch. Dự thảo đã xác định 7 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch ở Điều 4, các nguyên tắc này khá đầy đủ làm cơ sở cho quá trình xây dựng các nội dung của hoạt động quy hoạch được thể hiện ở các chương, điều của dự thảo luật.

Tuy nhiên, để ngăn ngừa tình trạng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm có thể xảy ra, đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung mục tiêu của hoạt động quy hoạch đó là hoạt động quy hoạch phải vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc bổ sung này có thể là bổ sung thành một khoản ở Điều 4 và cũng có thể bổ sung vào Khoản 1 của điều này, đó là hoạt động quy hoạch vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phải tuân theo quy định của luật này và quy định của pháp luật khác có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, tại nguyên tắc thứ 5 của dự thảo quy định đảm bảo tính khoa học dự báo khả thi tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong hoạt động quy hoạch. Chúng ta thấy rằng hoạt động quy hoạch cần có các nguồn lực để đảm bảo, các nguồn lực này cơ bản được nhà nước đảm bảo, tuy nhiên vẫn có thể huy động các nguồn lực từ xã hội khác trong hoạt động quy hoạch, bởi vậy nên bổ sung vào nguyên tắc này là sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và của xã hội trong hoạt động quy hoạch như thế nó sẽ đầy đủ hơn.

Về việc lấy ý kiến về quy hoạch là cần thiết nhằm đảm bảo tính đầy đủ và tính khả thi của quy hoạch. Việc lấy ý kiến được quy định khá đầy đủ và rõ ràng ở Điều 20 của dự thảo bao gồm lấy ý kiến của cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân có liên quan.

Việc lấy ý kiến là cần thiết, tuy nhiên cũng cần có sự phản biện về quy hoạch, phản biện cũng là một kênh quan trọng trong quá trình quy hoạch, nó làm tăng tính khoa học, tính khả thi, tính nhân dân trong hoạt động quy hoạch.

Phản biện có hình thức, phản biện khoa học và phản biện xã hội, về phản biện xã hội đã được đề cập tại Điều 67 khi quy định trách nhiệm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giám sát và phản biện xã hội trong hoạt động quy  hoạch.

Đề nghị nên nghiên cứu quy định thêm phản biện khoa học và việc giao việc tổ chức phản biện khoa học này có thể giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc có thể giao cho Liên hiệp các hội khoa học hoặc có thể giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức việc phản biện khoa học.

ĐBQH Lê Công Đỉnh - Đoàn tỉnh Long An: XỬ LÝ VI PHẠM LÀ VẤN ĐỀ ĐẶC BIỆT QUAN TÂM

ĐBQH Lê Công Đỉnh - Đoàn tỉnh Long An
ĐBQH Lê Công Đỉnh - Đoàn tỉnh Long An

Về xử lý vi phạm trong lập quy hoạch, đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Bởi thời gian qua thực trạng các chương trình dự án trong quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu chức năng về khu cụm công nghiệp, khu dân cư thương mại chậm hoặc không triển khai hay còn gọi là quy hoạch treo khá phổ biến, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng dự án cũng như trong vùng quy hoạch.

Do vướng quy hoạch nên người dân không xây dựng mới nhà cửa, không thể chuyển mục đích sử dụng đất, không thể đầu tư phát triển gây thiệt hại tài sản, lãng phí nguồn lực xã hội quốc gia. Vì vậy, tôi đề nghị Luật quy hoạch cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch.

Về nguyên tắc và theo quy định trong dự thảo luật, sau khi quy hoạch được công bố quy hoạch phải có kế hoạch triển khai quy hoạch, nhưng thực tế vì nhiều lý do khác nhau và quy hoạch chậm hoặc không triển khai. Lâu nay các quy hoạch chậm, không triển khai hay còn gọi là quy hoạch treo chế tài không rõ, không nói là không có chế tài gì, cứ như thế người dân lại càng khổ. Biết rằng hiện nay Luật đầu tư, Luật kinh doanh bất động sản,

Luật đất đai có ràng buộc về thời gian triển khai dự án cũng như có những ràng buộc chế tài, nhưng vấn đề về bồi thường thiệt hại cho người dân do không hoặc chậm triển khai dự án theo quy hoạch thì chưa được quy định rõ ràng. Do đó, tại Điều 60 tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung chống việc chậm, không triển khai quy hoạch, quy định rõ thời gian phải triển khai hoàn thành quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là đối với quy hoạch phân khu chức năng. Có chế tài quy định rõ trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do chậm, không triển khai quy hoạch gây ra.

ĐBQH Đinh Duy Vượt - Đoàn tỉnh Gia Lai: TÔI ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG QUY ĐỊNH QUY HOẠCH NÀO ĐƯƠNG NHIÊN BỊ HỦY BỎ

ĐBQH Đinh Duy Vượt - Đoàn tỉnh Gia Lai
ĐBQH Đinh Duy Vượt - Đoàn tỉnh Gia Lai

Qua tiếp xúc cử tri, qua tiếp công dân và giải quyết đơn thư, tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định quy hoạch nào đương nhiên bị hủy bỏ và quy hoạch nào nhà nước cấp có thẩm quyền phê duyệt phải công bố làm ngay các thủ tục để hủy bỏ hoặc điều chỉnh.

Ví dụ, các quy hoạch quá thời kỳ quy hoạch quy định trong luật này mà không triển khai, không có nguồn lực và lộ trình thực hiện hoặc quy hoạch ngành mà sản phẩm không còn lợi thế cạnh tranh, đây là những vấn đề mà cử tri trong vùng quy hoạch khá bức xúc.

Bởi vì, thực trạng hiện nay nhiều quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng các dự án qua nhiều nhiệm kỳ không có lộ trình nguồn lực thực hiện làm cho nhân dân trong vùng quy hoạch rất khốn đốn, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của nhân dân, do đó rất cần có quy định để khắc phục vấn đề này.  Khoản 3, Điều 49, Luật đất đai cũng đã có quy định điều chỉnh hủy bỏ những kế hoạch sử dụng đất không khả thi. Đồng thời có quy định việc bồi thường thiệt hại và quy trách nhiệm các cơ quan cá nhân xây dựng quy hoạch không khả thi gây hậu quả.

Việt Hùng (lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý làm rõ thêm Dự án Luật Quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO