Đại biểu Quốc hội sôi nổi thảo luận về kinh tế - xã hội năm 2017

09/06/2017 00:00

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội dành một ngày 9/6 để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017… lần đầu tiên, phiên họp sẽ kéo dài đến 18h30 hôm nay 9/6

Quang cảnh phiên họp sáng 9/6. Ảnh: Quốc Khánh
Quang cảnh phiên họp sáng 9/6. Ảnh: Quốc Khánh

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Thời gian qua không khí trong các phiên thảo luận tại hội trường rất sôi nổi, có nhiều đại biểu đăng ký nhưng do thời gian có hạn nên chưa được phát biểu. Chương trình làm việc hôm nay là một nội dung quan trọng luôn thu hút được sự quan tâm theo dõi của các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước.

Xuất phát từ thực tế trên, để có thêm thời gian dành cho nhiều đại biểu phát biểu ý kiến và thành viên Chính phủ giải trình làm rõ vấn đề, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho phép kéo dài thời gian ngày họp hôm nay đến 18h30'.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Đại biểu Quốc hội đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chăm chú ghi chép những nội dung, góp ý của các vị Đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận. Ảnh: Quốc Khánh
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Đại biểu Quốc hội đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chăm chú ghi chép những nội dung, góp ý của các vị ĐBQH trong phiên thảo luận sáng 9/6. Ảnh: Quốc Khánh

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin ghi lại ý kiến của một số vị đại biểu để bạn đọc theo dõi

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu - Đoàn TP Hà Nội: TÔI XIN ĐỀ XUẤT 6 GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT HIỆU QUẢ KHIẾU NẠI TỐ CÁO

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu - Đoàn TP Hà Nội
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu - Đoàn TP Hà Nội. Ảnh: Quốc Khánh

Trên phạm vi cả nước, tình hình khiếu nại, tố cáo và khiếu kiện đông người đang diễn ra phức tạp, có lúc có nơi diễn ra gay gắt, nhất là ở những địa phương, địa bàn có nhiều dự án công trình thu hồi đất và giải phóng mặt bằng với quy mô lớn. Số vụ việc khiếu kiện đông người kéo dài vượt cấp chưa có chiều hướng giảm. Một số vụ việc xuất hiện yếu tố manh động, có bàn tay hỗ trợ và can thiệp rất tinh vi, nguy hiểm từ bên ngoài.

Nhiều vụ việc, người dân bị lôi kéo vào các nhóm tụ tập khiếu kiện đông người mà không có mục đích hay lý do gì chính đáng, chỉ thuần túy là a dua, làm theo hiệu ứng đám đông hay vì lợi ích vật chất nhỏ được nhận cho việc trả công khi tham gia hoạt động này…

Về các đề xuất giải pháp đối với Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới cùng với các chủ trương, giải pháp mà Đảng và Chính phủ đang tiến hành trong thời gian qua, tôi xin nhấn mạnh đề xuất sáu giải pháp sau đây:

Thứ nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người đứng đầu cơ quan hành chính, nhất là ở cấp cơ sở về tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phải coi đây là một trọng tâm công tác, việc làm thường xuyên đòi hỏi sự đầu tư về mọi mặt, phải tích cực chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với những địa phương có nhiều đơn thư.

Thứ hai, các cơ quan nhà nước cần củng cố và chấn chỉnh công tác tiếp công dân, thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác này. Có bước đột phá trong việc tuyển chọn, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thanh tra và tiếp công dân.

Thứ ba, xác định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã, cấp huyện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, vì trên thực tế hầu hết các đơn thư thuộc thẩm quyền trước hết của cấp huyện và cấp xã và đơn tố cáo hiện nay chủ yếu cũng tố cáo cán bộ ở hai cấp này. Cần quy định chế tài cụ thể và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm không làm hết trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đánh giá bổ nhiệm cán bộ cần coi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo là một tiêu chí quan trọng.

Thứ tư, duy trì đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đại diện nhân dân sớm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và những vấn đề nhân dân bức xúc để tập trung giải quyết. Tôi cũng trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì giao ban trực tiếp về công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo một năm từ 1 đến 2 lần.

Thứ năm, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật nhất là pháp luật về đất đai, tiếp công dân và khiếu nại, tố cáo về lâu dài hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng dân sự, hành chính, khiếu nại, tố cáo và đất đai theo hướng chuyển dần các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, bởi Tòa án là biểu tượng của lẽ công bằng và có bộ máy chuyên nghiệp để giải quyết đơn thư, thay vì việc các cơ quan quản lý hành chính đang giải quyết như hiện nay.

Thứ sáu, xử lý nghiêm những đối tượng kích động, lôi kéo nhân dân tham gia khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự, tuyên truyền, vận động, giải thích, xử lý những công dân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Tôi mong muốn cùng với các chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, để Chính phủ quyết tâm thực hiện bằng được các giải pháp nhằm kéo giảm các đơn thư và các vụ việc. Đây là yếu tố rất quan trọng để góp phần ổn định chính trị, xã hội, để chúng ta thực hiện được các mục tiêu và chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2017 và những năm tiếp theo. Xin cảm ơn Quốc hội.

ĐBQH Mùa A Vảng - Đoàn tỉnh Điện Biên: TÔI ĐỀ NGHỊ QUAN TÂM ĐẾN CÔNG TÁC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THỂ CHẤT, CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC

ĐBQH Mùa A Vảng - Đoàn tỉnh Điện Biên
ĐBQH Mùa A Vảng - Đoàn tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quốc Khánh

Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động là yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế của đất nước là nền tảng cho sư phát triển bền vững về kinh tế và xã hội.

Thời gian qua nguồn nhân lực, năng suất lao động của nước ta có bước chuyển biến và cải thiện đáng kể, góp phần quan trọng tạo nên thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà đất nước ta đạt được. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động của nước ta còn thấp so với khu vực và thế giới, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

Về thể chất, trong hơn 30 năm qua, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm trên 4,5cm thấp hơn chuẩn quốc tế 13cm, trung bình mỗi năm chỉ tăng 0,15cm. Qua tham khảo thấy rằng Nhật Bản những năm 50 của thế kỷ trước là một trong các quốc gia có chiều cao hạn chế trên thế giới đã tăng lên 10cm trong vòng 40 năm.

Về chất lượng lao động, theo số liệu thống kê đến năm 2015 cả nước có trên 52 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên thì có tới 42 triệu lao động chưa qua đào tạo, tỷ trọng lao động giản đơn trong lĩnh vực nông, lâm, nghiệp, thủy sản còn khá cao, chiếm 46% lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế nhưng chỉ tạo ra 17% GDP. Chất lượng nguồn nhân lực của nước ta chỉ đạt 3,79 trên 10 điểm, xếp thứ 11 trong số 12 nước Châu Á tham gia xếp hạng.

Hạn chế về thể chất, kỹ năng sống và trình độ đào tạo, thanh niên Việt Nam thiệt thòi nhiều về cơ hội việc làm, đặc biệt đối với thanh niên nông thôn, dân tộc thiểu số, thanh niên vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, họ chỉ là lao động giản đơn trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tất nhiên năng suất lao động thấp.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập và phát triển với sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, chúng ta thường có những thế hệ công dân toàn cầu, có tầm vóc, trí tuệ và thể chất, có khả năng đáp ứng những yêu cầu ngày càng phức tạp của công việc, tạo ra năng suất lao động và sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, đóng góp cho xã hội, nâng cao giá trị quốc gia.

Từ những lý do trên, tôi kiến nghị Chính phủ đầu tư và quan tâm nhiều hơn nữa để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ các tỉnh miền núi chưa tự cân đối được ngân sách để thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 579 tháng 4/2011, chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2011 - 2020;

 Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 theo Quyết định 1340 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu từng bước nâng cao sức khỏe, thể lực và tầm vóc cho thanh niên có năng lực tự đào tạo, có kỹ năng sống để thích ứng với môi trường sống và làm việc;

Đến năm 2020 chiều cao trung bình của nam thanh niên 18 tuổi là 1m67 của nữ là 1m56 và 100% số học sinh mẫu giáo, tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa học đường như mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

ĐBQH Trần Thị Hoa Ry - Đoàn tỉnh Bạc Liêu: TÔI ĐỀ NGHỊ SỚM CÔNG BỐ VÙNG QUY HOẠCH ĐƯỢC PHÉP KHAI THÁC CÁT

TÔI ĐỀ NGHỊ SỚM CÔNG BỐ VÙNG QUY HOẠCH ĐƯỢC PHÉP KHAI THÁC CÁT
ĐBQH Trần Thị Hoa Ry - Đoàn tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Quốc Khánh

Về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm trong thời gian qua, Chính phủ và nhiều địa phương đã có nhiều nỗ lực trong tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhưng việc khai thác tài nguyên trái phép, nhất là nạn khai thác cát trái phép, phá rừng, kết quả xảy ra còn rất nghiêm trọng.

Trong báo cáo ý kiến tổng hợp cử tri, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá là diễn ra với mức độ tinh vi, thách thức chính quyền và dư luận. Vấn đề này mặc dù được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 4 lần kiến nghị với Quốc hội và 2 lần với Chính phủ nhưng tình trạng này vẫn chưa giảm, kết quả chưa đạt được như mong muốn và đáng báo động, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.

Mặc dù chính quyền địa phương vào cuộc nhưng do thiếu phương tiện, kinh phí, con người và công cụ cần thiết nên việc bắt giữ các đối tượng vi phạm, các tàu hút trộm cát gặp nhiều khó khăn. Vấn đề đặt ra là với những điểm sạt lở trong thời gian qua, hiện nay chúng ta còn bao nhiêu điểm được cấp phép khai thác nằm trong quy hoạch. Câu trả lợi còn khá mập mờ và cử tri thắc mắc là vì sao cát tặc tồn tại được, phải chăng liên quan đến lợi ích nhóm dẫn đến buông lỏng trong quản lý hay bắt cập trong văn bản quy phạm pháp luật chưa kể có nơi còn hợp thức hóa vấn đề này dưới dạng nạo vét lòng sông.

Một vấn đề nữa đặt ra là với tình trạng sạt lở nghiêm trọng như hiện nay, nước ta còn bao nhiêu điểm nữa khai thác được. Chính vì vậy, tôi đề nghị nếu không có giải pháp triệt để và tạo điều kiện cần thiết của các cấp có thẩm quyền và sự vào cuộc của các cấp chính quyền và người dân thì không thể khắc phục được vấn nạn này.

Để giải quyết vấn đề này, tôi đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn các cơ quan chức năng và địa phương chấn chỉnh trong quản lý công bố công khai vùng quy hoạch được phép khai thác, cũng như đối tượng được cấp phép để người dân giám sát. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng chức năng đủ sức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời phải xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm và cả những người có trách nhiệm ở địa phương buông lỏng trong quản lý.

Song song với đó, tôi đề nghị Quốc hội nên giao cho Ủy ban Quốc hội có giám sát chuyên đề riêng về vấn đề này để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục triệt để.

ĐBQH Lê Công Đỉnh - Đoàn tỉnh Long An: VIỆC TỔ CHỨC HỌP MẶT, ĐỒNG HÀNH VỚI DOANH NGHIỆP HIỆN NAY VẪN CHƯA ĐỦ

ĐBQH Lê Công Đỉnh - Đoàn tỉnh Long An
ĐBQH Lê Công Đỉnh - Đoàn tỉnh Long An. Ảnh: Quốc Khánh

Tôi xin đề xuất đó là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Cùng với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút có chọn lọc các dự án, nhà đầu tư thực sự tâm huyết, có năng lực.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt và có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và gần đây đã tổ chức họp mặt, đồng hành cùng doanh nghiệp, theo tôi trong tình hình hiện nay như vậy là chưa đủ. Tôi kiến nghị Chính phủ cần thành lập các đoàn, tổ công tác kết hợp với địa phương do thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn, tổ chức thăm hỏi, làm việc.

Lưu ý ở đây là không phải kiểm tra hành chính để gặp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có khó khăn, có quy mô lớn, những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo để kịp thời lắng nghe, động viên thực chất, tháo gỡ khó khăn cụ thể cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng sản lượng cũng như tăng ký kết hợp đồng, giải quyết việc làm.

Hiện nay, chỉ mới làm được những việc này ở cấp địa phương, rất ít các đoàn của Trung ương. Khi có vướng mắc ở các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ thì chưa kịp thời tháo gỡ. Khi thực hiện được điều này, nhất là trong giai đoạn hiện nay, sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo sụt giảm sẽ tạo tâm lý phấn khởi cho doanh nghiệp được sự đặc biệt quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như địa phương. Quan trọng hơn là thực hiện rõ nét thực chất của một Chính phủ hành động....

Việt Hùng(lược ghi)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội sôi nổi thảo luận về kinh tế - xã hội năm 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO